“Tha thứ” được mô tả là hình thức tối thượng của tình yêu, bởi nó kiểm tra độ sâu sắc, sức mạnh tình cảm của một cặp đôi.
Sự tha thứ được ví như một nghệ thuật có thể khiến ai đó phải mất cả đời để có thể thành thạo, một điều mà con người không ngừng học hỏi trong cả cuộc đời mình.
Tha thứ không có nghĩa là yếu đuối, nhượng bộ. Trái lại, nó cho thấy sức mạnh của chính mỗi người, khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Ảnh: Shutterstock.
Tha thứ là biểu hiện của một tình yêu vô điều kiện, nếu không có điều đó, sẽ rất khó để các cặp đôi có thể vượt qua những cơn bão, hay những trở ngại trong mối quan hệ. Tha thứ không có nghĩa là yếu đuối, nhượng bộ. Trái lại, nó cho thấy sức mạnh của chính mỗi người, khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn.
Việc học cách tha thứ một cách thực sự ngăn mỗi người cảm thấy ngột ngạt hay bế tắc, khi vấn đề về mối quan hệ xảy đến. Tha thứ giúp mỗi người hàn gắn, phát triển, biến đổi bản thân trong một mối quan hệ. Đó cũng là cách để hai bên chữa lành và hòa giải, nếu có thể, và sau đó một lần nữa thiết lập lại mối quan hệ.
Nathalie Sommer, chuyên gia về quan hệ hôn nhân của Đại học Yale, Mỹ, nhận định rằng tha thứ là một trong những khía cạnh quan trọng và khó khăn nhất của một mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn có một mối quan hệ thực sự sâu sắc, mỗi người buộc phải học cách tha thứ.
“Cảm xúc dằn vặt, khổ đau là điều không thể tránh khỏi, khi bạn yêu một người và bị đối xử không tốt. Cho dù đó chỉ là một lời nói không tử tế, một hành động nhỏ thể hiện sự thiếu chân thành, hay một hành động lớn tạo ra sự tổn thương sâu sắc (ngoại tình, dối trá), theo thời gian, chúng chồng chất, gây ra gánh nặng to lớn cho chúng ta. Tuy nhiên, nếu không có sự tha thứ, thật khó để duy trì kết nối và trải nghiệm mối quan hệ gắn kết sâu sắc mà mỗi người chúng ta tìm kiếm”, Nathalie Sommer nói.
Cô cũng nhận định, việc tha thứ tạo ra một không gian an toàn để khám phá giữa các cá nhân ở mức độ sâu sắc, cho phép mỗi đối tác bày tỏ sự tổn thương của họ. Và nhờ thế, nó củng cố mối quan hệ.
Theo giải thích của Nathalie Sommer, khi một người bị tổn thương bởi nửa kia, phản ứng tự nhiên của chúng ta là bảo vệ chính mình, sau đó chúng ta chuyển sang trạng thái “xù lên” để chiến đấu, hoặc trở nên đóng băng cảm xúc. Điều này đồng nghĩa với việc rút lại mọi tình cảm, ngừng mọi biểu hiện tình yêu, bởi chúng ta cố gắng làm giảm sự tổn thương của chính mình trong tương lai. Một số người thậm chí chuyển sang chế độ phòng thủ, hoặc bị kích động đến mức chuẩn bị cho mình “một kho vũ khí những lời chỉ trích”, nhằm mục đích trả đũa trong trường hợp những nỗi đau bị kích hoạt trong tương lai.
Ảnh: Shutterstock.
Đi ngược với cảm xúc tự nhiên này, Nathalie Sommer cho rằng việc tha thứ, buông bỏ có thể giúp tạo ra những đột phá: “Thử nghĩ xem, chẳng ai chiến thắng sau cùng, nếu nỗi đau không được giải quyết. Tha thứ giúp ta vượt qua nỗi đau của chính mình, giúp ta chữa lành và phát triển. Nó cũng là món quà dành cho đối tác, sau sai lầm. Sự tha thứ ảnh hưởng đến cả người cho đi, và người nhận lại, đồng thời khuyến khích họ duy trì kết nối, thay vì giữ sự oán hận, mặc cảm… “.
Tuy nhiên, theo vị tiến sĩ, tha thứ là một quá trình chứ không thể nào là một quyết định tức thời: “Nếu muốn thực hành tha thứ, việc đầu tiên là học cách đưa ra các quyết định có ý thức, để tha thứ cho đối tác của bạn”. Cô cũng nói rằng đó là lựa chọn của chính bản, nhằm rũ bỏ những nỗi đau, sự tổn thương, chứ không phải là trông đợi sự nhận thức của đối phương về điều đó.
“Giao tiếp rất quan trọng trong quá trình tha thứ. Với người mắc sai lầm, giao tiếp là cách tốt nhất để có được sự tha thứ, từ người mà bạn làm tổn thương. Hãy suy nghĩ về cách mà bạn đã làm tổn thương một nửa, giải thích, xin lỗi và cho biết bạn đã thấu hiểu nỗi đau của họ. Bạn cần nhận trách nhiệm xem mình sai ở đâu, đừng bào chữa hay đổ lỗi cho người khác. Bạn cũng cần phải cho đối phương biết dự định sẽ làm gì, để đưa mọi thứ trở lại đúng đắn trong tương lai”, Nathalie Sommer nói.
Thêm vào đó, việc tha thứ cho bản thân cũng rất quan trọng, bởi mặc cảm xấu hổ, tội lỗi cũng đè nặng lên cảm xúc, khiến chúng ta trở nên hèn nhát, không dám thú nhận sai lầm.
Vậy làm thế nào để tha thứ cho đối tác của mình?
Theo Nathalie Sommer, có 4 bước quan trọng của quá trình này, đó là:
Dành thời gian xử lý cảm xúc của chính mình, quanh nỗi đau, sự tổn thương mà đối tác gây ra.
Hãy xem sự tổn thương ấy tác động thế nào đến bạn, và bạn phải làm gì để có thể buông bỏ được nỗi đau đó
Một khi đã quyết định tha thứ, hãy quên đi, đừng lôi nó ra nói đi nói lại trong các cuộc cãi vã
Sự chấp nhận là quan trọng, và đó là giai đoạn cuối cùng của sự buông tay.
Làm thế nào để có được sự tha thứ từ đối tác, sau những sai lầm của chính mình?
Đừng xấu hổ hay giấu giếm, hãy thành thật
Giải thích cảm xúc của bạn, đưa ra lời xin lỗi chân thành
Chấp nhận các phản ứng và cảm xúc của đối tác, đừng chỉ trích, đừng trốn chạy
Chịu trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện các cam kết
Kiên nhẫn với đối tác, bởi hành trình hồi phục phụ thuộc rất lớn vào các mức độ tổn thương mà đối phương phải chịu đựng.
Thùy Linh (Theo SCMP)