Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã liệt kê ra 5 loại thực phẩm quen thuộc nhưng dễ khiến bạn nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc nếu chế biến sai cách.
Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng mà con người cần thu nạp mỗi ngày để nuôi dưỡng cơ thể. Tuy nhiên chúng cũng chính là một “con dao hai lưỡi” bởi nếu không sử dụng đúng cách thì đây là nguồn gây bệnh cực lớn, đặc biệt là gây ngộ độc thực phẩm .
1. Các loại thịt: Thịt gà, thịt bò, thịt lợn…
Theo CDC, các loại thịt đỏ hoặc thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín kỹ có thể là nguyên nhân gây bệnh rất lớn. Hầu hết những con gia cầm sống đều chứa vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, Clostridium perfringens… Còn thịt sống có thể chứa Salmonella, E.coli, Yersinia…
Theo CDC, các loại thịt đỏ hoặc thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín kỹ có thể là nguyên nhân gây bệnh rất lớn.
Các chuyên gia của CDC khuyên rằng:
– Tốt nhất bạn không nên rửa thịt gia cầm hoặc thịt sống trước khi chế biến, bởi khi rửa thịt có thể làm lây lan vi khuẩn sang các thực phẩm, dụng cụ và bề mặt khác… Trong trường hợp bắt buộc, bạn nên đảm bảo việc vệ sinh dụng cụ nhà bếp như bồn rửa, rổ, dao, thớt và vòi nước bằng xà phòng sau khi sơ chế gia cầm để ngăn vi khuẩn lây lan.
– Cần đảm bảo nấu kỹ thịt gia cầm và thịt.
– Các loại thịt thừa nên được làm lạnh ở 40 độ F hoặc lạnh hơn trong vòng 2 giờ sau bữa ăn. Đối với những miếng thịt lớn, chẳng hạn như thịt quay hoặc cả con gà, bạn nên chia chúng thành những phần nhỏ để đảm bảo việc bảo quản và ngăn vi khuẩn phát triển tốt hơn.
2. Hoa quả và rau xanh, rau mầm
Hoa quả và rau xanh đã được Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê vào danh sách những món ăn phòng ngừa ung thư rất tốt. Tuy nhiên theo CDC hoa quả và các loại rau nấu chưa chín kỹ có thể gây ngộ độc thực phẩm từ các mầm bệnh có hại như Salmonella, E.coli và Listeria. Trái cây và rau quả tươi có thể bị ô nhiễm ở bất cứ đâu dọc theo hành trình từ trang trại đến bàn ăn, bao gồm cả ô nhiễm chéo trong nhà bếp.
Ngoài ra, các loại rau mầm cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc vì điều kiện ấm áp, ẩm ướt để trồng rau cũng chính là môi trường lý tưởng để vi trùng phát triển. Ăn rau mầm sống có thể gây ngộ độc thực phẩm từ Salmonella, E.coli hoặc Listeria.
Nguyên tắc sử dụng hoa quả, rau xanh được CDC khuyến cáo:
– Khi đi mua, hãy chọn sản phẩm không bị bầm tím hoặc bị hư hỏng.
– Cần tách biệt trái cây, rau quả với thịt sống, thịt gia cầm và hải sản trong giỏ đồ của bạn.
– Khi ở nhà, cần rửa tay, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nhà bếp và bề mặt để sơ chế thực phẩm (dao, thớt, mặt bàn…).
– Cách ăn an toàn nhất là rau được nấu chín hoàn toàn, hoa quả được rửa sạch. Nếu không, nguy cơ ngộ độc thực phẩm của bạn là khá cao.
– Làm lạnh trái cây và rau quả trong vòng 2 giờ sau khi bạn cắt, gọt vỏ hoặc nấu chúng.
3. Sữa tươi và những chế phẩm từ sữa
Theo CDC, bạn có thể gặp nguy hiểm nếu sử dụng sữa chưa tiệt trùng bởi chúng có thể mang mầm bệnh có hại, bao gồm Campylobacter, Cryptosporidium, E.coli, Listeria và Salmonella.
Mặc dù nhiễm khuẩn Listeria rất hiếm gặp, nhưng nó có thể làm tổn thương phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Nhiễm khuẩn Listeria có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non và thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.
Sữa tươi sẽ chỉ thực sự an toàn thông qua quá trình thanh trùng, cần một lượng nhiệt vừa đủ để tiêu diệt mầm bệnh gây bệnh.
4. Trứng gà
Trứng có thể chứa Salmonella, loại vi khuẩn có thể khiến bạn ngộ độc, ngay cả khi vỏ trứng trông sạch sẽ và không bị vỡ. Nhiễm khuẩn Salmonella có thể khiến người bệnh mắc bệnh tiêu chảy, nôn, sốt, chuột rút… và phải nhập viện cấp cứu. Để tránh nguy cơ này, CDC khuyến cáo người dân nên sử dụng trứng và các sản phẩm từ trứng đã được nấu chín.
Trứng có thể chứa Salmonella, loại vi khuẩn có thể khiến bạn ngộ độc.
Cụ thể:
– Tránh các thực phẩm có chứa trứng sống hoặc nấu chưa chín kỹ.
– Bảo quản trứng trong tủ lạnh ở 40 độ F hoặc lạnh hơn.
– Kiên quyết ném bỏ những quả trứng bị nứt vỏ hoặc có bề ngoại bẩn.
– Ăn trứng ngay sau khi nấu, không giữ trứng hoặc thực phẩm làm bằng trứng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ phòng là 90 độ F hoặc nóng hơn.
– Rửa tay và các vật dụng tiếp xúc với trứng sống, bao gồm đũa, thìa, dao, bát đĩa và thớt bằng xà phòng và nước.
5. Hàu sống
Nhiều người thích ăn hàu sống để tận hưởng trọn vẹn sự tươi mát, ngọt ngào của chúng. Tuy nhiên theo CDC, hàu sống và các loại hải sản chưa nấu chín khác có thể khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng, ngộ độc do vi khuẩn Vibrio gây ra.
Vi khuẩn Vibrio sống tự nhiên ở vùng nước ven biển nơi có hàu sống. Vi khuẩn có thể tập trung trong các mô của chúng. Khi ai đó ăn hàu sống hoặc nấu chưa chín, virus hoặc vi khuẩn có trong hàu có thể gây bệnh.
Hầu hết các trường hợp nhiễm Vibrio từ hàu chỉ dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng do Vibrio Vulnificus, có thể gây ra bệnh nặng hơn, bao gồm nhiễm trùng máu và tổn thương da phồng rộp nghiêm trọng. Thậm chí, một số trường hợp nhiễm V.Vulnificus cần được chăm sóc đặc biệt hoặc cắt cụt chi và 15-30% trường hợp nhiễm trùng gây tử vong.
Chính vì vậy, CDC khuyến cáo:
– Một con hàu có chứa vi khuẩn có hại hay không… không thể kiểm định bằng cách nhìn, ngửi…
– Nước nóng hoặc chanh không tiêu diệt vi khuẩn Vibrio. Uống rượu trong khi ăn hàu cũng không giết chết vi khuẩn Vibrio. Cách duy nhất để diệt khuẩn khi ăn hàu đó là nấu chín hoàn toàn.
(Tham khảo: CDC)