Nhức nhối nạn kết hôn giả, ‘mua vợ’ Việt Nam

56

Nhức nhối nạn kết hôn giả, ‘mua vợ’ Việt Nam

ket hon gia singapore 1
Nhiều quốc gia đã ghi nhận những trường hợp công dân Việt Nam kết hôn giả để đổi lấy quốc tịch

Từ cuối năm 2023 đến nay, quốc tịch Việt Nam nhiều lần được nêu trong những vụ kết hôn giả để lấy thẻ nhập cư hoặc được mời chào như một quốc gia mà đàn ông ngoại quốc có thể bỏ tiền mua vợ.

Ngày 7/6, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) đăng thông báo sáu phụ nữ Việt Nam và bảy đàn ông Singapore tuổi từ 22-32 đã bị bắt giữ với cáo buộc kết hôn giả.

Cụ thể, nhóm 13 người đã bị bắt hôm 5/6 trong một chiến dịch khi nhà chức trách đồng loạt khám xét các tòa nhà công cộng và nhà riêng trên khắp Singapore.

Ngoài việc điều tra các hành vi phạm tội liên quan đến đường dây môi giới kết hôn giả, nhà chức trách cũng đang xem xét tội danh khai báo gian dối có thể liên quan đến các đơn xin cấp thẻ thăm thân của những người bị tình nghi.

Kết hôn để lấy quốc tịch?

Nhật báo The Straits Times của Singapore nêu tên sáu phụ nữ Việt Nam bao gồm: Ngo Thi Thanh (28 tuổi), Ho Gia Phan (30 tuổi), Nguyen Thi Thuy Quyen (30 tuổi), Tran Ngoc Phuong Thao (31 tuổi), Nguyen Thi Minh Trang (32 tuổi) và Nguyen Thu Giang (32 tuổi).

Trong số những người đàn ông Singapore bị bắt, bốn người được cho là đã nhận từ 8.000 đến 18.000 SGD (khoảng 150 triệu – 340 triệu đồng) để tham gia vào các cuộc hôn nhân giả gồm Noel Teo Junwei (23 tuổi), Gan Jun Wei (25 tuổi), Melvin Tan Soon Kang (27 tuổi) và Lim Kian Keong (32 tuổi).

Người thứ năm có tên Jonathan Kwek Zi Hao (32 tuổi) bị cáo buộc là đã được nhận “tiền trả công” nhưng không rõ là bao nhiêu. Người thứ sáu, Teo Wei Jie (27 tuổi) bị nghi được hứa hẹn một khoản tiền mặt chưa tiết lộ.

Riêng người đàn ông thứ bảy có tên Javier Ang Kun Teng (26 tuổi) được cho là đã sắp xếp ít nhất ba vụ kết hôn giả liên quan đến những người nêu trên, đồng thời giúp ba phụ nữ Việt Nam lấy được thẻ thông hành thăm thân.

Tại Singapore, người bị kết tội hôn nhân giả có thể bị phạt tiền lên đến 10.000 SGD (gần 190 triệu đồng) và/hoặc bị phạt tù lên đến 10 năm.

ICA cho biết họ sẽ tiếp tục cứng rắn với những người đang tìm cách lách luật bằng cách tham gia hoặc làm trung gian, sắp xếp kết hôn giả để các cá nhân có được cơ sở nhập cư tại Singapore, đồng thời khuyến khích người dân tại Singapore trình báo các trường hợp hôn nhân giả hoặc các vi phạm liên quan đến nhập cư.

ket hon gia singapore 1
Website Bộ Tư pháp Mỹ thông báo vụ án kết hôn giả hồi năm 2022

Một số quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc… đã ghi nhận những trường hợp công dân Việt Nam kết hôn giả để đổi lấy quốc tịch.

Tháng 3/2024, Trang thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSIS) cho biết có một “làn sóng” phụ nữ Việt ly hôn với đàn ông Hàn Quốc sau khi nhập tịch để tái hôn với đàn ông Việt Nam.

