Tâm thư về nội quy sử dụng điện thoại của một bà mẹ dành cho cậu con trai 13 tuổi: Các bậc phụ huynh nên tham khảo, học hỏi

33

Điện thoại không phải là vật sống, cũng không phải là thứ mọc ra từ trên người con, phải học cách sống mà không có điện thoại. Đừng lúc nào cũng sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ thứ gì đó, con phải khiến mình mạnh mẽ hơn ngay từ trong những suy nghĩ nội tâm.

Con trai yêu quý!

Giờ đây con hoàn toàn có thể tự hào vì con đã trở thành người sở hữu một chiếc điện thoại thông minh.

Con là một cậu bé 13 tuổi giỏi giang và có trách nhiệm, con xứng đáng có được món quà đó. Nhưng cùng với lúc con tiếp nhận món quà này, con cũng cần phải tuân thủ một số quy định và nguyên tắc dưới đây.

Mẹ hy vọng, con có thể hiểu được rằng, chức trách của mẹ là nuôi dưỡng con trở thành một người trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, một người có ích cho xã hội, có thể thích ứng với công nghệ kỹ thuật mới, đồng thời không bị chúng lung lay, cám dỗ.

Nếu như con không thể tuân theo những quy định dưới đây, mẹ sẽ chấm dứt quyền sở hữu của con đối với điện thoại.

Quy định 1:

Đây là điện thoại của mẹ, mẹ bỏ tiền ra mua, nay mẹ cho con mượn để sử dụng, mẹ rất vĩ đại đúng không? Bởi mẹ muốn con hiểu rằng: Không ai tốt với con một cách vô cớ cả, con phải học cách biết ơn.

Quy định 2:

Con nhất định phải cho mẹ biết mật khẩu điện thoại. Con chưa đến tuổi trưởng thành, nên mẹ có quyền giám hộ hợp pháp đối với con. Con hãy tin rằng, tình thân chỉ sẽ bảo vệ “quyền riêng tư” của con mà thôi.

Quy định 3:

Nếu như có cuộc gọi đến, khi nhấc điện thoại lên, con phải nói “xin chào”, phải lịch sự, lễ phép. Đừng bao giờ cố tình không nghe điện thoại khi người gọi đến hiển thị là “bố” hoặc “mẹ”. Tuyệt đối không được làm như vậy.

Quy định 4:

Sau 7:30 tối từ thứ 2 đến thứ 6 và sau 9 giờ tối thứ 7, chủ nhật con phải giao lại điện thoại cho bố hoặc mẹ. Bố mẹ sẽ tắt máy và mở lại vào 7:30 sáng ngày hôm sau.

Nếu con không muốn gọi vào máy bàn của nhà bạn vì sợ người nhấc máy là bố hoặc mẹ của bạn ấy, vậy tốt nhất con đừng gọi, cũng đừng nhắn tin điện thoại. Phải nghe theo trực giác của mình, hãy tôn trọng người nhà của người khác, giống như bố mẹ cũng hy vọng được người khác tôn trọng.

Quy định 5:

Con không được mang điện thoại đến trường, hãy học cách nói chuyện trực tiếp với những người nói chuyện với con bằng tin nhắn, bởi đó là một kỹ năng sống.

Quy định 6:

Nếu điện thoại bị dính nước, bị rơi vỡ hoặc không cánh mà bay, con cần phải chịu phí thay linh kiện hoặc chịu trách nhiệm sửa điện thoại. Con có thể tích cóp tiền bằng cách làm việc nhà, trông trẻ cho hàng xóm hoặc cất tiền mừng tuổi.

Đây là những điều khó lòng tránh khỏi, con nên có sự chuẩn bị tâm lý trước.

Quy định 7:

Không được lợi dụng điện thoại thông minh để nói dối, bịp bợm hoặc lừa gạt người khác. Không được nói những lời gây tổn thương đến người khác thông qua điện thoại, phải làm một người bạn tốt, hoặc dứt khoát tránh xa mọi tranh chấp. Con phải nhớ lương thiện và thành tín là chuẩn mực cơ bản trong làm người.

