CẦN THƠ-Ông Vui nói với người phụ nữ hơn mình 17 tuổi: “Tui thương bà, bà có chịu không? Bà Hườn đáp lại: “Tui đẻ ông ra còn được chứ thương yêu gì?
Hết ca trực, ông bảo vệ bệnh viện Ngô Văn Vui, 60 tuổi, đạp xe về nhà trên đường Nguyền Truyền Thanh, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Vừa tới cổng, thấy vợ, bà Phan Thị Hườn, 77 tuổi, đang lom khom bưng mâm cơm từ bếp đi ra, ông cởi chiếc nón đặt trên bàn, đi như chạy tiến lại phía vợ bảo: “Để tôi phụ bà”.
Khung cảnh hạnh phúc ấy đã hiện diện ở ngôi nhà của cặp vợ chồng này 32 năm qua, điều mà trước đây gần như không một ai dám tin bởi sự chênh lệch tuổi tác và đặc biệt là khuôn mặt bị biến dạng vì bom napalm của bà Hườn.
Vợ chồng ông Vui, bà Hườn. Ảnh: Diệp Phan.
Bà Hườn sinh ra ở xã Trí Phải, huyện Bình Thới, Cà Mau – mảnh đất có truyền thống cách mạng. Năm 16 tuổi, bà đã trở thành nữ giao liên ở đơn vị quân y V24. Năm 1963, trong một lần đi chợ mua lương thực cho bộ đội đúng hôm 23 tháng Chạp, bà bị trúng_bom nalpam_Mỹ. Trận b.o.m không cướp_mạng sống của bà nhưng vĩnh viễn lấy đi nhan sắc của cô gái trẻ. Bà bị_bỏng hết khuôn mặt xuống hai tay và phải điều trị suốt một năm.
“Tròn một năm sau, tôi từ đơn vị trở về thăm nhà, đứa cháu nhỏ không nhận ra dì sợ hãi chạy trốn, còn cha mẹ thì khóc nhiều lắm”, bà Hườn nhớ lại.
Đau_khổ, bà từng nghĩ đến cái ch.ế.t, nhưng được đồng đội trong đơn vị động viên, an ủi. Thêm vào đó, hàng ngày tiếp xúc với những đồng đội bị thương, bà Hườn nghĩ: “Đã được sống là một điều may mắn. Tôi vẫn còn sức lao động, phải sống để phục vụ đất nước”.
Sau năm 1975, bà được đơn vị cử đi học và trở thành một dược sĩ. Năm 42 tuổi, bà về hưu sớm với quân hàm thượng úy. Cũng năm đó, bà được đơn vị mai mối, làm đám cưới với một anh bộ đội về hưu. “Việc kết hôn là điều tôi không bao giờ dám nghĩ tới, hôm đó tôi đã rất hạnh phúc, đám cưới rất to”, bà Hườn hồi tưởng.
Nhưng chưa tròn một năm, khi chỉ còn đúng 10 ngày nữa bà hạ sinh đứa con đầu lòng, người chồng bỏ đi không lời từ biệt. Trong căn nhà tình nghĩa ở nơi đất khách quê người, bà một mình sinh con, nuôi con nhờ sự cưu mang của những người đồng đội cũ, sống bằng khoản lương hưu và trồng trọt trên mảnh đất được cấp.
Cũng năm đó, bà Hườn gặp ông Vui, người đàn ông vừa bị vợ bỏ, một mình ôm đứa con nhỏ về quận Bình Thủy làm thuê. Thấy miếng đất rộng của bà Hườn đang bỏ hoang, ông Vui hỏi thăm rồi tìm đến gặp bà thuê để trồng lúa. Lần đầu tiên gặp mặt, ông Vui hơi bất ngờ khi thấy khuôn mặt biến dạng của bà. “Mặt bà ấy được bao bởi một lớp sẹo dày, chính vì thế mà tui không đoán được bà ấy bao nhiêu tuổi nhưng cũng xưng chị – em”, ông Vui nhớ lại.
