Với các chủ trang trại, bò đục lỗ là kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả nhưng với nhiều người đây lại là hành vi vô nhân đạo.
Ngành chăn nuôi động vật được đánh giá là một trong những mảng đóng góp nhiều khí thải nhà kính nhất trong nông nghiệp. Đây cũng là ngành chịu nhiều sự chỉ trích của các tổ chức bảo vệ động vật nhất khi các con vật bị hành hạ với đủ kiểu công nghệ mới nhằm cho ra năng suất cũng như thành phẩm đúng ý chủ trang trại.
Một trong những công nghệ như vậy là đục lỗ trên thân bò (Cannulated Cow). Bạn không có nghe lầm đâu, những chú bò sẽ được đục lỗ như những lỗ bơm xăng trên các chiếc xe. Các lỗ này thường được gọi là ống thống (Port Hole) sẽ nối thẳng với dạ dày của bò, chúng có nắp kín và chỉ được mở ra khi cần thiết.
Vậy tại sao người ta lại tra tấn những con bò bằng cách đục lỗ này?
Kỹ thuật đục lỗ
Những nghiên cứu cho thấy việc đục lỗ trên cơ thể động vật, thậm chí là người để nối với dạ dày mà vẫn có thể sống sót đã có từ lâu. Kể từ năm 1822, một bệnh nhân Canada đã bị thương rách sâu ở bụng mà không thể liền lại, thế nhưng ông vẫn sống rất khỏe mạnh một cách kì diệu.
Nhận thấy điều kỳ lạ này, một bác sĩ người Mỹ đã nghiên cứu kỹ thuật ống thông nhằm giúp mọi người quan sát được dạ dày động vật, qua đó kiểm soát được thức ăn cũng như những chất được đưa vào đó.
Tuy nhiên phải mãi đến năm 1928, kỹ thuật này mới được 2 chuyên gia của trường đại học nông nghiệp Bắc Dakota-Mỹ (NDAC) là Arthur Frederick Schalk và R.S. Amadon nghiên cứu viết thành tài liệu. Suốt trong thập niên 1920, kỹ thuật này được các trang trại ở Mỹ đón nhận rộng rãi với những chú bò, dê, cừu… hay bất kỳ động vật nuôi nào cho mục đích kinh tế. Hiện nay, mảng chăn nuôi bò sữa là được dùng kỹ thuật này nhiều nhất.
Cụ thể, người ta sẽ đục lỗ dưới xương sườn thứ 13 của bò nối thẳng đến dạ dày. Đây thực tế là một xi lanh bằng cao su, nhựa hoặc kim loại có nắp đậy kín. Việc phẫu thuật nối ống thông này sẽ được thực hiện khi bò vẫn tỉnh và đang đứng với thuốc gây tê cục bộ.
Trước khi phẫu thuật, những con bò này phải nhịn ăn cũng như uống nước trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tiếp đó bác sĩ thú y sẽ rạch một miếng trên da bò để tiến vào phần dạ cỏ. các mặt hở của dạ cỏ sẽ được nối vào mép da để ngăn không cho các chất trong dạ dày ngấm vào khoang bụng. Tiếp đó ống thông và nắp đậy sẽ được nối vào trong.
Hiệu quả hay vô nhân đạo?
Với những người chăn nuôi bò, kỹ thuật đục lỗ này là vô cùng hiệu quả khi kiểm soát được hệ tiêu hóa cũng như chế độ dinh dưỡng của bò. Người nông dân có thể dọn sạch những thức ăn thừa trong dạ dày hoặc tác động trực tiếp vào dạ dày để kiểm soát nồng độ pH, tỷ lệ vi sinh… nhằm đạt tỷ lệ tốt nhất cho sản xuất thịt, sữa.
Thậm chí nếu bò bị bệnh, chủ trang trại có thể bơm thêm thuốc hoặc các dưỡng chất nhằm đảm bảo những chú bò cho năng suất cao nhất.
Về mặt kinh tế, kỹ thuật này đảm bảo lợi ích kinh tế của trang trại còn về khoa học, chúng cho phép con người nghiên cứu, học tập hệ tiêu hóa của nhiều loại động vật một cách trực tiếp. Nhờ việc theo dõi thường xuyên các chỉ số trong dạ dày bò mà người ta có thể đưa ra được những nghiên cứu mới trong chăn nuôi, trong khi các chủ trang trại có thể điều chỉnh lượng thức ăn nhằm đảm bảo bò khỏe mạnh.
Tuy nhiên việc kiểm soát dinh dưỡng đến mức này lại vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức bảo vệ động vật. Dù bị làm tê cục bộ nhưng những chú bò chắc chắn rất đau khổ, mệt mỏi khi bị quản lý đến cả số lượng thức ăn vào dạ dày.
Kỹ thuật đục lỗ dù đã được hoàn thiện nhiều thập niên nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định bò bị nhiễm trùng ổ bụng và chết. Những trường hợp này sẽ bị đưa đến lò mổ nhằm thu hồi chi phí. Bất kỳ ai chứng kiến việc phẫu thuật đục lỗ đều phải thừa nhận chúng khá máu me và đau đớn dù đã có thuốc tê. Thêm nữa, quá trình lành vết thương của bò chắc chắn cũng không hề thoải mái chút nào.
Vậy theo bạn, việc đục lỗ bò này là tốt hay xấu?
*Nguồn: Peta