Cuộc chiến pháp lý của cụ ông mất nhà vì thiếu 8 USD thuế

MỸ-Ông Uri Rafaeli, 85 tuổi, bị chính quyền hạt Oakland, bang Michigan kê biên toàn bộ căn nhà 60.0000 USD vì đóng thiếu hơn 8 USD tiền thuế.

Năm 2011, ông Rafaeli, kỹ sư về hưu, mua lại căn nhà 140 m2 tại hạt Oakland với dự định cho thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống về hưu. Chứng từ mua bán được phòng đăng ký quyền sở hữu bất động sản hạt Oakland ghi nhận vào tháng 1/2012.

Ông Rafaeli nói đinh ninh đã trả đủ thuế tài sản đúng hạn nhưng chỉ 5 tháng sau, bống nhận được thông báo còn thiếu gần 500 USD. Ông mau chóng nộp vào năm 2013 nhưng quên không tính tới việc lãi suất vẫn tích lũy trong khoảng thời gian séc thanh toán được gửi đi. Số tiền bị thiếu là 8,41 USD.

Dù ông chỉ thiếu tiền thuế trong năm 2011, chính quyền hạt Oakland vào tháng 2/2014 vẫn kê biên căn nhà trị giá 60.000 USD của cụ ông để lấy lại khoản tiền thuế nhỏ nhoi, cùng 277 USD tiền phạt và lãi suất. 6 tháng sau, hạt Oakland bán đấu giá căn nhà, thu được 24.500 USD. Số tiền chênh lệch do chính quyền giữ toàn bộ.

Theo Luật Thuế của tài sản chung hiện hành của bang Michigan, người đứng đầu phòng tài chính hạt có quyền hạn rất lớn khi xử lý vấn đề nợ thuế, bao gồm việc đẩy nhanh tiến trình kê biên tài sản. Nếu không nộp đủ thuế trong năm trước, chủ sở hữu tài sản sẽ bị coi là nợ thuế. Tài sản có thể bị kê biên nếu tình trạng nợ thuế tiếp diễn trong hai năm, trong khi trước đó, thời gian trung bình để kê biên 5-7 năm. Ít lâu sau khi bị kê biên, chủ sở hữu sẽ mất quyền mua lại tài sản, quyền sở hữu sẽ thuộc về chính quyền hạt.

Ở hầu hết những bang khác, sau khi tài sản được bán đấu giá, nếu tiền thu được vượt quá khoản thuế bị nợ, phần chênh lệch sẽ được hoàn trả cho chủ sở hữu ban đầu. Tuy nhiên, pháp luật bang Michigan cho phép chính quyền giữ toàn bộ khoản chênh lệch, kể cả khi tiền thu được từ đấu giá vượt quá nhiều lần so với tiền nợ.

Cảnh ngộ của Rafaeli không hiếm hoi vì hàng chục nghìn tài sản khác tại thành phố Detroit cũng gặp phải tình trạng như trên, theo Forbes. Nhiều người nợ thuế biết rõ nghĩa vụ trả nợ, nhưng chưa chắc đã nắm được cách xử lý hoặc chưa ý thức được hậu quả của việc không trả đúng hạn. Trong trường hợp của ông Rafaeli, chỉ đơn thuần lỗi tính sai lãi suất cũng có hậu quả nghiêm trọng.

Không đồng ý với quy định hiện hành, ông Rafaeli cùng một nguyên đơn khác ban đầu khởi kiện lên tòa án sơ thẩm liên bang tại quận Đông Michigan nhờ sự trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư. Tòa sơ thẩm liên bang nhận định ông Rafaeli “đã phải chịu sự bất công hiển hiện” nhưng không thụ lý yêu cầu khởi kiện vì thiếu thẩm quyền.

Ông Uri Rafaeli kiện vì bị kê biên toàn bộ nhà và không nhận được bồi hoàn. Ảnh: Pacific Legal Foundation.

