Từ năm 2002 cho đến nay, vợ chồng bà Choo Kheng Huay (Singapore) đã nuôi dưỡng 17 đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh.
Căn hộ có đầy đủ xích đu, khu vui chơi rộng lớn, đồ chơi, tủ sách được sắp xếp ngăn nắp của bà Choo Kheng Huay (64 tuổi) trông giống một trường mầm non.
Tuy nhiên, đây là nơi bà nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh bất hạnh. Chúng có thể tận hưởng một tuổi thơ đúng nghĩa, được đi học khi sống trong gia đình thay thế này.
Bà Choo và chồng – ông Lim Yook Gweek có với nhau 4 đứa con. Họ đều đã trưởng thành, lập gia đình. Các con cháu của vợ chồng bà Choo cũng dang rộng vòng tay, chào đón những đứa trẻ khác đến sống.
Suốt 18 năm qua, gia đình bà Choo đã yêu thương, chăm sóc những đứa trẻ như ruột thịt.
Bà Choo cho biết, động lực khiến bà nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi là từ bài báo viết về hoàn cảnh đáng thương của 1 đứa trẻ không có nhà để về.
Vốn là người yêu trẻ, lại có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em, bà Choo cảm thấy rất đau lòng. Bà nghĩ rằng, ở ngoài kia, cũng có nhiều trường hợp giống đứa bé trong bài viết.
Xuất phát từ lòng trắc ẩn, bà quyết định nhận nuôi những đứa trẻ xa lạ, giúp chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Để tâm nguyện thành hiện thực, bà bắt đầu tìm hiểu việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhận con nuôi, làm gia đình thay thế ở Singapore.
Sau khi tham dự các khóa học bắt buộc dành cho cha mẹ nuôi của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF) Singapore vào năm 2002, vợ chồng bà nhận đứa con nuôi đầu tiên – một cậu bé 7 tuổi.
Bà chia sẻ với The Pride: “Khi vợ chồng tôi đến đón cháu, tôi rất phấn khích nhưng không tránh khỏi cảm giác hồi hộp”.
Vợ chồng bà Choo khẳng định, họ sẵn sàng trao gửi sự yêu thương đến những đứa trẻ nhưng không phải đứa trẻ nào cũng mở lòng đón nhận.
Ông Lim kể, họ từng đón một đứa trẻ 3 tuổi về. Đứa trẻ sợ hãi, la hét và có thái độ phản ứng mỗi khi ai đến gần nó. Ban đêm, cậu bé khóc, nôn mửa, tâm trạng đầy bất an, mặc dù vợ chồng ông đã vỗ về, an ủi.
Bằng tình yêu, sự bao dung của vợ chồng ông Lim – bà Choo, cuối cùng đứa trẻ cũng chịu mở lòng, thích nghi dần với cuộc sống mới sau 2 tuần.
Ông Lim bày tỏ: “Trẻ con rất đơn giản. Bạn đối xử tốt với chúng thì chúng sẽ đối xử tốt với bạn”.
Suốt 18 năm qua, vợ chồng bà Choo đã đón 17 đứa trẻ về nuôi. Đứa nhỏ nhất hiện ở cùng ông bà là 4 tuổi. Ngôi nhà của ông bà lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt.
Hàng ngày, bà Choo thức dậy lúc 6 giờ sáng, làm bữa sáng và chuẩn bị cho lũ trẻ đến trường. Ông Lim bận rộn làm tài xế, chở các em đi học chính, học ngoại khóa…
Đôi khi, khoản trợ cấp của chính phủ cho mỗi đứa trẻ mà ông bà nhận nuôi không đủ để trang trải cho chi phí các lớp học đàn, ngoại ngữ, vẽ tranh…
Ông bà Choo tự bỏ tiền túi ra cho các bé học. Họ hi vọng những đứa trẻ đó có thể nhận được sự giáo dục tốt nhất, làm điều chúng muốn và theo đuổi đam mê riêng.
Người thân và bạn bè của vợ chồng bà Choo cho rằng, họ đang làm điều quá sức với bản thân.
Theo ông Lim, nhiều người khuyên, ở độ tuổi này, ông bà cần thời gian thư giãn và nghỉ ngơi, vì sức khỏe, tuổi tác là vấn đề lớn nhưng họ thấy bình thường. Để được nuôi dưỡng những đứa trẻ đó, vợ chồng ông phải thực hiện nhiều cam kết với chính phủ.
Ông khẳng định, hai vợ chồng mình có thể chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương một cách tốt nhất.
Bà Choo đồng tình với suy nghĩa của chồng. Bà nói: “Có những đứa trẻ ở bên, cùng chúng chơi, học hành là điều thú vị. Chúng khiến cuộc sống của tôi không còn nhàm chán, cảm thấy yêu đời hơn”.
Đứa trẻ vợ chồng bà Choo nuôi lâu nhất là 6 năm và ít nhất là 15 tháng. Những đứa trẻ đều gọi bà là mẹ. Gia đình bà sống trong căn hộ rộng, có 6 phòng.
Người phụ nữ 64 tuổi thông tin, ở Singapore, gia đình thay thế chỉ được nuôi dưỡng trẻ khi gia đình của chúng không còn là nơi an toàn.
Theo trang web của MSF, điều này có nghĩa là cha mẹ của đứa trẻ không còn chăm sóc chúng vì những lý do như: Tù đày, bệnh tật hoặc tử vong. Một số đứa trẻ cũng có thể trải qua những trải nghiệm đau thương như bị lạm dụng và bỏ rơi.
Để hỗ trợ cha mẹ nuôi, các nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng của MSF giữ liên lạc thường xuyên thông qua các chuyến thăm nhà và các cuộc gọi điện thoại.
Ngoài ra, còn có một đường dây nóng 24 giờ, bố mẹ nuôi có thể gọi trong trường hợp khẩn cấp.
Những gia đình thay thế có vai trò giống như gia đình thực sự, giúp đứa trẻ có môi trường phát triển thể chất, tâm sinh lý tốt nhất. Sau một thời gian được nuôi dưỡng ở đây, khi nào những đứa trẻ sẵn sàng, chúng có thể trở về với bố mẹ ruột hay họ hàng của mình.
Các nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng của chính quyền sẽ sắp xếp cho trẻ về thăm nhà, ở cùng gia đình ruột thịt trong 1 khoảng thời gian ngắn, để chúng không bị sốc vì thay đổi môi trường sống. Sau đó, chúng sẽ chính thức rời gia đình thay thế.
Giây phút lũ trẻ rời đi là khoảnh khắc buồn với vợ chồng bà Choo. Ông bà thường trốn vào một góc và khóc lặng lẽ.
“Khi bạn chăm sóc trẻ em và yêu thương chúng một thời gian, bạn sẽ cảm thấy buồn khi thấy chúng ra đi. Nhưng tôi cũng nghĩ, các con được đoàn tụ với người thân là một điều hạnh phúc. Mình phải vui vẻ, chúc cho chúng luôn may mắn trong tương lai”, bà Choo nói.
*Gia đình thay thế là gia đình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Gia đình bà Choo là một trong những gia đình như vậy ở Singapore. Năm 2020, bà là 1 trong 60 phụ nữ được tạp chí Her World Online vinh danh, lan tỏa câu chuyện đến mọi người vì tấm lòng nhân hậu.
(The Pride)