Đi ăn cỗ lấy phần mang về: Là chân thành, tình cảm hay kém văn minh

173

Cuối năm rồi lại bắt đầu đến mùa cưới, mùa cỗ bàn. Hôm nay khi đi ăn cưới đứa bạn, có một mâm mọi người cùng chia nhau phần thức ăn còn lại trên mâm cỗ để đem về nhà. Nhìn mỗi người cầm 1 túi bóng đi từ đám cưới ra, ai cũng ‘cảm thán’.

Có người hỏi tôi ý kiến riêng thế nào.

Tôi cũng chẳng biết mình nghĩ đúng hay sai!

Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi là trưởng một chi họ lớn. Một năm nhà ít nhất cũng có 3-4 kỳ giỗ to, có mời họ hàng khách khứa. Lúc vãn đám giỗ, mẹ và dì tôi tiễn khách về trước và đưa tận tay mỗi người một gói quà là hoa quả, bánh trái, xôi oản mà mọi người đem đến thắp hương.

Mẹ tôi gọi đó là biếu lộc. Còn với các cô, các thím, các dì, các mợ trong họ hàng thì lộc còn hay hết không quan trọng. Người thiếu quả nọ, người thừa bánh kia là chuyện thường. Nhưng mẹ tôi vẫn bảo:

“Mợ nhớ cái cặp lồng chim hầm để nóc chạn chưa? Đem về biếu cụ nhé. Đun lại cho nhừ thêm một tý cho cụ dễ ăn”.

“Thím đem đĩa xôi tôi để chạn trên về cho con bé dâu mới. Nó vừa ở cữ, ăn của nếp tốt sữa đấy”.

Lúc ấy ở dưới bếp, dì tôi cũng đang tíu tít:

“Dì hộ tôi nốt chỗ canh măng nhớ. Chỗ cổ cánh thừa lúc nãy tôi đã sẻ một nửa vào thêm rồi. Mai đổi thêm cân bún thì cả nhà lại được bữa sáng ngon đấy”.

“Cô đem đĩa cốm xào này về khoe với bà ngoại xem cháu gái năm nay đi giúp cỗ đã lên tay chưa”.


Mẹ tôi gọi đó là chia phần. Tất cả mọi người đều hỉ hả. Có khi mọi người còn tự chia nhau nữa, cho gia chủ gọn nhà, gọn bếp. Mấy miếng giò chả đầu thừa đuôi thẹo đem kho lên, mai đem cơm cặp lồng đi làm thì cứ gọi là…

“Bác Cả ơi, em về đây. Nồi măng còn, em đun sôi mở vung rồi nhé. Chiều bác cho nắm rau cần vào mà nấu thì quá ngon. Xôi em dỡ hết ra rá rồi, mai chị Hai cho vào chõ đồ lại cho các cháu ăn sáng mà đi học nhé”, mọi người í ới nhau.

Ngày ấy tủ lạnh đâu có. Gà vịt, thịt thà, tôm, cá hiếm hoi. Nhưng cứ đến giỗ Tết thì đều là đầy đặn, dư giả. Con cháu trông mong cả vào đấy.

Hôm nào bố mẹ tôi đi ăn cỗ, chúng tôi cũng hớn hở hóng phần. Dù chỉ là nắm chim chim xôi đậu hay túm nhãn, túm vải cũng khiến chúng tôi vui suốt cả ngày, khoe nhau rối rít.


Ngày tôi mới lấy chồng, khi tôi về quê chồng ăn cỗ tại chính gia đình nhà chồng, cơm gạo mới, xôi nếp thơm, thịt gà quê mới luộc, tôi vồn vã gắp vào bát cho các bà chị dâu, chị gái trong họ, ra ý dâu mới nhà chủ hiếu khách. Tôi cũng ngon miệng đánh hết bát cơm này sang bát cơm khác.

Nhưng gần cuối bữa, tôi vẫn thấy các chị cùng mâm chỉ ăn cơm chan canh xương nấu bí, hoặc mấy miếng rau cải xào lòng mề mà chả ăn gì đến giò chả, thịt gà luộc, thịt lợn nướng. Tôi tưởng các chị giữ ý làm khách nên càng mời giục các chị ăn uống cho thoải mái tự nhiên.

Bỗng đâu bà chị gái chồng tôi nháy tôi kéo riêng ra một góc thầm thì:

“Mợ ơi, ở quê người ta đi ăn cỗ còn đem phần về nhà, chỉ ăn rau lá canh riêu thôi mợ ạ. Tý nữa mợ nhớ nhắc chị em đem phần về, không thì họ lại ngại đấy”.


Tôi sững người xấu hổ, mà không kiếm đâu ra cái lỗ nẻ để chui xuống đất. Chao ôi, cô dâu mới Hà Nội vô duyên đến thế là cùng. Những lần về ăn cỗ sau này, tôi đã biết lệ, ăn uống có phần ý tứ hơn và luôn mau mắn hồ hởi chia phần giúp các chị.

Quà cho cha mẹ già và các cháu nhỏ ở nhà đầy đủ hết. Ai ai cũng vui như Tết. Sau này, tôi đi ăn cỗ nhiều nơi thì đã thấy gia chủ sắp sẵn mỗi mâm dăm, sáu cái túi nilon nho nhỏ, coi như hợp thức hóa việc ăn cỗ lấy phần, chả ai phải xấu hổ ngượng ngập nữa.

Nhiều người chỉ trích việc lấy phần mang về là thiếu tế nhị. Vậy nhưng họ đâu biết những phần thức ăn nhỏ bé như vậy là món quà vô cùng lớn lao với người thân trong gia đình. Nó thật nhỏ bé nhưng đổi lại  là những tình cảm chân thành gắn kết con người với nhau.

Đó là ý kiến riêng của tôi thôi. Đi ăn cỗ mang phần về nhà cũng là  một loại văn minh đấy bà con ạ. Khác nhau là do cách nhìn nhận của mỗi người mà thôi.

SHARE