Theo Asia Times, Bắc Kinh đã thừa nhận rằng một đoạn dài 2,4km của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc đã “biến dạng nhẹ” sau đợt mưa lũ lịch sử.
Ngày 21/7 vừa qua, Tân Hoa Xã dẫn lời của công ty điều hành đập Tam Hiệp cho biết một số phần phi cấu trúc và bộ phận ngoại vi của con đập đã bị cong vênh.
Sự biến dạng xuất hiện từ ngày 18/7 khi đợt lũ lụt từ các tỉnh phía tây (bao gồm Tứ Xuyên và Trùng Khánh) dọc vùng thượng lưu của sông Dương Tử đạt mức lưu lượng kỉ lục 61.000m3/1 giây – theo thông báo của Trung tâm quản lý Tập đoàn Tam Hiệp.
Công ty điều hành đập ghi nhận rằng con đập đã “biến dạng nhẹ”, một số cấu trúc ngoại vi bị hư hỏng và rò rỉ đã xuất hiện ở các bức tường ngoài biên trong 2 ngày 18-19/7 khi nước lũ được xả qua các đường ống ở đập.
Tuy nhiên, vấn đề rò rỉ nước không kéo dài lâu bởi con đập đã sử dụng các cổng xả để giữ nhiều nước hết mức có thể ở trong hồ chứa với sức chứa 39,3 tỉ m3 nước nhằm bảo vệ các thành phố ở hạ lưu sông Dương Tử khỏi trận mưa lũ lớn nhất trong năm nay.
Công ty điều hành đập hiện đang phải nỗ lực hết sức để bảo vệ các khu siêu đô thị ở Vũ Hán – nơi có hơn 10 triệu cư dân sinh sống và mới đang bắt đầu hồi phục từ sau đợt dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ tháng 12 năm ngoái.
Tân Hoa Xã nhấn mạnh rằng tất cả các số liệu vẫn đạt tiêu chuẩn và tất cả những biến số được theo dõi đều nằm trong ngưỡng thiết kế.
Trong khi đó, Wang Hao, một thành viên của Hội Kĩ sư Trung Quốc và là quan chức về thủy lợi thuộc Ủy ban Quản lý sông Dương Tử của Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc, cho rằng con đập đủ vững chắc để chống chịu sức công phá của trận lũ mạnh gấp đôi đợt lũ vào ngày 18/7 vừa qua.
Zhang Shuguang, giám đốc thuộc Trung tâm quản lý dự án Tam Hiệp, cũng đồng ý với quan điểm nói trên, cho rằng không điều gì có thể “hạ gục” con đập này trong 500 năm tới và không có một cảm biến nào trong 12.000 cảm biến được cài đặt trên các tấm chắn bê tông khổng lồ từng phát tín hiệu đỏ trên các tấm điều khiển trung tâm.
Ông Zhang nói thêm rằng con đập được thiết kế để cản dòng nước bằng cách sử dụng sức nặng của riêng nguyên vật liệu để chống lại áp lực chiều ngang của dòng nước.
Ông Zhang khẳng định mỗi phần của con đập đều ổn định và độc lập với các đoạn khác, thậm chí kể cả khi một đoạn đập bị vỡ.
Tuy nhiên, theo ông Zhang, việc kiểm soát lũ trên toàn bộ sông Dương Tử không thể chỉ phụ thuộc vào đập Tam Hiệp.
Kiểm soát lũ lụt là một trong những điểm mấu chốt trong quá trình xây dựng kế hoạch khởi công đập Tam Hiệp. Trung Quốc hiện tại đang phải đối phó với một thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng sau đợt dịch COVID-19 khi nhiều tỉnh miền nam nước này đang ngập trong nước lũ chưa từng thấy trong nhiều thập kỉ. Nhiều con sông đã vượt qua mức nước báo động.
Khoảng 95.000 cư dân đã phải sơ tán trước khi một khu vực rộng 180km2 ở tỉnh An Huy được sử dụng để điều hướng lũ lụt từ ngày 20/7.
Theo Tất Đạt
Tổ quốc