Chính quyền Trump huỷ bỏ chính sách trục xuất sinh viên quốc tế

16

Chính quyền Trump vừa bãi bỏ kế hoạch trục xuất du học sinh nếu trường họ theo học chỉ dạy trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trường Harvard đã chuyển các khóa học sang hình thức trực tuyến vì lo ngại dịch Covid-19.

Quyết định trục xuất du học sinh chỉ học online này được đảo ngược chỉ sau một tuần.

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Harvard đã kiện chính quyền về kế hoạch này.

Thẩm phán quận Allison Burroughs ở Massachusetts nói rằng các bên đã đi đến thỏa thuận.

Thỏa thuận dàn xếp khôi phục một chính sách được thực thi vào tháng 3, trong bối cảnh bùng phát dịch virus corona, cho phép sinh viên quốc tế tham gia các lớp học trực tuyến trong trường hợp cần thiết, và vẫn có thể ở lại Mỹ một cách hợp pháp với thị thực du học, theo New York Times.

Rất nhiều sinh viên nước ngoài đến Mỹ học mỗi năm và tạo ra nguồn thu đáng kể cho các trường đại học.

Đại học Harvard gần đây thông báo rằng, bởi lo ngại virus lây lan, các khóa học sẽ được thực hiện qua hình thức trực tuyến vào năm học mới. MIT, tương tự một số tổ chức giáo dục khác, cho biết họ cũng sẽ tiếp tục chương trình học trực tuyến với học phí thích hợp.

Chính sách quy định gì?
Theo chính sách được công bố tuần rồi, du học sinh sẽ không thể ở lại Mỹ trừ khi chuyển sang hình thức học tại chỗ với mức học phí tương ứng.

Những du học sinh đã trở về nước khi học kỳ kết thúc vào tháng Ba – thời điểm dịch bệnh trở nên nghiêm trọng – nằm trong diện không được phép trở lại Mỹ nếu các lớp học đã chuyển sang trực tuyến.

Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cho biết du học sinh có thể đối mặt với việc bị trục xuất nếu không tuân thủ quy định.

Trước đó, Chương trình Trao đổi Sinh viên (SEVP) do ICE điều hành đã cho phép sinh viên nước ngoài tiếp tục các khóa học mùa xuân và mùa hè 2020 theo hình thức trực tuyến trong thời gian lưu lại nước Mỹ.

Nhưng hôm 6/7, cơ quan này cho biết sinh viên nước ngoài không chuyển từ học trực tuyến sang học tại chỗ có thể phải đối mặt với “hậu quả về vấn đề nhập cư bao gồm, nhưng không giới hạn, việc triển khai thủ tục rút thị thực”.

Các trường đại học phản ứng ra sao?
Hai ngày sau đó, Harvard và MIT đã nộp những đơn kiện đầu tiên nhằm lật ngược chỉ thị mà họ cho rằng “tùy tiện, thất thường, thiếu suy xét”.

Hàng chục trường đại học khác đã ký một bản tóm lược để hỗ trợ cho vụ kiện.

Trong tuyên bố của mình, 59 trường đại học lập luận rằng “động lực thực sự (của chính sách này) không liên quan tới việc đảm bảo học sinh tham dự ‘khóa học đầy đủ’ hay bảo vệ sự toàn vẹn của chương trình thị thực. Thay vào đó, mục đích… là để ‘khuyến khích các trường mở cửa lại’.”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp của ít nhất 18 tiểu bang, bao gồm Massachusetts và California, cũng nộp đơn khởi kiện.

Tổng thống Trump hối thúc các trường học mở cửa và sinh viên trở lại trường trong học kỳ mới. Ông coi việc mở cửa trở lại là một chỉ dấu cho sự phục hồi sau nhiều tháng biến động, điều này có thể đem lại lợi ích cho nỗ lực tái tranh cử của ông vào tháng 11 này.

Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục lo ngại về sức khỏe của sinh viên và muốn tiếp tục thực hành giãn cách xã hội trong khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn.

Loại visa nào bị ảnh hưởng?
Luật trên áp dụng cho người có thị thực F-1 và M-1 dành cho sinh viên du học và dạy nghề. Theo ICE, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp 388.839 thị thực F và 9.518 thị thực M trong năm tài chính 2019.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, sinh viên quốc tế đã đóng góp 45 tỷ USD cho nền kinh tế nước này trong năm 2018.

SHARE