Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: Nhiều “Thầy” dạy kinh doanh giỏi nhưng đi kinh doanh toàn thua lỗ là do họ thiếu 5 bản năng doanh nhân này

 

Thành viên HĐQT tập đoàn FPT, ông Đỗ Cao Bảo đã lý giải lý do Tại sao trên thực tế có nhiều người làm thầy giảng dậy về kinh doanh, quản trị kinh doanh rất xuất sắc, thế nhưng họ không thể làm doanh nhân, và nếu họ đi làm doanh nhân thì toàn thua lỗ.

Tại sao có nhiều người bỏ học đại học đi khởi nghiệp thì thành công, thậm chí có những người trở thành tỷ phú, có tài sản hàng tỷ, hàng chục tỷ USD, trái lại có rất nhiều người đã tích luỹ đủ kiến thức, bằng cấp, kinh nghiệm, khả năng tiếp cận nguồn vốn, thế mà khi khởi nghiệp vẫn thất bại.

Không những bỏ học đại học mà có nhiều doanh nhân thành công còn không thực hiện nghiên cứu thị trường cốt lõi, không qua trường lớp hoặc kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực của họ; không lập kế hoạch kinh doanh cũng như đề ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Thực tế có nhiều người làm thầy giảng dậy về kinh doanh, quản trị kinh doanh rất xuất sắc, thế nhưng họ không thể làm doanh nhân, và nếu họ đi làm doanh nhân thì toàn thua lỗ
Có nhiều người cho rằng những người thành công trong kinh doanh như vậy là do may mắn, nhưng câu hỏi đặt ra tại sao họ lại may mắn nhiều đến thế và lâu đến thế?

Sau thời gian dài nghiên cứu, chiêm nghiệm thực tế, các học giả trên thế giới đã đúc kết ra rằng thành công trong kinh doanh không phải là kết quả của trình độ học vấn, kiến thức kinh doanh, chỉ số IQ, khả năng tiếp cận nguồn vốn hay kết hoạch kinh doanh đột phá, mà nó xuất phát từ bản năng doanh nhân (Entrepreneurial Instinct).

Vậy bản năng doanh nhân là gì mà nó lại mầu nhiệm đến vậy? Vâng, bản năng doanh nhân chính là:

(1) Chấp nhận rủi ro, vượt qua nỗi sợ hãi, không sợ thất bại, tiếp tục phát triển khi đối diện với sự mơ hồ, không rõ ràng;

(2) Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ngay cả khi không được đào tạo bài bản;

(3) Năng lực hành động để biến kế hoạch kinh doanh thành kết quả;

(4) Hướng ngoại, lạc quan, tự tin, cởi mở;

(5) Khả năng thích ứng với môi trường, với hoàn cảnh, khả năng ứng biến xuất sắc; khả năng tự thay đổi;

Có một minh chứng rất thú vị thế này về chấp nhận rủi ro, vượt qua nỗi sợ hãi: trong nhóm bạn bè chiến hữu của tôi, có 2 anh A và B đều cực kỳ thông minh, khi chơi bài vui vui thì anh A luôn thắng, nhưng cứ đến khi chơi ăn tiền thì anh B lại luôn luôn thắng. Tất nhiên anh B là doanh nhân rất thành công, còn anh A là rất giỏi về công nghệ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những người có bản năng doanh nhân cao thì chất dopamine trong não cao hơn nhiều những người thường, chất dopamine cho họ khả năng chấp nhận rủi ro và năng lực hành động và khi họ càng chấp nhận rủi ro và càng hành động thì dopamine được giải phóng càng nhiều, chính dopamine đã mang lại niềm vui, động lực và sự tập trung thúc đẩy họ hành động.

Tóm lại là muốn làm doanh nhân thành công thì phải có bản năng doanh nhân, muốn có bản năng doanh nhân thì ngoài thiên phú ra phải có môi trường doanh nhân, phải sống cùng, làm việc cùng, phải năng gặp gỡ những doanh nhân thành công, cũng như những doanh nhân dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.

Theo Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT tập đoàn FPT

7 bài học kinh doanh thực chiến mà “Trường đào tạo tỷ phú” Harvard “nhào nặn” nên những doanh nhân tài ba: Kiến thức kinh doanh hữu ích với bất kỳ ai

15 phẩm chất “vàng” cần có của một doanh nhân thành công
Một doanh nhân thành công không đơn thuần chỉ là người có IQ (chỉ số thông minh) cao mà còn có nhiều tính cách, phẩm chất đặc biệt khác.

