Giá trị tâm linh của ngày rằm tháng Mười – Tết Hạ nguyên

108

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm vi gia đình và trở thành một lễ hội tâm linh của dân tộc Việt, một sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn nơi chốn già lam thanh tịnh. Người Phật tử trong ngày nay sẽ hướng tâm tu tập, tưởng nhớ hồng ân chư Phật mười phương gia hộ, Thánh thần độ trì, kế đến là ông bà tổ tiên che chở. Đây cũng là dịp để mỗi người kết nối truyền thống gia đình trong tinh thần tri ân và báo ân.

Tết Hạ nguyên là Tết gì?

Tết Hạ nguyên là Tết cuối cùng của bộ ba Tết Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười) trong năm.

Rằm tháng Mười còn gọi là Hạ Nguyên Tiết (下元節), lễ Hạ Nguyên, Tiêu Tai Nhật, Tạ Bình An Nhật, là ngày sinh của Thủy Quan Đại Đế. Vì đây là ngày vua Hạ Vũ giải tai ách cho nhân sinh nên còn gọi là “Hạ Nguyên Giải Ách Thủy Quan Đại Đế Thắng Hội”, “Hạ Nguyên Thủy Quan Thánh Đản”, “Tết lúa mới”…

Ngày rằm tháng Mười người dân thường dùng chính thóc lúa mới vừa được thu hoạch chế biến thành các món ăn truyền thống theo phong tục tập quán của từng địa phương như: Xôi, chè kho, bánh ít, bánh dày,… (Ảnh minh họa: Nguồn: Internet)

Ca dao Việt Nam ta có câu:

“Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy,
Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không,
Rằm tháng Mười, mười người mười quảy”.

Như vậy, trong ba ngày rằm, rằm tháng Mười là ngày mọi người ai cũng đều cúng quảy. Theo phong tục cổ xưa, Tết Hạ nguyên là dịp “tiến tân” cơm gạo mới, sắm sửa hương hoa, đèn nến thiết lập mâm lễ thơm ngon tinh khiết để dâng cúng tổ tiên. Tết Hạ nguyên – Rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết mừng lúa mới, Tết cơm mới là lễ hội có vị trí vô cùng quan trọng đối với cư dân nông nghiệp. Lễ hội này trước đây được tổ chức rộng rãi, từ vùng đồng bằng màu mỡ cho tới vùng núi cao và cao nguyên nắng gió. Người dân mọi nơi đều có các hoạt động mang ý nghĩa mừng lúa mới, mừng mùa màng bội thu. Tết cơm mới đối với đồng bào các dân tộc giữ vai trò đặc biệt như ngày Tết Nguyên đán của người Kinh.

Ý nghĩa Tết Hạ nguyên trong Phật giáo

Rằm tháng Mười không chỉ được tổ chức theo phong tục tập quán ở mỗi địa phương mà còn lan tỏa vào từng mái chùa:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”. 

Lễ Hạ nguyên ở chùa tuy hình thức có phần đơn giản hơn so với các lễ hội Phật giáo khác như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan nhưng về nội dung vẫn phản ánh đậm nét màu sắc tâm linh, nhắc nhở các Phật tử sống đúng Chánh pháp, noi theo gương hạnh của chư Phật và chư Tổ.

Đối với người Phật tử, rằm tháng 10 là dịp để hướng tâm tu tập, siêng làm điều thiện, tu tâm dưỡng tính và tưởng niệm công đức của chư Phật, Bồ Tát và các vị Tổ sư (Ảnh: Ban thờ Phật tại trụ sở công ty Trúc Lâm Quán Tuệ)

Sở dĩ như vậy là do có một quá trình tiếp biến của đạo Phật vào trong tín ngưỡng dân gian, văn hóa dân tộc. Đạo Phật đã thể hiện tinh thần nhập thế, đi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống để độ sinh, hòa nhập một cách uyển chuyển trong các nghi thức, tập tục, lễ hội dân gian…. lồng ghép vào đó những giá trị nhân văn cao cả.

Ngày rằm tháng Mười được coi như lễ tạ ơn. Đúng với tinh thần nhớ ơn, đền ơn trong Tứ Trọng Ân đức Phật đã dạy khi còn tại thế: Ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân chúng sinh vạn loài. Đối với người Phật tử, rằm tháng 10 là dịp để hướng tâm tu tập, siêng làm điều thiện, tu tâm dưỡng tính và tưởng niệm công đức của chư Phật khắp mười phương. Đồng thời bày tỏ lòng thành kính với công ơn truyền dạy của các vị thầy, bậc thiện tri thức. Đó là dâng cúng hương hoa tinh khiết tới trời đất, hương trầm nghi ngút lan tỏa muôn phương, là trầu cau hiến cúng Thánh thần chiếu diệu khắp thiên đường và địa giới, là xôi gạo mới tinh dẻo thơm cáo bạch ông bà tổ tiên… Tất cả để minh chứng cho tấm lòng thành của gia chủ trước công đức của chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền, Long thiên Hộ pháp, ông bà tổ tiên và chúng sinh hiện hữu khắp pháp giới. Đây cũng chính là cội rễ của các giá trị tâm linh mà con người suốt đời trải nghiệm trong đời sống tương tục này.