Năm 2015, ông Rafaeli quay lại khởi kiện lên tòa án cấp tiểu bang. Ông không phủ nhận mình nợ thuế, tiền phạt, và lãi suất, nhưng cáo buộc rằng hành động giữ toàn bộ phần tiền chênh lệch sau khi bán đấu giá tài sản của chính quyền hạt Oakland đã xâm phạm quyền lợi hợp pháp. Cụ thể, Hiến pháp Mỹ quy định không được tịch thu tài sản tư nhân để dùng vào mục đích công nếu chủ tài sản không được bồi thường hợp lý.

Phản bác, đại diện hạt Oakland lập luận rằng đã gửi thông báo đầy đủ cho hai nguyên đơn đúng quy trình, theo Luật Thuế của tài sản chung.

Cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều ra phán quyết có lợi cho chính quyền hạt Oakland. Tòa án nhận định phía chính quyền không “tịch thu” tài sản của nguyên đơn vì trên thực tế, nguyên đơn đã tự “tước bỏ” mọi quyền và lợi ích gắn liền tài sản khi không trả tiền thuế. Theo hai cấp tòa, tài sản bị kê biên đúng quy trình và không thuộc vào trường hợp bị cấm “tịch thu” trong Hiến pháp Mỹ.

Năm 2019, vụ kiện được kháng cáo lên tòa tối cao tiểu bang Michigan. Bên cạnh lập luận như ở tòa cấp dưới, đại diện hạt Oakland còn cho rằng nếu tòa tối cao ra phán quyết có lợi cho Rafaeli, chính quyền các hạt tại Michigan sẽ phải hoàn trả hơn hai tỷ USD cho những người gặp cùng cảnh ngộ như Rafaeli, trong khi điều này được cho là bất khả thi. Phía ông Rafaeli vẫn giữ nguyên quan điểm như trước.

Trái với mong muốn của chính quyền hạt Oakland, tòa tối cao Michigan ra phán quyết có lợi cho ông Rafaeli vào ngày 17/7 vừa qua. Tòa tối cao nhận định rằng tòa cấp dưới đã hiểu sai định nghĩa của từ “tước bỏ” trong Luật thuế của tài sản chung. Theo luật hiện hành, chính quyền có thể yêu cầu tước bỏ tài sản của người nợ tiền thuế, nhưng không thể nhận toàn bộ lợi ích đi kèm tài sản. Vì thế, việc người dân không nộp đủ thuế không có nghĩa tự tước bỏ quyền và lợi ích.

Hơn nữa, theo tòa tối cao, nguyên tắc “nhà nước không được lấy số tài sản nhiều hơn số tiền bị nợ” là nguyên tắc xuyên suốt trong hệ thống tư pháp bang Michigan và có nguồn gốc sâu xa trong Thông luật. Ví dụ, Đại Hiến Chương (Magna Carta) – văn kiện hình thành tại Anh vào năm 1215 đặt nền móng cho hệ thống pháp luật Anh, Mỹ, cũng từng công nhận rằng người thu thuế chỉ có thể tịch thu tài sản để lấy đủ số tiền bị nợ.

Tòa tối cao Michigan tuyên bố hành động giữ số tiền chênh lệch thu được sau khi bán đấu giá của hạt Oakland tương đương với việc tịch thu tài sản thuộc sở hữu hợp pháp mà không có bồi hoàn thỏa đáng. Luật hiện hành đã vi phạm hiến pháp khi cho phép hành động như trên.

Sau phán quyết, hồ sơ vụ kiện được trả về cho tòa sơ thẩm hạt Oakland xử lý, chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài 6 năm của ông Rafaeli.

Yair Andegeko, con rể của ông Rafaeli, cho biết bố đã lao động cả đời để tới được thời điểm có thể về hưu bằng khoản tiền tích lũy. Nhưng những chính sách thô bạo và khó tin như của Michigan lại cho phép chính quyền tịch thu nhà cửa như thể đó tài sản là của họ. “Ít nhất từ bây giờ hành động như vậy sẽ không thể tái diễn”, Andegeko nói.

Quốc Đạt (Theo Forbes, Detroit News)

SHARE