Việc Mỹ điều hai tàu sân bay diễn tập trên Biển Đông được coi là động thái quân sự cần thiết để ngăn Trung Quốc đòi yêu sách lãnh thổ phi lý.
Trung Quốc tuần qua phản ứng dữ dội với cuộc diễn tập chung của hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz trên Biển Đông, gọi đây là “hành động phô trương sức mạnh” của Mỹ, cáo buộc Washington “tìm cách chia rẽ các nước trong khu vực”.
Một số học giả Trung Quốc cũng cho rằng cuộc diễn tập này của hai tàu sân bay Mỹ là động thái “vỗ ngực” không cần thiết và mang đậm tính hiếu chiến của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn “nổi tiếng vì xóa sổ những hiệp ước kiểm soát vũ_khí lâu năm và làm rạn nứt các liên minh chủ chốt”.
Tuy nhiên, Sébastien Roblin, bình luận viên chuyên về an ninh quốc tế và lịch sử quân sự, cho rằng đây là nhận định sai lầm. Trên thực tế, cuộc diễn tập này là động thái rất cần thiết để thể hiện cam kết của Mỹ trong bảo vệ lợi ích chung toàn cầu khi đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển. “Cuộc diễn tập và nhiệm vụ tuần tra Biển Đông của các tàu sân bay này là trường hợp hiếm hoi khi luật pháp quốc tế, sứ mệnh bảo vệ các nước yếu hơn và lợi ích quốc gia Mỹ hội tụ”, Roblin viết trên NBC News.
Các cuộc tuần tra của các chiếm hạm Mỹ qua Biển Đông, nơi Trung Quốc ra yêu sách phi lý với phần lớn diện tích bằng “đường 9 đoạn” phi pháp, phát đi thông điệp rằng Bắc Kinh không thể độc chiếm khu vực. Việc điều chiến hạm tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải là chính sách lâu dài của Mỹ, khởi đầu từ năm 1979, và cũng chứng minh lợi ích liên tục trong an ninh quốc gia của nước này.
Theo Roblin, các động thái “thiếu thận trọng” của chính quyền Trump trước đây đã khiến các đồng minh lo sợ rằng họ không thể trông cậy vào Mỹ, trong khi các đối thủ cho rằng Mỹ đang suy yếu và tăng cường các hoạt động quyết liệt hơn trên Biển Đông. Quyết định điều hai tàu sân bay cùng diễn tập và tuần tra trên Biển Đông là động thái kịp thời nhằm trấn an các đồng minh, đối tác về cam kết của Mỹ trong việc kiềm chế đối thủ mà không gây xung đột quân sự.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (phía trước, bên phải) và USS Nimitz (phía sau, bên phải) cùng các chiến hạm hộ tống diễn tập tại Biển Đông, ngày 6/7. Ảnh: US Navy.
Roblin cho rằng việc Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có những khu vực cách bờ biển nước này hơn 860 hải lý, là hành động phi lý, trái với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc đưa ra yêu sách lãnh thổ phi lý này không chỉ nhằm kiểm soát các thực thể giàu tài nguyên có vị trí chiến lược trên tuyến đường thương mại qua Biển Đông, mà còn dùng làm cớ để tuyên bố hoạt động tuần tra của Mỹ tại vùng biển quốc tế “vi phạm” cái gọi là “vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc”.
Các đội tàu dân binh Trung Quốc gần đây đã tăng cường “lùng sục” các tàu vận tải thương mại và chiến hạm nước ngoài đi qua Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng lợi dụng yêu sách chủ quyền phi lý để biện minh cho hành động quấy rối chiến hạm và máy bay của quân đội Mỹ, trong đó có vụ điều tiêm kích chặn đầu thiếu an toàn hoặc chiếu laser gây tổn thương mắt phi công Mỹ.
Yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc không chỉ đe dọa luật pháp quốc tế, mà còn chèn ép các quốc gia có tiềm lực quốc phòng và kinh tế yếu hơn. Roblin cho rằng sự hiện diện quân sự hùng hậu của Mỹ trong khu vực có thể giúp các quốc gia này chống đỡ áp lực từ Trung Quốc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Mỹ còn quan tâm đến một vấn đề an ninh quốc gia trực tiếp khác là cạnh tranh quyền kiểm soát Thái Bình Dương với Trung Quốc. Kể từ sau Thế chiến II, hải quân Mỹ tự do di chuyển khắp Thái Bình Dương nhờ năng lực tiếp cận và hậu cần không gì sánh được.
Mỹ xây dựng mạng lưới căn cứ quân sự ở các nước đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và trước đây ở Philippines. Nhiều quốc gia trong số này hiện phụ thuộc vào Mỹ để chống lại sức mạnh trong khu vực của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa không quân, hải quân với tham vọng đẩy lùi sự hiện diện của lực lượng Mỹ hơn 1.700 hải lý về phía đông, thiết lập hàng phòng ngự trong “chuỗi đảo thứ nhất” trải dài từ Nhật Bản xuống Philippines.
Tiêm kích đa năng F/A-18E thuộc không đoàn tàu sân bay 5 cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan trong diễn tập chung với USS Nimitz tại Biển Đông, đêm 4/7. Ảnh: US Navy.
Trung Quốc cũng đã phát triển kho vũ_khí đáng gờm gồm tên_lửa chống hạm tầm xa, tàu_ngầm, chiến_hạm cỡ lớn và máy bay tấn công biển. Số vũ_khí này giúp Bắc Kinh tăng đáng kể khả năng đe_dọa mục tiêu cách bờ biển nước này hàng trăm hải lý, trong đó có các chiến hạm Mỹ.
Theo Roblin, trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, cuộc diễn tập, tuần tra của hai tàu sân bay Mỹ là cần thiết để răn đe, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn các hành động phi pháp của Bắc Kinh, như củng cố về mặt quân sự tại khu vực, đặc biệt là hoạt động bồi đắp đảo trái phép để biến các thực thể thành tiền đồn quân sự.
“Nếu Mỹ muốn giữ chỗ đứng ở khu vực tây Thái Bình Dương, họ cần đầu tái đầu tư vào các liên minh ở nước ngoài, vốn bị lãng quên hoàn toàn trong những năm gần đây, song song với triển khai các cuộc tuần tra”, Roblin viết.
Bình luận viên này cho rằng để tái đầu tư vào các liên minh, Mỹ có thể nỗ lực hàn gắn rạn nứt với các đồng minh và tăng cường hợp tác khu vực, thay vì “bực bội đòi nhiều tiền hơn và đe dọa chiến tranh thương mại với các quốc gia nơi Mỹ đặt căn cứ quan trọng”.
Quân đội Mỹ cũng cần tìm phương cách mới để phô diễn sức mạnh hải quân ít có nguy cơ tổn thương trước tên lửa tầm xa mà Trung Quốc, như sử dụng tàu thuyền và máy bay không người lái cùng hỏa lực tầm xa.
“Mặc dù Mỹ và Trung Quốc buộc phải cạnh tranh trong những thập kỷ tới, việc duy trì chính sách nhất quán và minh bạch sẽ giảm thiểu nguy cơ gây ra các động thái khiêu khích có thể dẫn tới chiến tranh”, Roblin kết luận.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: Google.
Nguyễn Tiến (Theo NBC News)