Nguyên tắc làm giàu của người Do Thái: ‘Không ngại ít tiền, khế ước dựa trên chữ Tín, thiện chí với khách hàng, có tầm nhìn xa’

42

Tạp chí Forbes của Mỹ năm 2003 đã từng công bố: Trong những người giàu có từ 30 tỷ đô Mỹ trở lên, tỷ lệ người Do Thái chiếm đến 75%. Điều này cho thấy, người Do Thái có trí tuệ kinh doanh siêu việt. Vì sao như vậy? Họ luôn tuân thủ những nguyên tắc làm giàu thông minh.

Dù chỉ là 1 đô-la cũng phải kiếm về

Người Do Thái Bida Jewitt là một trong số ít những người có số lượng công trình kiến trúc khổng lồ ở nước Mỹ. Ông được mệnh danh là “vua kiến trúc”. Năm 1960, số tài sản của ông đạt mức 200 triệu đô-la.

Một trong số những nguyên tắc kiếm tiền quan trọng của Jewitt chính là: “Dù chỉ là 1 đô-la, cũng phải kiếm về bằng được”. Điều này có nghĩa là gì?

“Dù công ty có tiếng tăm lớn cỡ nào đi nữa, cũng không thể đảm bảo hợp đồng kiến trúc luôn tăng, thời thế của công ty luôn thịnh mà không suy. Vì vậy, chỉ cần có người yêu cầu hoặc đặt đơn hàng, không ngại ít tiền, chỉ cần phù hợp với điều kiện, chúng tôi đều không chối từ”.

Đây không phải là tiết kiệm hay bủn xỉn, mà là biết trân quý giá trị của từng đồng tiền kiếm được. Không thể chỉ xem trọng những hợp đồng lớn, hợp đồng nhỏ cũng đem lại giá trị cho công ty bạn, và chắc chắn nhiều hợp đồng nhỏ sẽ mang đến một hợp đồng to. Kinh doanh không chỉ là cuộc trao đổi của tiền bạc, mà còn là sự tích luỹ của những giá trị và trải nghiệm khác.

Theo triết lý kinh doanh “Dù chỉ là 1 đô-la, cũng phải kiếm về”, Jewitt không chỉ áp dụng nó cho chính mình, còn áp dụng nó cho cả khách hàng của mình, đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu, giúp họ kiếm thêm nhiều lợi nhuận trong thời gian sớm hơn. Cách làm này không hề ảnh hưởng đến việc kiếm tiền của công ty ông, mà còn giúp ông có được nhiều khách hàng trung thành.

Thời gian là vàng bạc

Trong châm ngôn kinh doanh của người Do Thái có câu: “Đừng đánh cắp thời gian”. Điều này không chỉ áp dụng trong việc kiếm tiền, mà còn là lời nhắc nhở phải hành xử lễ phép khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Người Do Thái xem trọng thời gian, ở một tầng ý nghĩa khác là nắm chắc từng phút từng giây mới có thể giành được cơ hội trong kinh doanh. Vì vậy, trễ hẹn, “câu giờ”, trì hoãn không phải là phong cách làm việc của người Do Thái.

Chữ tín là chìa khóa thành công

Trong kinh doanh người Do Thái chú trọng nhất là “khế ước”. Thương nhân Do Thái nổi tiếng là người biết trọng chữ tín. Người Do Thái một khi đã ký hợp đồng, bất luận xảy vấn đề gì, cũng đều quyết không nuốt lời.

Lợi nhuận là yếu tố quan trọng của doanh nghiệp, nhưng uy tín, thương hiệu còn quan trọng hơn nhiều. Tiền bạc có thể mua được tất cả, song không thể mua được chữ tín trong kinh doanh. Có chữ tín, doanh nghiệp mới phát triển và từ đó mới có thể thu lợi nhuận cao. Người Do Thái cho rằng, đã kinh doanh phải biết tuân thủ “chữ tín” trước khi áp dụng các nguyên tắc, thủ thuật để giành lợi nhuận. Thực tế giới giàu có trên thế gian đều thừa nhận, họ đã thành công khi học được “chữ tín” ở người Do Thái.

Đứng ở trên cao mới có thể nhìn ra xa

Người Do Thái cho rằng trong kinh doanh nên “cố gắng nhìn thêm vài bước”, sự phát triển trong tương lai mà bạn có thể nghĩ đến là bao nhiêu, thì thành công của bạn sẽ đến được bấy nhiêu. “Chân không thể chạm đến, thì mắt phải thấy được. Mắt không thể thấy được, thì tim phải cảm nhận được”.

Có một câu chuyện như sau: một người Do Thái bước vào một ngân hàng lớn ở thành phố New York.

