Chuyên gia: Mỹ sẽ ‘hành động mạnh hơn’ sau khi bác yêu sách Biển Đông của TQ

46

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai 13/7 bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông. Hai chuyên gia nhận định với VOA rằng lập trường do ông Pompeo đưa ra cho thấy Washington gia tăng sức ép trong cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và bước đi này dọn đường cho Mỹ hành động “mạnh mẽ hơn” ở Biển Đông.

Như VOA đã đưa tin, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nói rõ “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó”.

Trong một đoạn của tuyên bố đề cập đến Việt Nam, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: “Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei, và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia)”.


Một tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông hồi tháng 5/2020

Nhà ngoại giao hàng đầu của siêu cường số 1 thế giới lưu ý với Trung Quốc rằng “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như thể đó là đế chế hàng hải của họ”, và ông cảnh báo là “Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác châu Á của mình trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ đối với các tài nguyên biển”.

Hai nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Việt Nam và Lê Hồng Hiệp ở Singagore bình luận với VOA rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà trong đó Biển Đông là một phần quan trọng, có thể xem như một “chiến trường”.

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về luật biển, nói rằng khác với những năm trước, khi những phát ngôn của Mỹ làm cho các nước ASEAN cảm thấy chưa đủ mạnh và Mỹ “không mặn mà”, nay ngoại trưởng Mỹ đưa ra thông điệp “mạnh mẽ” nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, đồng thời nhắm đến khích lệ các nước liên quan trong vùng “đứng lên bảo vệ lẽ phải”.

Ông Việt tiên liệu rằng tới đây, Mỹ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn ở Biển Đông nhưng không đến mức xung_đột quân sự, điều mà ông cho là cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh vì cả hai hiểu rằng “có thể dẫn đến Chiến_tranh Thế giới lần thứ 3”.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak đánh giá rằng tuyên bố của Bộ trưởng Pompeo là bước đi tiếp theo trong chiến lược của Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, qua đó xác lập hình ảnh Trung Quốc là nước hành động phi pháp trên Biển Đông, làm suy giảm vị thế cũng như ảnh hưởng của Bắc Kinh; trong khi đó, nâng cao vị thế của Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Xu thế đối đầu hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông sau tuyên bố 13/7 là điều “hoàn toàn có thể”, ông Hiệp nói. Ông cho rằng cả về phát ngôn và hành động trên thực địa của Mỹ trong thời gian tới sẽ “mạnh mẽ hơn, xác quyết hơn”.

Theo nhà nghiên cứu hiện làm việc ở Singapore, mặc dù tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ nhắm đến phục vụ lợi ích của chính cường quốc này, song nó cũng “tốt” cho lợi ích và mong muốn của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hiệp cho rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ không công khai ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo để tránh bị_cáo_buộc là “chọn phe”.

Thạc sĩ-luật sư Hoàng Việt đánh giá rằng tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ tạo ra lợi thế cho Việt Nam, nhưng liệu Hà Nội tận dụng được đến đâu phải chờ thời gian trả lời.

Tuyên bố 13/7 về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đánh dấu việc Washington rời khỏi chính sách trước đây là không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông.

Mỹ không đòi chủ quyền về vùng biển này và lâu nay thường kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế.

theo VOA

SHARE