Ông 89, bà 84 tuổi ra tòa ly hôn,lý do khiến nhiều người không thể tin nổi

319

Để giải quyết vấn đề, hai ông bà quyết định đưa nhau ra tòa ly hôn, đồng thời nhờ tòa án can thiệp, phân chia tài sản.

Cách đây không lâu, tòa án nhân dân quận Cù Giang, thành phố Cù Châu, Chiết Giang, Trung Quốc đã tiếp nhận đơn ly hôn của cặp vợ chồng già, ông 89 tuổi, bà 84 tuổi. Cả hai đều không còn khỏe mạnh. Trải qua nhiều lần hòa giải nhưng cả hai vẫn kiên quyết ly hôn.

“Tôi nghĩ, hai cụ có chuyện gì đó chưa nói ra nên đã mời hai cụ vào phòng riêng để nói chuyện”, thẩm phán Chai Hongwei – người thụ lý vụ ly hôn cho biết.

Hóa ra, trước khi đến với nhau, hai người đều từng đổ vỡ trong hôn nhân và có những đứa con riêng. Khi làm chung đơn vị, cả hai có nhiều sở thích chung, nói chuyện hợp nên ở tuổi trung niên, họ mang theo những đứa con và tổ chức lại một gia đình hạnh phúc.

Đến khi 3 con (đều là con riêng của 2 người) trưởng thành và xây dựng gia đình, căn nhà chỉ còn lại 2 ông bà sống nương tựa vào nhau. Thế nhưng, tuổi tác ngày càng lớn, sức khỏe giảm sút nhiều, cả hai buồn bã nhận ra rằng, họ không những không còn chăm sóc được nhau mà ngay cả việc chăm sóc bản thân cũng trở thành vấn đề nan giải.

Hai người quyết định đến sống ở viện dưỡng lão. Nhưng ở đó một thời gian, hai ông bà liên tục nhìn thấy cái chết của những người bạn nên vô cùng buồn bã, tinh thần sa sút. Cuối cùng, họ dọn hành lý, trở về nhà.

Sau khi trở về từ viện dưỡng lão, 3 người con nhiều lần họp bàn về việc chăm sóc các cụ nhưng không người nào chịu chăm sóc cả hai ông bà, họ còn cãi nhau nhiều về vấn đề phân chia tiền bạc, tài sản.

Để giải quyết, hai ông bà quyết định dìu nhau ra tòa ly hôn, đồng thời nhờ tòa án can thiệp, phân chia tài sản để trấn an con cái.

Ông 89, bà 84 tuổi ra tòa ly hôn, lý do khiến nhiều người bất ngờ - 1
Để giải quyết vấn đề, hai ông bà quyết định dìu nhau ra tòa ly hôn, đồng thời nhờ tòa án can thiệp, phân chia tài sản để trấn an con cái (Ảnh minh họa: Xihua).

Sau khi phiên tòa kết thúc, các con kéo nhau ra về, ông lão đến gặp thẩm phán Chai và lấy ra 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng) nhờ thẩm phán đưa nó cho bà cụ và đừng cho các con của họ biết.

Hóa ra sau khi cả hai về hưu, phần lớn tiền lương hưu đều đưa cho con cái, cộng thêm tiền chữa bệnh, chi tiêu hàng ngày nên lúc này cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.

Khoản tiền 10.000 tệ giữ được này, ông muốn dành trọn cho bà như tình yêu mà ông đã và luôn trao cho bà. Ông muốn, phần đời còn lại, có thêm một món tiền, bà sẽ sống tự tin và vui vẻ hơn.

Không ngờ, khi trao số tiền đó, bà lão nhất định nói rằng, số tiền phải thuộc về ông, bởi ông cần nó hơn. Cuối cùng, vị thẩm phán phải quyết định thay cho cả hai người.

Khi hai ông bà rời khỏi, vị thẩm phán nhớ lại lời bà lão nói với ông lão trong phiên tòa mà sống mũi cay cay: “Những ngày đêm bên nhau sẽ luôn khắc cốt ghi tâm. Hãy cùng nhau hồi tưởng về những năm tháng của cuộc đời …”.

Bi kịch xã hội hiện đại, cha mẹ về già bị con cái bỏ rơi

Dân số Trung Quốc đang già đi rất nhanh. Chính quyền Trung ương dự báo vào năm tới, Trung Quốc sẽ có 225 triệu dân ở độ tuổi trên 60, chiếm 17,8% tổng dân số quốc gia.

Các chuyên gia cho biết gần một nửa số người già Trung Quốc trên 60 tuổi hiện tại không có con cái hoặc không sống cùng các con. “Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Trung Quốc đang trải qua những gì xảy ra tại Nhật Bản 30 năm trước”, Zhu Qin, chuyên gia tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho hay.