KOSIS cho biết có 792 phụ nữ Hàn Quốc kết hôn với đàn ông Việt Nam trong năm 2022, tăng 35,2% so với 586 người vào năm 2021.

Điều đáng nói là trong số này, có 482 phụ nữ là người Hàn Quốc nhập tịch. Tất cả họ đều là người Việt Nam và đã có được quốc tịch Hàn Quốc thông qua việc kết hôn với đàn ông Hàn Quốc rồi ly hôn.

Thống kê này làm dấy lên lo ngại rằng một số phụ nữ Việt Nam có thể muốn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc chỉ để có được quốc tịch.

Cư dân mạng hay thấy đàn ông Hàn Quốc phàn nàn về việc vợ Việt bỏ họ và hơn 300 trường hợp đã trình báo lên trung tâm nghiên cứu liên quan đến phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc để nhập tịch rồi tái hôn với người yêu cũ, theo một bài viết trên tờ Chosun đăng hồi cuối tháng Ba.

Còn tại Mỹ, năm 2022, một tòa án đã kết án 10 năm tù đối với bà Ashley Yen Nguyen vì cầm đầu một trong những đường dây kết hôn giả lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Chính quyền liên bang cho biết bản thân bà Ashley Yen Nguyen đã nhập cảnh vào Mỹ thông qua một cuộc hôn nhân giả mạo, sau đó đã tổ chức hơn 500 cuộc hôn nhân giả và thu về số tiền hơn 15 triệu USD từ hoạt động này.

Để kiếm vợ hoặc chồng là người Mỹ, người Việt Nam trả từ 50.000 đến 70.000 USD. Trong khi mỗi công dân Mỹ tham gia kết hôn giả được hứa trả góp từ 15.000 đến 20.000 USD nhưng hiếm khi nhận được toàn bộ số tiền.

‘Mua vợ’ Việt Nam

Tạp chí Outlook ở Ấn Độ hôm 6/6 đăng một bài giới thiệu các trang web chứa thông tin về những phụ nữ Việt Nam đăng quảng cáo về bản thân để tìm chồng nước ngoài.

Bài viết hướng dẫn cách tìm “cô dâu đặt hàng qua mạng” (mail-order bride – những cô dâu giới thiệu bản thân qua trung gian như cơ sở mai mối, trang web… để cánh đàn ông lựa chọn).

Theo bài viết này, đàn ông Ấn Độ cần chuẩn bị 16.000 USD để kiếm được vợ Việt, bao gồm:

  • Sử dụng ứng dụng/trang web hẹn hò: 150 – 200 USD/tháng
  • Sử dụng các tính năng nâng cao trên ứng dụng/ trang web hẹn hò: 100 USD/tháng
  • Vé máy bay khứ hồi đến TP HCM: 1.300 USD
  • Chỗ ở cho chuyến đi hai tuần: 400 – 500 USD
  • Ăn uống, đi nhà hàng cho hai tuần: 600 USD
  • Visa kết hôn: 2.500 USD
  • Vé máy bay cho cô dâu Việt: 700 USD
  • Đám cưới 8.000 – 10.000 USD

Tạp chí của Ấn Độ khuyên rằng “nếu bạn muốn ‘mua’ một người vợ từ Việt Nam, bạn cần cân nhắc cẩn thận những ưu điểm, nhược điểm của việc đi đến hôn nhân với các cô gái bản địa”.

Bên cạnh những ưu điểm được nêu như chồng ngoại là “trung tâm của vũ trụ”, thường trẻ hơn chồng và giữ được vẻ bề ngoài trẻ trung trong nhiều năm, khi hẹn hò qua mạng thường mong kết hôn ngay và có độ chung thủy cao, phụ nữ Việt cũng được cho là có một số điểm trừ.