Quy định 8:

Tránh xa những nội dung không lành mạnh. Khi sử dụng điện thoại lên mạng, chỉ được tìm hoặc xem những thông tin có thể thẳng thắn trao đổi với mẹ. Nếu như có vấn đề gì, con có thể hỏi người khác, tốt nhất con nên hỏi bố hoặc mẹ.

Quy định 9:

Ở nơi công cộng như nhà ăn, rạp chiếu phim hoặc khi đang nói chuyện với người khác, con nên để điện thoại ở chế độ rung hoặc im lặng, đồng thời phải tự bảo quản tốt tài sản riêng của mình.

Con không phải là một đứa trẻ vô lễ, con đừng để điện thoại thay đổi mình.

Quy định 10:

Không nên gửi hoặc nhận ảnh riêng tư của con hoặc bất cứ người nào khác. Con đừng tự cho mình thông minh, bởi có ngày con sẽ bị dụ dỗ làm việc xấu.

Đây là việc có nguy cơ rủi do lớn. Nó có thể sẽ hủy hoại cuộc sống hiện tại hay thậm chí là cuộc sống sau này của con, tuyệt đối đừng bao giờ có suy nghĩ xấu này.

Internet là thế giới vô cùng rộng lớn và không có giới hạn, sức mạnh của nó mạnh hơn gấp nhiều lần so với sức tưởng tượng của con. Bất cứ việc xấu gì cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến danh dự và nhân phẩm của con sau này.

Quy định 11:

Đừng chụp ảnh hoặc quay video một cách vô tội vạ, không nhất thiết phải ghi lại tất cả mọi thứ. Phải trải nghiệm cuộc sống bằng những cảm nhận thực tế nhất thì những trải nghiệm đó mới có thể sống mãi trong ký ức của con.

Quy định 12:

Có những lúc, không nhất thiết phải mang điện thoại ra ngoài. Khi quyết định điều này, con không nên vướng bận hay lo lắng bất cứ điều gì, cũng không cần phải cảm thấy bất an.

Điện thoại không phải là vật sống, cũng không phải là thứ mọc ra từ trên người con, phải học cách sống mà không có điện thoại. Đừng lúc nào cũng sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ thứ gì đó, con phải khiến mình mạnh mẽ hơn ngay từ trong những suy nghĩ nội tâm.

Quy định 13:

Hãy tải những bài hát mới, những bài hát cổ điển hoặc những thể loại âm nhạc khác nhau, đừng giống như những người bạn đồng trang lứa với con, suốt ngày chỉ nghe đi nghe lại một bài hát giống nhau.

Thế hệ của các con là thế hệ sống trong những điều kiện thuận tiện mà không phải ai cũng có được, các con được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Hãy tận dụng tốt ưu thế này để mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết của bản thân.

Quy định 14:

Đừng lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại. Hãy ngẩng đầu lên, để ý mọi thứ đang diễn ra xung quanh, nhìn ra ngoài cửa sổ, nghe tiếng chim hót, đi dạo bộ và trò chuyện với mọi người xung quanh. Hãy giữ cho mình một con tim hiếu kỳ, đừng lúc nào cũng chỉ tìm câu trả lời bằng cách search google.

Quy định 15:

Nếu một ngày nào đó, cuộc sống của con bị xáo trộn, loạn nhịp, mẹ sẽ thu lại điện thoại của con. Chúng ta sẽ ngồi lại để nói chuyện với nhau, rồi bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Mẹ và con đều phải không ngừng học hỏi. Mẹ là người bạn luôn đứng về phía con, hãy để chúng ta cùng đối mặt với mọi thứ.

Mẹ hy vọng con sẽ đồng ý và thực hiện tốt tất cả những điều khoản trên. Đây không chỉ là những quy định áp dụng riêng với việc sử dụng điện thoại mà cũng có thể áp dụng với nhiều phương diện khác trong cuộc sống. Hy vọng nó sẽ hữu ích cho cả mẹ và con.

Mẹ hy vọng con sẽ là người sở hữu thông minh. Sống tốt hơn, học tập tốt hơn nhờ điện thoại, chứ không phải bị khống chế, điều khiển hay thậm chí là đánh mất lý trí với những thứ công nghệ cám dỗ này.

Theo Ngọc Thủy

Trí thức trẻ

SHARE