3 câu hỏi thẻ xanh: Xin gia hạn, đi Việt Nam quá lâu, ly dị xin thẻ 10 năm

51

*Hỏi: Thẻ xanh của tôi hết hạn và tôi có tiền án. Tôi muối biết tôi có thể xin gia hạn thẻ xanh được không?
-Đáp: Bất cứ ai muốn xin lại thẻ xanh khác đều phải nộp một mẫu đơn gọi là mẫu I-90 cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Sở Di Trú có chính sách giải quyết đơn I-90 cho những đương đơn có tiền án khác với những đương đơn không có tiền án.

Sau khi mẫu đơn I-90 được nộp cho Sở Di Trú, Sở Di Trú sẽ lấy dấu tay của đương đơn và tiến hành thủ tục điều tra lý lịch. Nếu điều tra lý lịch tiết lộ rằng đương đơn có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc đương đơn có án liên quan đến an toàn công cộng thì người Sĩ Quan Sở Di Trú phải ngưng thủ tục giải quyết lập tức và chuyển hồ sơ sang cho U.S. Immigration Customs Enforcement (tức là bộ phận lo về trục xuất) để xét hồ sơ.

Những tội có liên quan đến sự an toàn công cộng là: Giết người, hãm hiếp, lạm dụng tình dục trẻ em, buôn lậu vũ khí hoặc thiết bị phá hoại, những tội có liên quan đến nguyên liệu gây nổ, những tội hành hung và bị án tù trên một năm, những tội có liên quan đến bắt cóc đòi tiền chuộc, khiêu dâm trẻ em, lao động cưỡng bách, hoặc việc buôn lậu người.

Nếu đương đơn có án nhưng không liên quan đến sự an toàn công cộng như vừa trình bày trên thì Sĩ Quan Sở Di Trú sẽ yêu cầu đương đơn trình giấy tờ về án do tòa cấp. Nếu đương đơn trình giấy tờ của tòa án thì đơn I-90 phải được chấp thuận. Nhưng sau khi chấp thuận, người Sĩ Quan đó sẽ chuyển hồ sơ sang cho bộ phận trục xuất để kiểm tra lại nếu đương đơn có phạm phải những tiền án mà có thể bị trục xuất hay không.

Khi có tiền án, nên liên lạc với một luật sư di trú thực thụ để tham khảo tiền án của mình có bị trục xuất hay không trước khi nộp đơn xin gia hạn thẻ xanh.

*Hỏi: Tôi có thẻ xanh 10 năm. Tôi đi Việt Nam nhiều lần và ở Việt Nam hơi lâu vì phải chăm sóc mẹ già đau yếu. Tôi muốn biết ở ngoài Hoa Kỳ bao nhiêu lâu thì không làm đơn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ được?

-Đáp: Đương đơn phải cư ngụ liên tục tại Hoa Kỳ 5 năm (3 năm nếu vợ hoặc chồng của đương đơn là công dân Hoa Kỳ). Cư ngụ liên tục có nghĩa là đương đơn phải nhận Hoa Kỳ là nơi định cư của họ.

Để rõ hơn, cư ngụ liên tục không có nghĩa bắt buộc luôn luôn phải có mặt tại Hoa Kỳ, đương đơn được quyền rời Hoa Kỳ thời gian ngắn hạn trong năm năm thường trú, nhưng khi rời Hoa Kỳ phải có ý định trở lại Hoa Kỳ.

Nếu đương đơn vắng mặt tại Hoa Kỳ liên tục từ 6 tháng cho đến 1 năm, thì sự vắng mặt đó sẽ cắt đứt sự cư ngụ liên tục tại Hoa Kỳ và đơn sẽ bị bác. Nhưng nếu đương đơn chứng minh rằng họ vẫn còn việc làm tại Hoa Kỳ, vẫn còn gia đình thân thuộc cư ngụ tại Hoa Kỳ, và trong thời gian vắng mặt Hoa Kỳ họ không làm việc ngoài Hoa Kỳ thì sự vắng mặt đó sẽ không bị cắt đứt quyền cư ngụ liên tục tại Hoa Kỳ.

