Trung Quốc hôm nay tiếp tục nâng cảnh báo lũ trong bối cảnh nước trên hơn 200 con sông ở nước này đã dâng vượt ngưỡng báo động.
Reuters đưa tin, ngày 12/7, Trung Quốc nâng cảnh báo lũ lên mức cao thứ 2 khi mưa lớn tiếp tục khiến các khu vực dọc sông Dương Tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các tỉnh phía đông Giang Tô và Giang Tây là 2 trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Người dân sử dụng thuyền để di chuyển trong một khu vực bị ngập lụt của thành phố Liễu Châu, Giang Tây, Trung Quốc hôm 11/7 (Ảnh: EPE-EPA)
Nước lũ ở huyện Bà Dương, Giang Tây đã khiến mực nước ở hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc – Bà Dương – tăng lên 22,52 mét, mức cao kỷ lục trong lịch sử hồ, và vượt xa so với mức báo động, 19,5 mét.
Tối 11/7, cơ quan quân sự tỉnh đã triển khai hàng nghìn quân nhân tới gia cố gần 9km bờ của hồ Bà Dương để ngăn hồ bị vỡ. Hồ Bà Dương là một lưu vực của Sông Dương Tử.
Trung Quốc có hệ thống kiểm soát phản ứng khẩn cấp với lũ lụt, trong đó cấp 1 là cao nhất. Theo dữ liệu từ Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, từ đầu tháng 7, có 212 con sông mực nước đã vượt qua ngưỡng báo động, với 19 trong số đó đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Trung Quốc cho rằng điều kiện thời tiết cực đoan như vậy là kết quả của biến đổi khí hậu. Mưa lớn dai dẳng ở Trung Quốc từ tháng 6 đã gây ra thiệt hại hơn 8 tỷ USD cho kinh tế nước này.
Những đêm không ngủ của người trông đê
Tỉnh Giang Tây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt (Ảnh: SCMP)
Đêm 11/7 tiếp tục là một đêm không ngủ với Wu Shengsong. Đây là ngày thứ 5 Wu nhận nhiệm vụ tuần tra bờ sông Xi ở Bà Dương, Thượng Nhiêu, Giang Tây.
Ca trực của Wu diễn ra khi sấm sét đầy trời và anh chìm ngập trong tâm trạng bất an. “Tôi khá quan ngại. Dự báo thời tiết nói là mưa sẽ xuất hiện trong bài ngày”.
Wu là một quan chức tại làng Wanli gần hồ Bà Dương. Mực nước kỷ lục tại hồ ghi nhận trong sáng nay đã đẩy nhiều ngôi làng nằm dưới con đê xung quanh vào mối đe dọa.
Wanli là một trong nhiều ngôi làng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Trung Quốc. Theo cập nhật gần nhất, tính đến ngày 11/7, khoảng 34 triệu người đã bị tác động bởi lũ và ít nhất 140 người ςɧết hoặc mất tích. Tình hình được mô tả là nghiêm trọng dọc sông Dương Tử khi hơn 2.000 km đê ở Giang Tây đang đối mặt với tình thế ngặt nghèo.
Công việc của Wu chính là cầm đèn pin đi dọc vài trăm mét con đê và xem xét xem liệu có dấu hiệu vỡ đê ở đâu hay không để tiến hành gia cố. Sau đó, anh sẽ tiếp tục kiểm tra thường xuyên các điểm này để đảm bảo an toàn cho người dân.
Những người như Wu hầu hết đi tuần tra ban đêm và chỉ nghỉ ngơi trong thời gian ngắn. Nếu có chỉ một sai sót xảy ra, Wu nói tình hình sẽ cực kỳ nguy hiểm. “Khi nước dâng lên, thời gian chỉ còn tính bằng phút”, Wu nói.
Huang Diqun, một người trông đê khác, nhớ lại cảnh vỡ đê hồi giữa tuần. Huang nói anh đang đứng trên cầu quan sát thì thấy bờ sông bị nứt rồi sụp đổ. Nhà cửa nhanh chóng ngập trong nước, trong khi những người dân sợ hãi chạy dọc cây cầu hoặc bám víu vào mái nhà để đảm bảo an toàn.
Toàn bộ ruộng đồng của Wu ngập trong nước. Anh nói nếu nước rút nhanh, anh có thể cứu được mùa vụ, nhưng anh cho rằng lũ sẽ tiếp tục kéo dài thêm 2-3 tháng nữa.
Dọc sông Dương Tử, mực nước ở nhiều hồ và nhánh sông vẫn đang dâng cao và nước chưa có dấu hiệu sẽ rút nhanh chóng.
Theo Reuters, SCMP