Cả trăm người đã làm giá thành công theo cách của anh Nguyễn Văn Huynh, ở quận 12, TP HCM. Giá lên mập, đều, trắng muốt, đặc biệt không có rễ, không dính vỏ.
Sinh trưởng ở một làng quê Bắc Bộ, có người mẹ ủ giá đỗ ăn, anh Nguyễn Văn Huynh, 48 tuổi, đã mang công thức của mẹ vào bữa ăn hàng ngày, dù là bôn ba Đông Âu lập nghiệp hay gần đây về TP HCM ổn định cuộc sống.
Chuẩn bị:
0,5 kg đỗ xanh, một thùng xốp kích thước 0,5 m x 0,6 cm, cát sạch, một chậu, 2 tấm vải trắng loại 1 x 1,6 m (không dùng vải màu), 2 khăn xô tắm bé sơ sinh (các dụng cụ này sau khi sử dụng có thể vệ sinh để tái sử dụng nhiều lần).
Cách làm:
– Bước 1: Ngâm đỗ xanh với nước ấm (tỷ lệ 8 lạnh 2 nóng) từ 4 đến 5 tiếng. Chỉ cần mua đỗ xanh thông thường, giá khoảng 40 nghìn/kg.
– Bước 2: Đục 4-8 lỗ ở đáy thùng xốp và 4-8 lỗ xung quanh các cạnh thùng sao cho cách đáy thùng khoảng 5 cm (các lỗ này có tác dụng thoát nước thừa).
– Bước 3: Trải một tấm vải trắng xuống đáy thùng xốp cho cân đối, rồi đổ 3 đến 5 cm cát lên, cán phẳng. Gấp phần vải thừa lại, sao cho phẳng nhất có thể. Mục đích cho cát là để giữ ẩm ổn định và kích thích cây giá đỗ phát triển từ từ để tích tụ dưỡng chất tối đa. Còn việc gấp vải phẳng để ngăn không cho cát lên trên và tạo mặt phẳng để hạt đỗ xanh được dàn đều.
– Bước 4: Trải một tấm khăn xô lên trên lớp cát đã được phủ vải trắng. Sau đó trải đỗ xanh đã ngâm nước ấm cho thật đồng đều. Mục đích trải khăn vải màn là để cây giá đỗ bám vào, tránh cắm xuống cát.
– Bước 5: Tiếp tục trải khăn vải xô còn lại lên trên lớp đỗ xanh. Mục đích khăn này cũng tương tự khăn trên.
Bước 6: Trải tiếp tấm vải trắng còn lại và cho tiếp lớp cát dày từ 3 đến 5 cm, cán phẳng, gấp gọn lại như lần đầu.
Bước 7: Tưới nước vừa đủ lên trên bề mặt. Việc này duy trì một đến 2 lần/ngày cho đến khi thu hoạch giá đỗ.
Bước 8: Đậy nắp thùng, đục một lỗ nhỏ trên mặt nắp để bảo đảm giá đỗ không bị thiếu oxy khi phát triển. Để thùng nơi thoáng mát.
Giá đỗ có thể thu hoạch sau 3 đến 4 ngày tùy theo nhu cầu sử dụng. Làm theo cách này giá đỗ rất mập, gần như không có rễ và tỷ lệ mọc mầm gần như 100%. Do giá mập cho nên vỏ đỗ không thể bám mà tự bung ra.
Theo anh Huynh, có nhiều phương pháp trồng giá đỗ. Song trồng đúng kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh, năng suất, chuẩn giá đỗ ngon thì không phải ai cũng biết. Chỉ cần mọc thêm một chút lá, rễ, hoặc bị ngậm thừa/thiếu nước đều kém chất lượng và ăn sẽ tanh, cứng. Nhiều năm nay anh Huynh chỉ làm giá dựa trên những nguyên tắc của người làng xưa, dù dụng cụ có thay đổi.
Khi anh Huynh chia sẻ công thức lên Facebook cá nhân, đã có cả nghìn lượt thích. “Cả trăm người nhắn tin cảm ơn tôi vì chỉ cho họ cách ủ giá thành công ngoài mong đợi”, anh Huynh chia sẻ.
Tuần nào gia đình anh Huynh cũng làm một lần cỡ 3 lạng đỗ, cho thu hoạch khoảng 4 kg giá. Ngoài xào nấu, anh còn muối dưa giá – món được gia đình anh hay gọi là “món ăn cung đình nơi dân dã”.
Bảo Nhiên