“Truyền thống văn hóa của chúng ta là người cao tuổi sống cùng các con cháu và qua đời trong một đại gia đình. Chúng ta đang ở trong thời kỳ tỷ lệ sinh giảm và quy mô gia đình bị thu hẹp, vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi bị xem nhẹ, trong khi mạng lưới an sinh xã hội cho lứa tuổi này chưa được quan tâm đúng mức”, Zhu Qin cho hay.

Ông 89, bà 84 tuổi ra tòa ly hôn, lý do khiến nhiều người bất ngờ - 2
Gần một nửa số người già Trung Quốc trên 60 tuổi hiện tại không có con cái hoặc không sống cùng các con (Ảnh minh họa: Xinhua).

Tại khu Yuer ở Thượng Hải, 22% trong tổng số 2.000 cư dân là người trên độ tuổi 60. Một trong số đó có bà Shen Ming, 69 tuổi. Chồng bà Ming qua đời vì ung thư hồi tháng trước. Bà cho biết, hiện nhiều người cao tuổi Trung Quốc chọn cách sống một mình thay vì truyền thống tứ đại đồng đường như trước đây.

“Cha mẹ và con cái có lối sống và thói quen khác nhau. Sống cùng con cái thường dẫn tới xung đột”, bà Ming nói. Bà có hai người con cũng đang sống tại Thượng Hải, nhưng họ còn phải đi làm và bận rộn chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái nên vài tuần mới ghé thăm bà một lần.

Giống như nhiều người cao tuổi Trung Quốc khác, bà không muốn sống trong nhà dưỡng lão. Một nguyên nhân là do nhà dưỡng lão gần nhất thu phí hơn 5.000 nhân dân tệ (hơn 16 triệu đồng) một tháng, một con số quá cao so với mức sống của người già hiện nay.

“Hầu hết người già tôi biết trong khu không muốn đến nhà dưỡng lão. Họ bảo như vậy giống như ngồi chờ chết, nhưng tôi thì nghĩ khác. Tôi sẵn sàng đi nếu phí không quá cao”, bà Ming nói.

Vì ngày càng nhiều người già sống một mình, nên nơi ở dành cho họ cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Một báo cáo cho thấy, nhà hưu trí ở Bắc Kinh chỉ có sức chứa cho 9.924 người, tương đương với 0,6% dân số trên 60 tuổi. Để phục vụ người già tốt hơn, Bắc Kinh đã áp dụng các quy định khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân đầu tư vào dự án xây dựng “nhà cho người già”.

Tại những vùng quê xa xôi, những người già ở Trung Quốc vẫn đang phải lao động ở tuổi xế chiều và chỉ có mong ước nhỏ nhoi rằng được gặp các con trong Tết đoàn viên. Vào mùa đông lạnh lẽo, ông Tần, 68 tuổi, thân mang đầy bệnh tật vẫn phải dậy sớm mỗi ngày để đi đến khu rừng lân cận đốn khoảng 50kg củi, vác trên lưng mang về nhà, đến tầm trưa ông lại lên rừng đốn củi một lần nữa.

Sử dụng củi đốt là cách rẻ hơn so với than để vợ chồng ông Tần trải qua được mùa đông lạnh giá ở miền bắc Trung Quốc. Ông Tần và vợ là bà Tôn Xá Dung cùng nhau sống những tháng ngày cuối đời trong cô đơn khi các con của ông đã rời xa quê hương đi tìm việc làm từ nhiều năm trước.

Trong mấy chục năm gần đây, hàng trăm triệu người dân ở nông thôn di chuyển đến các thành phố lớn ở Trung Quốc làm việc khiến nhiều ngôi làng ở nông thôn trở nên vắng vẻ. Ngày xưa ngôi làng vợ chồng ông Tần sinh sống có khoảng 500 người, bây giờ chỉ còn khoảng 20 người, họ phải dựa vào những đồng tiền kiếm được từ bán bắp ngô để có thể duy trì cuộc sống.

“Để các con chăm sóc chúng tôi thì rất khó khăn. Thu nhập của chúng nó cũng không đáng là bao, chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng của tụi nó”, bà Tôn Xá Dung nói.

Tờ RFA đưa tin, vào năm 2013, đã có nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc chọn cách tự tử để kết thúc sự cô đơn, kết thúc sự đau đớn của bệnh tật và không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu. Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc khi lâm bệnh không có con cháu bên cạnh chăm sóc và họ chỉ mong rằng mình có thể chết sớm hơn.

Một số quan chức tin rằng các vấn đề mà người cao tuổi Trung Quốc phải đối mặt có thể được giải quyết thông qua các nỗ lực kết hợp từ gia đình, cộng đồng địa phương và toàn xã hội. Mục tiêu của Trung Quốc là thiết lập một mạng lưới hỗ trợ cho người già, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và giúp họ tránh sự cô đơn thông qua các hoạt động học tập và giải trí. Mạng lưới cũng sẽ khuyến khích người cao tuổi tiếp tục phục vụ xã hội sau tuổi nghỉ hưu bằng cách sử dụng kiến thức họ có được trong nhiều năm.

SHARE