“Thánh ăn xin” được cả thế giới kính trọng: Đi bộ 24km mỗi ngày để xin tiền làm từ thiện

76

Bản thân là một người già, nghèo khổ và bệnh tật nhưng người đàn ông này vẫn làm một điều khiến ai cũng cảm phục, đến nỗi ông được xưng là “thánh của làng Bailovo”.

Người tốt vẫn luôn hiện hữu quanh ta và tại đất nước Bulgaria, có một người đàn ông tốt bụng đến nỗi được người dân xưng là “thánh”. Suốt nhiều năm cho đến tận lúc cuối đời, người đàn ông này đã đi lang thang khắp nơi để xin tiền nhưng không phải để cho bản thân mà là để làm một hành động cao thượng hơn nhiều.

Người đàn ông ấy có tên Dobri Dobrev, sinh ngày 20/7/1914 và mất ngày 13/2/2018. Ông sinh ra tại làng Bailovo, gần thủ đô Sofia, Bulgaria. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, một quả bom đã rơi xuống ngôi làng nơi ông Dobri sinh sống. Mặc dù giữ được tính mạng nhưng kể từ đó, ông Dobri bị mất đi thính giác.


Cụ ông Dobri được cả thế giới biết đến nhờ tấm lòng cao cả, vĩ đại.

Thực chất, ông Dobri không phải người vô gia cư. Ông đã kết hôn vào năm 1940 và có 4 người con, tuy nhiên 2 trong số đó đã mất sớm. Hai người con còn lại của ông Dobri thỉnh thoảng cũng chu cấp cho bố nhưng chẳng đáng bao nhiêu. Ông Dobri một mình sống trong căn nhà nhỏ xíu, lụp xụp và không có đồ đạc gì giá trị. Ông đã quyết định quên tặng toàn bộ đồ đạc trong nhà cho nhà thờ, chính điều này đã khiến ông bị các con ghét bỏ.

Không rõ từ lúc nào, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, gió rét hay mưa bão, ông Dobri đều đi bộ khoảng 24 km từ nhà đến thủ đô Sofia, ngồi trước Nhà thờ St. Alexander Nevsky để xin tiền. Hầu hết số tiền kiếm được từ việc ăn xin, ông Dobri không hề dùng cho bản thân mình mà dùng để quyên góp cho hoạt động từ thiện. Về phía bản thân mình, ông Dobri chỉ sống dựa vào khoản tiền trợ cấp ít ỏi 100 USD (hơn 2,3 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay) của nhà nước mỗi tháng và những món đồ ăn mà người khác thương tình đem cho.


Bất kể ngày nắng hay mưa, ông Dobri đều đi bộ hơn 24 km để đi ăn xin.

Trong ngôi nhà nhỏ bé của ông Dobri, chỉ có một chiếc giường là vững chãi nhưng ông lại thích ngủ dưới đất hơn. Người ta thấy đồ ăn của ông chỉ có một mẩu bánh mì và một miếng khoai tây, rõ ràng là không đủ cho một bữa ăn, nhưng ông Dobri lại nói rằng thế là đủ cho một ngày.

Cứ thế, hình ảnh vị “thánh ăn xin” ngồi trước nhà thờ đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Cụ ông Dobri với râu tóc bạc phơ che gần hết gương mặt, mặc trên người bộ quần áo rách rưới, đôi giày cũng đã mòn nát, khắc khổ và bẩn thỉu nhưng đôi mắt lại chứa đầy sự yêu thương và nhân hậu. Người ta có thể cảm thấy hơi sợ hãi khi lần đầu nhìn ông Dobri, nhưng chỉ cần một lần tiếp xúc và nói chuyện, ai cũng sẽ cảm thấy yêu quý người đàn ông này.


Ông Dobri luôn đối xử nhân hậu và khiêm nhường với những người xung quanh.

Tâm sự trong bộ phim tài liệu có tên “Mite” sản xuất năm 2000, ông Dobri chia sẻ: “Chân và thiện là hai điều tốt. Chúng ta không được nói dối, không ăn cắp và cũng không nên ngoại tình. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương chúng ta”.

Sau nhiều năm đi ăn xin, ông Dobri đã nhận được tổng cộng khoảng 60.000 nhân dân tệ (gần 1,4 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền này ông đã quyên góp cho các tổ chức từ thiện, nhà thờ, tu viện và trại trẻ mồ côi. Nhờ tấm lòng cao cả của ông Dobri, nhiều nhà thờ và tu viện đã được sửa chữa và duy trì, nhiều trẻ em mồ côi có đồ ăn và cái mặc.


Hình ảnh khắc khổ đã từng quen thuộc với người dân ở Sofia, Bulgaria.

Ông Dobri vẫn đi ăn xin cho tới tận những năm cuối đời. Khi quá yếu không thể đi bộ được nữa, ông mới bắt xe buýt. Mọi người tại thủ đô Sofia đều biết đến ông Dobri là một người đàn ông với trái tim thuần khiết và tấm lòng vị tha. Ngoài cái tên “thánh ăn xin”, ông Dobri còn được người dân Bulgaria gọi là “ông ngoại Dobri” hay “vị thánh của làng Bailovo”.

Câu chuyện về tấm lòng cao cả của người đàn ông khổ hạnh Dobri tại Bulgaria đã được cả thế giới biết đến và ca ngợi. Để bày tỏ sự yêu mến và kính trọng của người dân dành cho ông, họa sĩ đường phố Ernaste Nasimo từ Urban Creatures đã vẽ nên bức chân dung của ông Dobri lên bức tường cao 25 m của khu nhà Hadji Dimitar ở thủ đô Sofia. Bức vẽ vẫn còn nguyên vẹn tới tận bây giờ và là một trong những địa điểm được nhiều du khách tới thăm mỗi khi đặt chân tới Bulgaria.

Bức tường vẽ hình cụ ông Dobri.

Năm 2015, một bộ phim có tên “Silent Angel” (Tạm dịch: Thiên thần thinh lặng) đã ra mắt, nội dung nói về cuộc đời của ông Dobri. Trong bộ phim, ông Dobri đã từng nói rằng những gì ông làm chỉ là để “bù đắp tội lỗi lớn lao trong quá khứ và không có gì đáng kể ca ngợi”.

Năm 2018, cụ ông Dobri đã qua đời ở tuổi 104. Ngày ông Dobri ra đi, rất nhiều người dân đã khóc thương trước một tấm lòng vĩ đại. Thi thể của ông được lưu giữ tại nhà thờ St. Cyril và Methodius thuộc làng Bailovo để người dân tưởng nhớ.

SHARE