Ông Vui dựng chòi ở tạm, bắt đầu một cuộc sống mới. Ngoài làm ruộng, ông còn đi lưới cá, ai thuê gì làm nấy, sống hòa đồng nên được nhiều người xung quanh quý mến. Có người còn có ý định gả con gái cho ông nhưng ông từ chối. Không biết từ bao giờ, ông thầm thương bà Hườn dù biết bà hơn ông 17 tuổi, khuôn mặt lại không được như bình thường.
Để gây chú ý với bà Hườn, ông Vui “lên kế hoạch” đến vay 150.000 đồng – một số tiền lớn lúc bấy giờ – nhưng cố tình không trả đúng hẹn. Nóng ruột, bà Hườn phải ra tận đồng để đòi.
Ông Vui giải thích “kế hoạch” của mình: “Bả cho mượn tiền là đã có sự tin tưởng tui rồi. Nhưng tui không đến trả, tui tạo cơ hội cho bà ấy xuống tận nơi, xem tui mần ăn chăm chỉ, lúa má thế nào, khi đó mới dễ nói chuyện”.
Sau lần đó, bà Hườn vẫn không hề hay biết về tình cảm người đàn ông trẻ dành cho mình. “Mình xấu xí, lại lớn tuổi, một lần đau khổ sao dám nghĩ đến chuyện thêm bước nữa, biết người ta có thương mình thiệt hay lại l.ừ.a mình”, bà Hườn kể.
Tuy nhiên, thấy ông Vui làm ăn giỏi lại hiền lành, bà Hườn có ý làm mai ông với một người em bà con. Sáng hôm đó, hai người hẹn nhau sẽ về Cà Mau để gặp cô em, tính chuyện mai mối.
Lúc hai người đang ngồi trong quán uống cà phê chuẩn bị đi thì ông Vui mở lời: “Làm mai tui không chịu, tui chịu bà mai được không”. Bà Hườn lúc ấy hốt hoảng, nói lớn tiếng: “Tuổi tui đẻ ra ông còn được chứ yêu thương gì?”. Ông Vui đáp trả: “Tui không biết đây có phải là tình cảm yêu đương nam nữ không, nhưng tui thương bà thiệt”. Bà Hườn chỉ cười, nói nửa đùa: “Tui là người cách mạng, người của tổ chức, anh thương tui thì cùng tui lên phường”.
Không ngờ ông Vui dắt tay bà lên phường thật.
Bà Hườn xem lại tấm hình vợ chồng bà chụp chung hơn 10 năm trước trong ngày đám cưới con gái ông Vui. Bà không còn giữ tấm hình nào của mình trước khi bị trúng bom. Ảnh: Diệp Phan.
Vị cán bộ phường lúc bấy giờ cũng không tin người đàn ông này thương bà Hườn thật nên hỏi lại: “Anh có dám chắc mình thương và ở với chị Tư đây đến hết đời không?”. Người nông dân khẳng khái trả lời: “Tui đố anh nhìn xuống sông mà đoán được có bao nhiêu con cá, cạn đìa mới biết được lóc, trê. Đến khi chị nằm xuống trên tay tui mới biết tui là người như thế nào”.
Ông Nguyễn Minh Cơ, 76 tuổi, người tiếp nhận bà Hườn đưa vào đơn vị quân y V24 chữa trị sau khi bị bỏng, sau này là hàng xóm của bà chia sẻ: “Việc chị Tư đi tiếp bước nữa là điều khiến những đồng đội của chị ấy như tôi thấy rất lo lắng. Chị ấy đã trả qua nhiều đau khổ về thể xác lẫn tinh thần. Chúng tôi sợ chị ấy lại thêm một lần đau khổ nữa vì anh Vui còn quá trẻ”.
