Những cái ôm mỗi ngày có thể giúp trẻ ít đau ốm, thông minh hơn và hạnh phúc hơn.
1. Cái ôm tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc
Tác động tâm lý của cái ôm là rất lớn. Nó không chỉ thúc đẩy phát triển lòng tự trọng và cảm giác tự tin của trẻ, mà còn giúp trẻ trở nên lạc quan.
3 phẩm chất này kết nối chặt chẽ với nhau và giúp giảm nhẹ tác động của những sự kiện căng thẳng xảy ra với trẻ. Cuối cùng thì nó giúp cho một đứa trẻ cảm thấy được yêu thương và hạnh phúc.
2. Ôm dạy trẻ đồng cảm với người khác
Khi bạn ôm trẻ, sự trao đổi cảm xúc này sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự đồng cảm từ phía bạn. Nó giúp cho trẻ hiểu được cảm xúc của người kia. Vì thế, những cái ôm là bài học tốt giúp trẻ thấy việc đồng cảm với mọi người và yêu thương người khác có ý nghĩa như thế nào.
3. Ôm giúp ngăn cơn giận dữ
Nhiều cha mẹ lo lắng về việc ôm một đứa trẻ đang nổi cáu sẽ là cách dung dưỡng cho hành vi xấu của con, nhưng việc này không đơn giản như vậy.
Trao cho trẻ một cái ôm không đồng nghĩa với việc nhượng bộ, mà nó sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Khi được ôm, hormone oxytocin – hormone của tình yêu sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại và giảm bớt lo lắng.
4. Những cái ôm tạo ra đứa trẻ thông minh
Để phát triển, trẻ em cần sự kích thích các giác quan khác nhau. Đó là lý do tại sao tiếp xúc cơ thể là cần thiết với chúng. Tiến sĩ Seth Pollak và các đồng nghiệp ở Trung tâm Waisman và Khoa Tâm lý học, ĐH Wisconsin-Madison đã so sánh giữa những đứa trẻ được nhận nuôi từ trại trẻ mồ côi so với những trẻ lớn lên trong các gia đình bình thường. Nhóm trẻ mồ côi thể hiện kỹ năng vận động chậm hơn, sự phát triển nhận thức bị suy giảm do thiếu sự tương tác xúc giác.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, 15 phút tiếp xúc cơ thể mỗi ngày trong vòng 10 ngày cũng giúp những đứa trẻ mồ côi đạt được điểm số cao hơn, trưởng thành hơn.
5. Ôm giúp trẻ lớn lên
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng cơ thể của trẻ sẽ ngừng phát triển một cách bình thường nếu chúng bị thiếu sự tiếp xúc, cụ thể là những cái ôm ngay cả khi trẻ đã nhận đủ vitamin và các chất dinh dưỡng khác.
Lý giải cho hiện tượng này rất đơn giản. Loại hormone đặc biệt oxytocin – còn được biết đến là hormone tình yêu – được giải phóng ra khi ôm. Hormone này mang lại nhiều tác động tích cực cho cơ thể chúng ta, trong đó có cả việc kích thích tăng trưởng.
Khi oxytocin được giải phóng, nó cũng kích thích các hormone tăng trưởng khác và thúc đẩy sự lớn lên của đứa trẻ.
6. Cái ôm giúp trẻ khoẻ mạnh
Oxytocin còn mang lại một lợi ích tích cực khác là giúp trẻ khoẻ mạnh và cải thiện hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, nó cũng giúp cho vết thương lành nhanh hơn và giảm viêm nhiễm.
7. Tăng kết nối giữa bố mẹ và con
Những cái ôm giúp tăng sự tin tưởng – một yếu tố cần thiết trong việc xây dựng mối quan hệ với trẻ cũng như với những người khác.
Hormone này cũng làm giảm cảm giác sợ hãi, tăng sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đồng thời gia tăng sự tin tưởng – một yếu tố quan trọng trong sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái.
N. Thảo(Theo Bright Side)