Mỗi người biết hướng vào bên trong, trở về bản tâm, sống chân thật, không làm những điều sai trái (Ảnh minh họa: Nguồn: Internet)

Vào ngày này mỗi năm ngoài đi chùa, thắp hương cầu an cho người thân thì mọi người còn cầu siêu cho người đã khuất, là dịp để mỗi người hướng tới cội nguồn và những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trong ngày rằm tháng Mười, mỗi người tự hứa với lòng mình, phát hạnh nguyện sống theo Chánh pháp, nếp sống hướng thiện cao quý, mong sao được thành tựu trước sự chứng minh của chư Phật, Thánh thần, tổ tiên trong không khí trang nghiêm trước gian thờ Phật hay bàn thờ gia tiên.

Với ý nghĩa thiêng liêng ấy, ngày Tết Hạ nguyên hay còn gọi là rằm tháng Mười đã trở thành ngày hội để tôn vinh các giá trị văn hóa tinh thần của cội nguồn dân tộc, thể hiện khát vọng được sống an lành, bình an, xây dựng một đời sống hướng thiện của người dân Việt. Đây cũng là dịp để thế hệ trước răn dạy thế hệ sau về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, biết sống đúng theo tinh thần đền ơn đáp nghĩa. Từ đó mỗi người biết hướng vào bên trong, trở về bản tâm, sống chân thật, không làm những điều sai trái. Nếu ngày ngày luôn nhớ gieo trồng nhân lành thì sẽ được hưởng hương thơm quả ngọt của đất trời. Trên hết là được an trú trong niềm hỷ lạc – hạnh phúc Niết bàn ngay trong cõi nhân gian này.

Vào ngày này, nhiều người thường làm lễ cúng bái để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong an lành. Theo quan niệm dân gian, đây là một ngày đặc biệt, nên có một số điều nên kiêng kỵ để tránh xui xẻo:

  1. Tránh cãi vã, tranh chấp: Người ta tin rằng ngày đầu tháng không nên tranh cãi, lớn tiếng hoặc xung đột, vì điều này có thể mang lại vận xui và những điều không may mắn trong cả tháng.
  2. Không vay mượn, đòi nợ: Theo quan niệm dân gian, việc vay hoặc trả nợ vào ngày đầu tháng có thể khiến tài chính không ổn định, cả tháng dễ gặp khó khăn về tiền bạc.
  3. Hạn chế làm vỡ đồ: Làm vỡ chén, bát, gương, hoặc các vật dụng khác vào ngày này bị coi là điềm gở, dễ mang lại xui xẻo hoặc khó khăn trong công việc, tình cảm.
  4. Không nói điều xui xẻo: Nên tránh các từ ngữ tiêu cực, tránh nói những điều không may để giữ tinh thần lạc quan, mang lại khởi đầu tốt đẹp cho tháng mới.
  5. Không đi thăm bệnh hoặc đến những nơi u ám: Người ta cho rằng ngày đầu tháng không nên đến bệnh viện hoặc những nơi u ám vì dễ mang theo những điều không tốt về nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe.
  6. Kiêng quan hệ vợ chồng: Một số người kiêng cữ điều này vào ngày rằm để tránh mất tài lộc và gặp vận hạn không tốt.
  7. Tránh ăn những món mang điềm xui: Một số món như trứng vịt lộn, mực, cá mè, thịt chó… thường được kiêng ăn vào ngày đầu tháng vì sợ cả tháng sẽ gặp điều không may.

Tuân thủ các điều kiêng kỵ này nhằm cầu mong một tháng mới thuận lợi, bình an và tránh gặp điều không may.

Một số việc nên làm vào ngày này:

  1. Làm lễ cúng tổ tiên: Đây là một ngày lễ quan trọng để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn để dâng lên bàn thờ gia tiên, cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho gia đình bình an và may mắn.
  2. Cúng Phật và thần linh: Ngoài việc cúng tổ tiên, có thể làm lễ cúng Phật và các vị thần linh để cầu sức khỏe, tài lộc và sự che chở. Mâm cỗ cúng thường gồm hương, hoa, nến, trái cây, bánh kẹo và nước sạch.
  3. Ăn chay: Vào ngày đầu tháng, nhiều người lựa chọn ăn chay để thanh lọc tâm hồn, tăng phúc và tránh sát sinh, cầu nguyện cho bản thân và gia đình gặp nhiều điều tốt đẹp trong tháng.
  4. Đi chùa: Đến chùa lễ Phật vào ngày rằm là một cách để thanh tịnh tâm hồn, cầu bình an, sức khỏe và may mắn. Đây cũng là dịp để lắng đọng suy nghĩ, tìm sự an yên trong tâm.
  5. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng: Việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ vào đầu tháng tượng trưng cho sự khởi đầu mới mẻ, giúp xua tan khí xấu, đón nhận năng lượng tích cực vào nhà.
  6. Nói những điều may mắn, tích cực: Nên giữ thái độ lạc quan, nói những điều vui vẻ, may mắn để thu hút năng lượng tích cực. Điều này giúp tạo khởi đầu thuận lợi cho cả tháng.
  7. Làm việc thiện, giúp đỡ người khác: Đầu tháng là thời điểm tốt để gieo duyên lành, tích phước bằng cách làm việc thiện như giúp đỡ người khó khăn, quyên góp từ thiện. Đây cũng là cách để mang lại sự an lành và vận may cho bản thân và gia đình.

Những hoạt động này không chỉ giúp khởi đầu tháng mới một cách tích cực mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, mang lại sự bình an và may mắn cho bản thân và gia đình.

SHARE