Vicky Ngo – Alisa Pham, Tôn Hà Anh – Tôn Hiền Anh, Phạm Lan Quỳnh Anh – Phạm Hứa Quang Anh là những cặp chị em được nhiều người ngưỡng mộ vì có thành tích học tập “khủng”.
Tôn Hà Anh – Tôn Hiền Anh đều học tại Đại học Harvard, Vicky Ngo – Alisa Pham thuộc nhóm 2% thông minh nhất thế giới, Phạm Lan Quỳnh Anh – Phạm Hứa Quang Anh từng là học sinh giỏi quốc gia, giành học bổng du học Mỹ.
Tôn Hà Anh (SN 1992) và Tôn Hiền Anh (SN 1998) là chị em ruột cùng giành học bổng toàn phần của Đại học Harvard, Mỹ. Hai cô gái tài năng sinh ra trong gia đình có bố làm việc ở lĩnh vực bưu chính viễn thông, mẹ là giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Đây cũng là gia đình đầu tiên tại Việt Nam có hai con cùng theo học ngôi trường Harvard danh giá. Trước khi đi du học, Hà Anh và Hiền Anh đều là cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ảnh: NVCC).
Tôn Hà Anh đi du học Mỹ từ năm cuối cấp 3. Năm 2011, cô giành học bổng toàn phần từ 5 trường đại học danh tiếng của Mỹ gồm Harvard, Princeton, Columbia, Brown, Wellesley và quyết định chọn Harvard. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2017, Hà Anh làm việc tại McKinsey & Company New York – công ty tư vấn doanh nghiệp lớn trên thế giới – và tiếp tục nhận học bổng thạc sĩ kinh doanh tại Harvard. Năm 2021, cô trở về Việt Nam phát triển dự án riêng tại Hà Nội. Hà Anh kết hôn vào đầu năm 2023 và đón con đầu lòng cùng năm đó. Chồng cô học đại học và thạc sĩ tại Đại học Stanford, Mỹ (Ảnh: FBNV).
Năm 2016, Tôn Hiền Anh nối gót chị gái trở thành sinh viên Đại học Harvard với suất học bổng toàn phần. Khác với chị gái có tính cách năng nổ, Hiền Anh trầm tính, sâu sắc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội liên quan đến chính sách và công bằng cho những tầng lớp thiệt thòi. Năm 2020, Hiền Anh gây chú ý khi góp phần đòi “công lý” cho sinh viên quốc tế mắc kẹt tại Mỹ do dịch Covid-19. Cô là người nghiên cứu và viết lá đơn kiến nghị lên Harvard, cùng trường chiến thắng vụ kiện trước ICE (Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ), khiến Nhà Trắng bãi bỏ luật thị thực mới, giúp hơn một triệu sinh viên quốc tế không rơi vào cảnh bị đuổi về nước (Ảnh: NVCC).
Vicky Ngo (Ngô Ngọc Châu, SN 2007) và Alisa Pham (Phạm Vi An, SN 2011) không phải chị em ruột mà được một người mẹ Việt nhận nuôi, hiện sống tại New Zealand. Ở độ tuổi còn rất trẻ, Vicky và Alisa lần lượt trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất Đại học Công nghệ Auckland (AUT) – ngôi trường thuộc top 1% thế giới. Hai cô bé đều là thành viên của Mensa (tổ chức của những người có điểm IQ cao hơn 98% nhân loại) và được Tổ chức Thần đồng Thế giới (Global Child Prodigy Award) công nhận là thần đồng (Ảnh: NVCC).
Năm 2020, Vicky Ngo gây tiếng vang lớn ở New Zealand vì thi đỗ vào AUT khi mới 13 tuổi và được truyền thông nước này gọi là “thần đồng”, “thiên tài”. Tuy nhiên, tháng 4/2021, cô bé bất ngờ đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi xứ sở kiwi do quá thông minh. Ở tuổi 15, Vicky tốt nghiệp xuất sắc bằng kép Toán ứng dụng và Tài chính, nhận được thư mời làm việc từ các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng như New Zealand nhưng không thể đi làm hợp pháp. Bởi vậy, cô bé lựa chọn học tiến sĩ chuyên ngành Khoa học dữ liệu và bảo mật như một giải pháp tình thế. Vicky cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn về Việt Nam làm việc, cống hiến (Ảnh: NZHerald).
Đặt chân tới New Zealand năm 7 tuổi, Alisa Pham hoàn thành chương trình tiểu học trong vỏn vẹn một năm, học hết cấp hai trong 2 năm, tốt nghiệp cấp 3 sau 10 tháng. Đầu năm 2022, cô bé chính thức trở thành sinh viên chuyên ngành Xây dựng thương hiệu và quảng cáo tại AUT ở tuổi 11. Khi đi học, Alisa và Vicky được trường trang bị hệ thống phần mềm có định vị, bố trí nhóm bảo vệ 10 người hộ tống các em đến lớp cũng như các hoạt động trong trường. Giống như chị gái, Alisa dự định học nhanh để có bằng đại học trong 2 năm. Ước mơ lớn nhất của cô bé là trở thành luật sư, quay về Việt Nam sống và làm việc (Ảnh: NZHerald).
Năm 2020, Phạm Lan Quỳnh Anh và Phạm Hứa Quang Anh (SN 2002) gây ấn tượng khi cùng giành được học bổng du học Mỹ. Trong đó, Quỳnh Anh trúng tuyển Đại học Rochester với học bổng gần 230.000 USD (khi đó là khoảng 5,3 tỷ đồng), còn Quang Anh được hỗ trợ 185.000 USD (khi đó là khoảng 4,3 tỷ đồng) từ Đại học Williams. Theo bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2020 của US News and World Report, trường Rochester xếp thứ 29 trong danh sách đại học quốc gia (National University), còn Williams đứng thứ nhất của khối đại học khai phóng (Liberal Arts College) (Ảnh: NVCC).
Khi học tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Quỳnh Anh từng giành giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh quốc gia khi học lớp 11, giải ba học sinh giỏi tiếng Anh quốc gia năm lớp 12, SAT 1.560/1.600, SAT Subject Test (790 toán level 2, 730 văn). Cô chọn Đại học Rochester vì thích việc có thể tự xây dựng chương trình học của bản thân, có nhiều hoạt động phù hợp thiên hướng âm nhạc (Ảnh: NVCC).
Cậu em Quang Anh cũng là cựu học sinh trường Ams. Nam sinh từng giành giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh thành phố lớp 12, giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh quốc gia khi học lớp 12, SAT 1.570/1.600, SAT Subject Test (800 toán level 2, 760 văn, 790 vật lý). Quang Anh thích các ngành học về nghệ thuật hội họa, thiết kế, kiến trúc và tâm lý tại Đại học Williams (Ảnh: NVCC).