5 sai lầm khi rửa bát

33

Có những cách làm trở thành thói quen, dù chúng không khoa học. Theo các chuyên gia, có 5 thói quen rửa bát khiến cho vi khuẩn tích tụ và sinh sôi.


Sắp xếp bát đĩa vào bồn rửa theo trật tự và có phân loại rõ ràng giúp quá trình rửa thuận tiện và vệ sinh hơn. Ảnh: Aboluowang.

Ngâm rất lâu trước khi rửa

Ăn xong thường là mệt và buồn ngủ, thế nên nhiều người quyết định ngâm bát trong bồn rửa một lúc rồi mới đi dọn dẹp. Thậm chí có người còn để qua đêm, sáng hôm sau mới dậy xử lý. Điều này là một sai lầm, bởi dư lượng thức ăn còn lại trong chén đĩa, nồi niêu sẽ hỏng, lên men trên bề mặt. Vi khuẩn lập tức sinh sôi, và chỉ cần bạn rửa không sạch một chút, chúng sẽ đi ngược trở lại vào cơ thể bạn, khi bạn sử dụng chén bát lần sau. Chưa kể việc bạn ngâm những loại đũa, thìa gỗ, tre… trong nước lâu khiến chúng ngấm nước và hỏng.

Tốt nhất là bạn nên rửa sạch bát đũa ngay sau khi ăn xong, để tránh các loại vi khuẩn, nấm mốc có điều kiện sinh sôi nảy nở.

Đổ trực tiếp nước rửa lên chén bát

Chất tẩy rửa có chức năng khử trùng mạnh, hẳn nhiên là cánh tay đắc lực trong việc giúp bạn đẩy lùi vi khuẩn, làm sạch bát đũa. Tuy nhiên, chúng cũng là thành phần gây hại cho cơ thể bạn. Vì thế, việc bạn đổ trực tiếp nước rửa chén lên chén bát có thể tạo ra một dư lượng lớn nước rửa tồn tại trên bề mặt chén bát mà bạn khó mà làm sạch được 100%.

Những chất này khi đi ngược vào cơ thể bạn sẽ làm hỏng niêm mạc dạ dày, cản trở quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể, thậm chí gây bệnh tiêu chảy.

Cách làm khoa học chính là cho nước rửa vào một chiếc chén, bát và hòa với nước, sau đó dùng nước đó để rửa bát. Ngoài ra, sau khi sử dụng chất tẩy rửa, bạn nên tráng lại bát đũa thật nhiều lần với nước sạch. Dân gian thường dùng nước nóng thay cho chất tẩy rửa, đây cũng là một cách tốt, đạt hiệu quả trong việc khử khuẩn, đồng thời không gây hại cho cơ thể con người.

Cho chén bát bẩn vào bồn không theo trật tự

Sau khi ăn xong, bạn thường có thói quen trút tất cả bát đũa bẩn vào bồn mà không sắp theo trật tự. Việc này khiến bạn vừa mất công sức hơn, mà còn gây ra sự nhiễm khuẩn chéo, tức là những thứ nhiều dầu mỡ lây sang những thứ ít dầu mỡ hơn.

Cách làm khoa học nhất là ngay từ khi dọn bàn ăn, bạn phân loại những thứ ít bám dầu mỡ một bên, còn những thứ bám nhiều dầu mỡ nên được xử lý riêng bằng giấy lau hay tráng qua bằng nước nóng… trước khi cho vào bồn rửa. Trong bồn rửa, bạn nên sắp đĩa, bát to trước, sau đó mới cho bát nhỏ vào sau, trật tự này giúp việc rửa nhanh chóng, gọn gàng hơn.

Ảnh minh họa: Aboluowang.

Biến giẻ rửa bát thành “giẻ đa năng”

Sẵn tiện chiếc giẻ rửa bát, nhiều người chùi luôn cả bếp, lau luôn cả tường bếp bị thức ăn bắn lên… Việc này là một sai lầm lớn, có thể khiến bạn rước bệnh vào người mà không biết. Nên phân loại rõ giẻ rửa bát và các loại giẻ lau bếp riêng khi sử dụng.

Các loại khăn, giẻ trong bếp cũng cần phải được giữ sạch, khô sau khi sử dụng. Với giẻ rửa bát, sau khi dùng, bạn dùng nước rửa chén làm sạch và để khô. Đừng rửa xong rồi tiện tay để cả nùi còn nguyên xà phòng vào giá đựng.

Khăn lau bát, khăn lau bếp đều cần được phơi ra nơi thoáng, khô ráo để nhanh khô, sạch cho lần sử dụng sau.

Không làm khô bát đũa trước khi cất

Nhiều người khi rửa xong liền cất bát đĩa vào tủ để tránh bụi, nhưng môi trường kín và ẩm có thể khiến vi khuẩn sinh sôi. Bát đũa chất chồng lên nhau khi chưa khô cũng có thể gây mùi hôi, kém sạch sẽ. Nếu bạn không có tủ sấy bát đũa, khi rửa xong, hãy lau thật khô bằng khăn thấm nước, rồi hãy cất đi. Bạn cũng nên đặt bát đũa đã rửa vào nơi thoáng khí, khô ráo để đảm bảo bát sạch, khô cho lần sử dụng sau.

Thùy Linh (Theo Aboluowang)

SHARE