Bà Hườn dẫn ông Vui về Cà Mau ra mắt. Họ hàng ai cũng lắc đầu khuyên bà Hườn nên an phận nuôi con, “nhỡ nó l.ừ.a mày”. Ông cậu bà Hườn nói trêu với cháu rể tương lai: “Mày dân Cần Thơ vậy có biết mần ruộng không, có mần mới nuôi được vợ con chứ”.
Vậy là sẵn thúng lúa giống bên nhà, ông Vui xắn quần, lao xuống ruộng trước nhà gieo lúa. Nhấc từng bước dứt khoát dưới lớp bùn, tay vung rộng nắm lúa giống, ông Vui chứng minh cho gia đình bà Hườn rằng mình làm được.
“Thấy ông ấy quyết tâm, tui cũng mủi lòng, không còn sợ như trước nữa”, bà Hườn tâm sự.
Vợ chồng bà không tổ chức đám cưới, hai người về chung nhà khi đứa con trai bà Hườn tròn hai tuổi, đứa con gái riêng của ông Vui cũng vừa lên ba. Ông Vui giành lấy hết mọi công việc nặng, là lao động chính kiếm tiền nuôi con, bà Hườn chỉ ở nhà phụ lo cơm nước. Nếu đi làm gần, buổi trưa ông còn tranh thủ về nhà phụ vợ nấu cơm vì biết bà Hườn sợ lửa do di chứng của trận_bom napalm năm nào.
“Nếu thương một người chỉ vì cái đẹp thì gặp người khác đẹp hơn tui sẽ bỏ bả mà đến với người mới ngay. Tui thương bả vì cái tánh chân thật, tui muốn giúp bả có một cuộc đời vui hơn lúc cuối đời”, ông Vui nói.
Thấy vợ không đủ sức khỏe, vết bỏng ở tay thỉnh thoảng bị nứt, lở_loét khiến bà đau_đớn, ông Vui không nghĩ đến việc có con chung.
Kể từ ngày lấy ông Vui, bà Hườn chỉ ở nhà lo chăm con và nội trợ. Ảnh: Diệp Phan.
Anh Trần Thanh Phương, 34 tuổi, con trai bà Hườn chia sẻ: “Tôi nhớ lúc nhỏ tôi đã chạy quanh xóm khoe rằng mình đã có cha. Ngày xưa, vào mùa mưa, cha phải lội nước cõng tôi ra đường lớn để đón xe đi học, có hôm hai cha con té ướt hết người”.
Hơn 30 năm về chung nhà, ông Vui chưa một lần lớn tiếng với vợ. Trước đây ông thường có thói quen đi_nhậu sau một ngày làm việc, nhưng được bà Hườn khuyên, ông Vui đã bỏ thói quen đó. Khoảng một năm nay, thấy không còn đủ sức khỏe, ông Vui nghỉ việc thợ hồ, xin làm bảo vệ ở một bệnh viện gần nhà.
Trên chiếc võng đặt giữa căn nhà nhỏ, vợ chồng già ngồi đưa võng. Lấy tay vuốt mái tóc lưa thưa bạc trắng của vợ, ông Vui nói vui: “Mới có mấy năm mà tóc bà bạc hết vậy, tóc tui còn đen, vẫn còn lấy vợ được à nghen”.
Dù có con và các cháu ở nhà, nhưng mỗi lần đi trực ca đêm, ông Vui vẫn không an tâm khi mấy tháng trước, bà Hườn vấp té trong nhà vệ sinh.
“Nửa đêm có dậy đi vệ sinh thì phải bật đèn trước, đi từ từ nghen bà”. “Ông dặn hoài, tui biết rồi”, bà Hườn nói, rồi lấy hộ chồng cái mũ.
Ông Vui dắt chiếc xe đạp ra sân rồi đạp đến bệnh viện lúc đường phố vừa lên đèn.
Diệp Phan
nguồn: https://vnexpress.net/hanh-phuc-muon-cua-nguoi-dan-ba-napalm-4133156.html