“Thưa ông, ông cần giúp gì?”, giám đốc bộ phận cho vay vừa hỏi, vừa đưa mắt quan sát người khách hàng mới đến: bộ áo vét sang trọng, giày da cao cấp, đồng hồ đeo tay đắt giá.

“Tôi muốn vay tiền!”. “Không thành vấn đề! Ngài muốn vay bao nhiêu?”.

“1 đô-la”. “Chỉ cần 1 đô-la?”

“Không sai, chỉ 1 đô-la, có được không?”

“Đương nhiên là được. Chỉ cần có tài sản thế chấp, muốn vay nhiều hơn một chút cũng không trở ngại gì”.

“Chừng này đảm bảo có được không?”.

Người Do Thái lấy ra một tập cổ phiếu từ trong một chiếc ví da sang trọng, đặt lên bàn của vị giám đốc.

“Tổng cộng là 500 ngàn đô-la, đủ rồi chứ?”.

“Đương nhiên, đương nhiên! Có điều, có thật là ông chỉ cần vay 1 đô-la?”.

‘Vâng”.

Vừa nói, người Do Thái vừa đưa tay nhận tờ 1 đô-la.

“Lợi tức một năm là 6%, chỉ cần ông trả đủ lợi tức 6%, một năm sau quay lại, chúng tôi nhất định sẽ trả lại số cổ phiếu này cho ông”.

“Cám ơn”.

Người Do Thái nói xong thì đứng lên, chuẩn bị bước ra khỏi ngân hàng. Tổng giám đốc ngân hàng nãy giờ đứng bên ngoài quan sát cũng không sao hiểu nổi, một người có đến 500 ngàn đô-la trong tay, tại sao lại đến ngân hàng vay 1 đô-la. Ông hiếu kỳ tiến lại hỏi:

“Chào ông, xin hãy dừng bước…”.

“Có việc gì chăng?”.

“Tôi thực sự không hiểu, ông có đến 500 ngàn đô-la, tại sao chỉ đến đây vay 1 đô-la? Nếu như ông vay 300 hay 400 ngàn đô-la chẳng hạn, chúng tôi cũng sẽ hết sức vui lòng…”.

“Xin đừng lo lắng cho tôi! Chỉ có điều, trước khi tìm đến ngân hàng của quý ngài, tôi đã hỏi qua một số kho bạc, tiền thuê tủ bảo hiểm của họ đều quá cao. Bởi vậy, tôi đã quyết định gửi số cổ phiếu này ở chỗ ngân hàng của quý ngài, tiền thuế quả thật là quá rẻ, một năm chỉ tốn có 6 cent mà thôi!”.

Lối tư duy độc đáo này của người Do Thái chắc chắn khiến họ giải quyết được cả những tình huống “khoai” nhất trong kinh doanh.

Đàm phán tạo ra giá trị

Một câu chuyện kinh điển được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Do Thái như sau: Có một người cho hai đứa trẻ một quả cam. Hai đứa trẻ chỉ vì việc chia quả cam này mà cãi nhau. Thấy vậy, người đó liền đề xuất: Cho một đứa trẻ phụ trách cắt quả cam, đứa trẻ còn lại sẽ được chọn cam trước.

Kết quả, hai đứa trẻ tự cầm lấy nửa quả cam của mình, vui vẻ trở về nhà. Đứa trẻ thứ nhất về đến nhà, liền lấy các múi cam vứt đi, đem vỏ cam nghiền nát ra, trộn vào trong bột mì nướng bánh ăn. Đứa trẻ kia thì lấy múi cam bỏ vào máy ép trái cây ép thành nước để uống, vứt vỏ xanh vào thùng rác.

Từ câu chuyện phía trên chúng ta có thể thấy, mặc dù hai đứa trẻ mỗi đứa đều cầm lấy một nửa quả cam bằng nhau, nhưng chúng lại không tận dụng hết nguyên liệu của mình, không đạt được lợi ích lớn nhất.

Trước đó, chúng không nói ra thứ mà bản thân muốn, không nói chuyện và thương lượng với nhau, từ đó dẫn đến việc theo đuổi một cách mù quáng về sự công bằng trên lập trường và hình thức. Kết quả, hai bên không thoả thuận được với nhau trong quá trình đàm phán.

Vì vậy, bài học người Do Thái muốn nhắn nhủ là luôn tìm hiểu ước muốn của bản thân và của đối tác để đàm phán và đi tới một kết quả tốt nhất cho cả hai. Thương trường không phải là chiến trường nếu mỗi bên biết lùi lại và quan sát nhu cầu thực sự của nhau với một tâm thái thiện chí.

 

 

SHARE