Tìm hiểu thêm thủ tục ly dị

18

Như đã trình bày trước đây thủ tục ly dị là một tiến trình pháp lý phức tạp nhất là với những cặp vợ chồng kết hôn lâu năm rất khó xử công bằng về các vấn đề con cái, tài sản và chu cấp. Bài này tìm hiểu thêm về thủ tục” ly dị đơn giản” cùng một số thủ tục khác tại các tòa án ly dị tiểu bang.
Những cặp hôn phối không có con hoặc không có tài sản lớn và hội đủ một số điều kiện do tiểu bang quy định có thể xin ly dị theo một thủ tục giản dị có tên là “ly dị đơn giản” (“summary divorce”).

Khác biệt giữa thủ tục ly dị đơn giản và thủ tục ly dị truyền thống

Thủ tục “ly dị đơn giản” – theo như như tên gọi – là một phương pháp giải tán hôn nhân theo luật pháp rất giản dị và nhanh chóng. Thủ tục này so sánh với thủ tục ly dị truyền thống có những lợi điểm đặc biệt sau đây:

-Rất ít giấy tờ phải làm thí dụ như án lệnh của tòa án và các văn kiện dàn xếp.

-Ít phải hầu tòa, tại nhiều tiểu bang chỉ cần nộp tới tòa một số ít văn kiện gồm có đơn xin ly dị lập chung do cả hai vợ chồng cùng đồng lòng ký tên.

-Tốn ít thời giờ thương lượng lui tới giữa hai vợ chồng vì theo qui định của một số tiểu bang muốn theo thủ tục này thì phải hoàn toàn không có tranh chấp về mọi vấn đề liên hệ thí dụ như tài sản và chu cấp.

Điều kiện theo thủ tục ly dị đơn giản

Phần đông tiểu bang có sẵn mẫu xin ly dị theo thủ tục đơn giản cho những cặp vợ chổng hội đủ các điều kiện căn bản sau:

-Vợ chồng thành hôn với nhau không lâu, thông thường từ 5 năm trở lại.

-Vợ chồng không có con cái kể cả con ruột lẫn con thừa nhận.

-Vợ chồng không có bất động sản đáng kể, thí dụ như không sở hữu nhà hoặc mang nợ vay mua nhà.

-Trị giá tổng cộng tất cả “tài sản chung” – là tài sản tạo mãi được trong thời gian kết hôn – ít hơn mức luật định thông thường $45,000 không kể trị giá xe hơi hay xe gắn máy đang sử dụng.

-Trị giá tổng cộng tất cả “tài sản riêng” – là tài sản có trước khi kết hôn, quà tặng cá nhân hay gia tài thừa kế – ít hơn mức luật định cùng như tài sản chung kể trên.

-Cả hai vợ chồng cùng từ khước không đòi hỏi lẫn nhau tiền chu cấp.

Tại một số tiểu bang nhiều cặp vợ chồng tuy có con hay có sở hữu tài sản chung đáng kể – như bất động sản, trương mục ngân hàng, cổ phiếu,… – vẫn có thể xin ly dị theo thủ tục đơn giản nếu hồ sơ đơn xin ly dị chính thức có kèm theo chứng từ (written proof) xác nhận đã cùng nhau giải quyết xong các vấn đề chính yếu liên quan đến con cái, tài sản và chu cấp. Lấy thí dụ một cặp vợ chồng nộp đơn xin ly dị theo thủ tục đơn giản có kèm theo các văn kiện thỏa thuận về phân chia tài sản hợp lý, hứa hẹn không đòi hỏi chu cấp và đồng lòng chấp nhận số tiền cấp dưỡng con thơ. Cặp vợ chồng này phải nộp kèm theo đơn xin ly dị những văn bản ký kết nói trên.

Điều kiện trú quán khi nộp đơn ly dị

Mỗi tiểu bang đều có quy định riêng đòi hỏi “thời gian trú quán” (durational residency) thông thường từ sáu tháng tới một năm trước khi nộp đơn ly dị tại nơi đó. Vì thế những ai nộp đơn xin ly dị trước kết phải đính kèm bằng chứng cư trú đủ thời gian luật định tại địa phương. Riêng đặc biệt tại ba tiểu bang Alaska, South Dakota và Washington không có luật đòi hỏi điều kiện trú quán. Điều này có nghĩa là một kẻ vừa tới một trong ba tiểu bang đó thì có thể nộp đơn xin ly dị ngay tức khắc mà không cần phải chờ đợi thời gian cư ngụ như các tiểu bang khác ấn định.

Người nào nghi rằng vợ hay chồng mình sắp nộp đơn ly dị tại xứ khác thì nên khôn ngoan tranh tiên mà nộp đơn trước tại tiểu bang trú quán của mình. Thông thường rất hiếm vụ ly dị giải quyết hoàn tất chỉ trong một phiên tòa và nếu ngưòi hôn phối kia xin ly dị tại tiểu bang khác sẽ gây ra nhiều tốn kém di hành cho người này vì phải tới tiểu bang xét xử để hầu tòa nếu không muốn bị xử khiếm diện (default). Đồng thời mọi yêu cầu sửa đổi bản “án lệnh ly dị” (divorce decree) – kể cả thỏa thuận dàn xếp phân chia tài sản cũng như thỏa thuận về con cái và chu cấp – cũng phải nộp đơn ở tiểu bang nguyên thủy. Điều này khiến người ấy sẽ phải đi hầu tòa ngoài tiểu bang trong những năm tới, nhất là trường hợp có con với người hôn phối cũ.

