Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai “giải oan” cho mì ăn liền: Không hoàn toàn là nguyên nhân gây bệnh, kẻ “chủ mưu” chính là lối sống của bạn

28

Sỏi thận, ung thư, bệnh gan, tăng cholesterol… từng “được cho là” liên quan đến thói quen dùng mì ăn liên thường xuyên. Điều đó khiến món ăn quen thuộc, phổ biến này trở nên nguy hiểm trong mắt người tiêu dùng, khiến mọi người hoang mang, lo lắng.

Mới đây, trên trang cá nhân, bác sĩ Ngô Đức Hùng, bệnh viện Bạch Mai đã có bài viết “giải oan” cho món ăn khoái khẩu của nhiều người này. Theo bác sĩ Hùng: “Thời gian gần đây, chúng ta đã nghe và đọc quá nhiều những thứ tin xấu liên quan đến mì tôm với những ngôn từ đao to búa lớn. Đại loại như “Cô gái trẻ ăn mì tôm cho qua bữa rồi phải hối hận khi bác sĩ thông báo mình mắc bệnh ung thư” hay “Một sinh viên 23 tuổi đột ngột qua đời vì ăn mì thường xuyên” …

Giật gân và choáng váng, nhiều người cũng chỉ đọc tít rồi vội vã chia sẻ link cảnh báo nhau, quy kết tội cho mỳ tôm mà không cần đọc đến nội dung. Trong khi, các nhân vật trong bài không làm việc quên ngủ, thì cũng chơi game quên ăn… có ăn thì chỉ ăn tạm chỉ để chống đói qua bữa, ngày này qua tháng nọ”. Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, phong cách sống như vậy thì khó có thể sống thọ được.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: FB nhân vật)

Bác sĩ Hùng phân tích, bản chất nguyên liệu chính làm nên sợi mì tôm chính là bột lúa mì – 1 trong 5 loại ngũ cốc được điểm mặt đặt tên trong nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng cho hoạt động sống cơ bản của loài người. Nói một cách khoa học, mì ăn liền thuộc nhóm carbonhydrate – chất bột đường, 1 trong 3 nhóm sinh năng lượng chính cho mỗi bữa ăn (bên cạnh protein – chất đạm và lipid – chất béo).

Bột mì được làm thành sợi, hấp chín rồi chiên qua dầu, bổ sung gia vị cho dễ ăn. Nhiều hãng còn thêm một số thành phần khác vào sợi mì như vitamin, khoáng chất để làm tăng thêm giá trị dinh dưỡng (như Ca, Fe, Mg,..). Như vậy thành phần chủ yếu của mì tôm là carbonhydrate, các thành phần khác dù được bổ sung nhưng khó mà đủ cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể được.

Rồi nhiều người tìm cách đổ lỗi cho mì vì nhiều muối hại thận, chiên qua dầu ăn dễ sinh chất gây ung thư. Tuy nhiên, theo lí giải của bác sĩ Hùng, hiện giờ các hãng lớn đều sử dụng hệ thống chiên hiện đại, kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ và không thể đánh giá bằng mắt thường để nhận định chất lượng.

Dầu hay bất kỳ nguyên liệu nào để làm mì cũng vậy, quan sát cảm tính bên ngoài không đánh giá được tính chất bên trong mà cần phải đi kiểm tra, phân tích xem có an toàn hay không. Các nhà sản xuất lớn sẽ không vì 1-2 đồng lợi nhuận mà đánh đổi danh tiếng. Điều nào nghe ra cũng có vẻ hợp lý nhưng xét về tổng thể lại chẳng hợp lý tí nào cả.

Theo bác sĩ Hùng, ăn mì tôm trong một thời gian dài cũng giống như bạn chỉ ăn một món ăn chủ yếu là tinh bột vậy, cũng giống như chỉ ăn mỗi cơm trắng với chút muối với mắm thì đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe do mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu các nhóm chất khác.

Nên nấu mì tôm cũng rau và các thực phẩm khác để cân bằng dinh dưỡng.

Nên nhớ, chẳng có món ăn nào đầy đủ tất cả các thể loại nhu cầu dưỡng chất cả, thế nên các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng mới khuyên các bạn nên ăn đầy đủ các nhóm chất, ăn đa dạng thực phẩm. Đó là lý do cần đổi món cho các bữa mỗi ngày. Chính vì sự tiện lợi nên mì gói đã trở thành món ăn phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bác sĩ cũng khuyên, đừng nấu mì tôm 1 mình. Hãy cho thêm rau, trứng, thịt, nêm nếm vừa khẩu vị thôi để vừa bổ sung chất xơ, protein và đỡ hại thận.

Với cả rừng thông tin lập lờ khiến mọi người hoang mang, chúng ta cần phải biết chắt lọc nếu muốn trở thành người tiêu dùng thông thái. Bên cạnh việc sử dụng sản phẩm sao cho đúng cách và bảo đảm dinh dưỡng, mọi người nên chú ý đến giờ giấc sinh hoạt điều độ hằng ngày, tăng cường sức khỏe bằng cách tập thể dục thường xuyên, đó mới là cách bảo vệ sức khỏe tốt.

Theo Bác sĩ Ngô Đức Hùng
Thiên An

Theo Nhịp sống kinh tế

SHARE