Nếu vắng mặt tại Hoa Kỳ liên tục từ 1 năm trở đi sẽ bị phạt và phải bắt đầu thời gian cư ngụ tại Hoa Kỳ lại 4 năm 1 ngày, sau đó mới có thể được nộp đơn lại. Đơn nhập tịch có thể nộp trong vòng 90 ngày trước 5 năm hoặc 3 năm (nếu vợ hoặc chồng của đương đơn là công dân Hoa Kỳ như đã ghi ở trên). Trường hợp 3 năm, người nộp đơn phải chứng minh vẫn còn sống chung với người vợ hoặc chồng là công dân Hoa Kỳ.

Trường hợp nộp đơn sớm 90 ngày trước khi hội đủ 5 năm chỉ được áp dụng trong trường hợp cư trú liên tục tại Hoa Kỳ mà thôi. Đương đơn phải có mặt tại Hoa Kỳ ít nhất là phân nửa thời gian của 5 năm (3 năm nếu vợ/chồng của đương đơn là công dân Hoa Kỳ).

Nếu đương đơn nộp đơn dưới trường hợp 5 năm, thì đương đơn phải có mặt tại Hoa Kỳ 30 tháng tức là 2 năm rưỡi. Nếu đương đơn nộp đơn dưới trường hợp 3 năm, thì đương đơn phải có mặt tại Hoa Kỳ 18 tháng tức là 1 năm rưỡi.

*Hỏi: Tôi được chồng bảo lãnh và có thẻ xanh 2 năm. Hôn nhân của chúng tôi không được hạnh phúc và chồng tôi đòi ly dị. Nếu chúng tôi ly dị, tôi có được xin thẻ xanh 10 năm không?

-Đáp: “Người thừa hưởng” không thể nào làm đơn I-751 chung với “người bảo lãnh” nếu hôn nhân đã bị hủy bỏ, “người bảo lãnh” đã qua đời, hoặc “người bảo lãnh” không chịu hợp tác (tức là không chịu ký chung đơn I-751 hoặc không chịu đi phỏng vấn chung với “người thừa hưởng”).

Trong trường hợp “người thừa hưởng” không thể nào làm đơn I-751 chung với “người bảo lãnh” vì hai người đã ly dị thì “người thừa hưởng” có thể tự mình làm đơn I-751 và xin miễn sự đòi hỏi phải làm chung với “người bảo lãnh.”

“Người thừa hưởng” phải chứng minh họ đi vào cuộc hôn nhân với ý định chân thành. Sở Di Trú sẽ nhìn vào sự cam kết của hai người bằng cách xem xét các tài liệu, xem xét những bằng chứng về tài chánh khi hai người còn sống chung với nhau, thời gian hai người chung sống sau khi lập hôn thú và thời gian sau khi hồ sơ thẻ xanh 2 năm được chấp thuận, và bao lâu sau họ mới ly dị hoặc ly thân; hoặc với bất cứ bằng chứng nào khác.

“Người thừa hưởng” phải chứng minh họ đã ly dị hoặc hôn thú đã bị tòa hủy bỏ. [qd]

Bản tin chiếu khán

Theo yêu cầu của quý bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Bảy, 2020.

Ưu tiên 1 – priority date là ngày 8 Tháng Bảy, 2014, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A – priority date là hiện hành, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B – priority date là ngày 1 Tháng Năm, 2015, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 – priority date là ngày 8 Tháng Năm, 2008, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 – priority date là ngày 22 Tháng Tám, 2006, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

Quý vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hằng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2020-07%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html

Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương hoặc Luật Sư Lưu Trọng Cẩm Thương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.nguyenluu.com/vietnamese.html. Điện thoại (949) 878-9888.

SHARE