Nếu người vợ hay chồng hội đủ điều kiện trú quán tại nơi nộp đơn thì vụ ly dị đó được kể hợp lệ cho dù người hôn phối kia ngụ ở bất cứ chỗ nào khác. Luật lệ mọi tiểu bang đều công nhận điều này. Trường hợp người nào nhận được đơn xin ly dị của vợ hay chồng tống đạt từ ngoại quốc – như từ Việt Nam chẳng hạn – thì nên tham khảo ngay với luật sư chuyên môn để xác định tòa án ngoại quốc hay tòa án tiểu bang mình cư ngụ nơi nào có thẩm quyền tài phán trên vụ ly dị ấy. Vấn đề này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt người hôn phối kia đã trú ngụ bao lâu tại xứ liên hệ nhất là có dính dáng đến con cái hay không.

Nói tóm lại mỗi tiểu bang đều có qui định riêng biệt về thời gian trú quán tại tiểu bang trước khi nộp đơn xin ly dị. Ngoài ra còn phải hội đủ điều kiện trú quán tại quận hạt. Lấy thí dụ tại California người vợ hoặc chồng muốn ly dị phải cư ngụ ở tiểu bang ít nhất sáu tháng; đồng thời người ấy cũng phải ngụ tại quận hạt ít nhất ba tháng trước ngày nộp đơn.

Nơi nộp đơn ly dị

Tòa án tiểu bang nơi cư ngụ bao giờ cũng có “thẩm quyền tài phán” (“jurisdiction”) – tức là thẩm quyền xử vụ ly dị – đó chính là chỗ nộp đơn xin ly dị. Tòa này thường là chi nhánh của tòa thượng thẩm tiểu bang (state “superior” or “circuit” court). Ở vài tiểu bang tòa án này có một đơn vị đặc biệt chuyên trách xử luật gia đình kể cả ly dị. Tại một số tiểu bang khác không có chi nhánh cho nên ly dị sẽ được xử do đơn vị “luật dân sự” (civil division) của tòa thượng thẩm. Ở các vùng đông dân cư tòa án quận hạt (county court) – kể như chi nhánh của tòa án tiểu bang – cũng có thể lập nhiều đơn vị nhỏ tại mỗi địa phương.

Lấy thí dụ ở California tòa thượng thẩm tiểu bang (the state Superiot Court) sẽ xử ly dị và tòa này có chi nhánh tại mỗi quận hạt thuộc tiểu bang. Luật lệ California qui định người xin ly dị phải trú ngụ ở California ít nhất sáu tháng và ngụ tại quận hạt nộp đơn ít nhất ba tháng. Do đó một cặp vợ chồng cư trú ở quận Orange County được một năm thì có thể nộp đơn xin ly dị ở Tòa Thượng Thẩm California tại Orange County. Vì lý do tòa này có nhiều chi nhánh do đó cần đến luật sư giúp xác định tòa án nào ở địa phương sẽ xử vụ án.

Hậu quả không đáp ứng trát tòa về vụ ly dị

Như đã đề cập về thủ tục ly dị kỳ trước, thông thường luật sư thay mặt thân chủ đệ nạp đơn xin ly dị tại tòa án địa phương. Đơn này thông báo cho tòa án biết ý muốn của đương đơn xin chấm dứt cuộc hôn nhân. Luật sư hoặc tòa án sau đó cho “tống đạt” (served) bản sao đơn xin ly dị cùng với “trát tòa” (summons) tới người hôn phối kia để khởi sự vụ kiện. Người được tống đạt – gọi là “bị cáo” (“respondent” or “defendant”) – có bổn phận phải trả lời trong vòng ba tuần lễ. Cũng nên nhấn mạnh về mặt pháp lý thì ly dị chính là một “vụ kiện” (a lawsuit) cho nên người bị cáo khi nhận trát tòa tống đạt có nghĩa là đang bị kiện. Một khi đơn xin ly dị hay đơn kiện được tống đạt đến bị cáo theo đúng nguyên tắc hợp lệ mà người bị cáo không chịu trả lời thì tòa án đặt giả sử bị cáo đồng ý với nội dung các mục nguyên đơn yêu cầu trong đơn kiện và xử khiếm diện. Như vậy vì không trả lời trát tòa, bị cáo sẽ mất hết quyền hạn tranh biện và vụ ly dị kết thúc với kết quả có lợi hoàn toàn cho nguyên đơn.

Kỳ tới chúng tôi trình bày vài biện pháp giải quyết ngoài tòa án có thể thay thế cho ly dị. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, Điện thoại: (714) 531-7080; website:lylylaw.com.

SHARE