Những yếu tố khiến đàn ông nước ngoài lo lắng được cho là khó tìm hiểu đối phương kỹ trên mạng, tốn nhiều công sức để nhập tịch cho cô dâu Việt và những rào cản khác biệt văn hóa.

Những người đàn ông ngoại quốc lớn tuổi hơn, không rành về công nghệ thường có xu hướng tìm đến những trung tâm mai mối kết hôn có địa chỉ cụ thể.

BBC News Tiếng Việt hồi năm ngoái từng trao đổi với ông mai bà mối cũng như những người tìm vợ Việt tại Singapore.

Nhiều người trong số đó gặp khó khăn để kết hôn với phụ nữ địa phương vì tuổi tác, ngoại hình hay thu nhập, nên tìm vợ trẻ đẹp ở những nước lân cận, và phụ nữ Việt Nam là sự lựa chọn vì “học vấn không quá cao, cũng không yêu cầu quá nhiều”.

Chỉ cần bỏ ra số tiền 10.000 SGD, họ được cam kết sẽ lấy được vợ Việt. Trong quá trình gặp được đối tượng ưng ý, họ phải trả thêm 4.000 SGD (khoảng 75 triệu đồng) cho mỗi tour sang Việt Nam kén vợ ngắn ngày.

“Đầu tiên, mỗi vị khách sẽ được gặp 30 cô gái. Họ thích cô nào thì giữ lại, không thích cô nào thì để cô đó đi, đơn giản vậy thôi,” Mark Lin, chủ cơ sở mai mối True Love Vietnam, nói với BBC.

“Vòng một họ chọn ra năm cô, vòng hai chọn ra ba cô. Sau đó từ Top 3 sẽ chọn ra một người, giống như thi Hoa hậu Thế giới vậy,” ông mai này ví von.

Thông thường mất hai ngày để vị khách chọn ra cô gái “trúng tuyển”, rồi sau đó một tháng là tiến tới hôn nhân luôn, ông Lin nói.

Giấc mơ lấy chồng ngoại

Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2008 – 2018, mỗi năm có khoảng 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ, chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…

Có 78% số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp, sống tại TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy phụ nữ Việt Nam muốn dùng hôn nhân di cư để thoát nghèo.

Nhiều cuộc hôn nhân xuyên biên giới của cô dâu Việt đã thành công và họ sống hạnh phúc, nhưng cũng nhiều người đang sống trong hôn nhân bạo hành.

“Thậm chí có những cô dâu Việt có thể duy trì cuộc hôn nhân bạo hành cả chục năm để con cái họ lớn lên. Họ chịu mọi hình thức bạo hành cho đến khi không thể chịu đựng được nữa thì mới bỏ trốn hoặc cảnh sát mới vào cuộc,” bà June Lim, Giám đốc điều hành Công ty luật Focus Law Asia có trụ sở tại Singapore, nói với BBC News Tiếng Việt.

Là một trong những người đại diện giúp cô dâu Việt lấy chồng Singapore làm thủ tục ly hôn miễn phí, bà Lim cho biết những người phụ nữ này phải đối diện với khó khăn về nhập cư, công việc và rào cản ngôn ngữ.

Nữ luật sư cho biết nhìn chung, những phụ nữ Việt qua Singapore kết hôn thường không có học vấn cao, mạng lưới quan hệ xã hội của họ bị hạn chế ở Singapore.

Trong trường hợp ly hôn, họ phải tìm được chỗ ở và công việc mới, điều đó không dễ dàng vì chi phí sinh hoạt ở Singapore rất đắt đỏ. Theo bà Lim, những khó khăn này khiến họ do dự trong việc trình báo bất chấp bị bạo hành về thể chất, tinh thần, tài chính.

Chỉ khi đến nhà tạm lánh, họ mới được nhân viên xã hội giúp đỡ và cho họ thấy rằng họ có nhiều cơ hội, hay có nhiều cách để giải quyết vấn đề.

Theo BBC Tiếng Việt

SHARE