Diễn giả, tác giả, nhà tâm lý học Sherrie Campbell cho biết: “IQ là một chỉ số cố định theo thời gian, còn cốt lõi của sự khôn ngoan là khả năng tự nhận thức và sự nhạy bén. Ngoài kinh nghiệm và trí tuệ, người khôn ngoan còn là người luôn trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” và biết cách xử lý vấn đề một cách khéo léo”.

15 phẩm chất của một doanh nhân khôn ngoan

Theo Sherrie Campbell, khôn ngoan là sự tổng hợp của nhiều đặc điểm tính cách/phẩm chất sau đây và mọi doanh nhân đều có thể rèn luyện để tích lũy:
1. Tin vào trực giác
Doanh nhân khôn ngoan không chỉ dựa vào các sự kiện bề nổi mà còn biết cách lắng nghe và làm theo trực giác. Trực giác giúp họ nhận ra được động cơ của người khác, từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn đối tác, dự án và khách hàng tiềm năng.
2. Có khả năng tự ý thức
Người khôn ngoan luôn hiểu rõ vị thế cũng như khuynh hướng hành vi của mình trong mọi tình huống. Họ ý thức được điểm mạnh, điểm yếu, các hệ giá trị và niềm tin của mình. Bởi họ biết được rằng, một người càng ý thức tốt về bản thân bao nhiêu thì càng dễ dàng hiểu được người khác bấy nhiêu.
3. Học hỏi và rút kinh nghiệm từ quá khứ
Doanh nhân khôn ngoan không bị lệ thuộc vào quá khứ nhưng họ luôn nhìn lại những việc đã qua để phát huy những suy nghĩ đúng đắn hoặc rút kinh nghiệm từ những quyết định sai lầm.
4. Sáng tạo

Doanh nhân khôn ngoan không bao giờ hài lòng với một mức độ phát triển nhất định của sản phẩm/dịch vụ cũng như của chính bản thân họ và cả công việc kinh doanh. Họ luôn đón nhận những ý tưởng mới và khao khát được thay đổi, được nâng cao hiệu quả công việc. Doanh nhân khôn ngoan luôn cho rằng, việc thoát ra khỏi vùng an toàn của mình là yếu tố bắt buộc để thành công.
5. Tư duy mở
Doanh nhân khôn ngoan xem tâm trí mình như một chiếc dù, nghĩa là nó sẽ hoạt động tốt nhất trong trạng thái được mở ra. Khi cần giải quyết vấn đề, họ sẵn sàng lắng nghe nhiều quan điểm khác nhau, từ đó thiết lập chiến lược hành động theo một cách mới mẻ và hiệu quả.
6. Nhanh nhạy
Nhanh chóng nhận ra các cơ hội cần phải nắm bắt ngay tức khắc chính là ưu điểm của một doanh nhân khôn ngoan. Sự chần chừ và bỏ qua thời cơ không phải là thói quen của họ.
7. Xoay sở tốt trong mọi tình huống

Nhờ có mạng lưới quan hệ rộng rãi, mỗi khi phát sinh nhu cầu về bất kỳ một loại tài nguyên nào (thông tin, nhân sự, chương trình đào tạo…), doanh nhân khôn ngoan luôn biết chính xác “địa chỉ” để tìm đến. Do đó, họ luôn tìm được phương án tối ưu để đạt được mục tiêu.

8. Độc lập
Tin tưởng mù quáng vào nhận định của các chuyên gia không phải là thói quen của các doanh nhân khôn ngoan. Họ luôn đặt ra những câu hỏi sâu hơn để tìm ra “chân lý” của riêng mình và dựa vào đó để vạch ra các chiến lược mới.
9. Ham học hỏi

Doanh nhân khôn ngoan luôn tận dụng tối đa khả năng làm việc của trí óc bằng cách không ngừng học hỏi. Họ thường xuyên góp nhặt thông tin từ nhiều nguồn như sách, báo, tạp chí… để làm giàu cho vốn kiến thức và kỹ năng của mình. Đối với họ, việc học hỏi không bao giờ là một điều gì quá khó khăn hoặc nhàm chán mà ngược lại luôn luôn bổ ích và thú vị.
10. Nhìn nhận vấn đề một cách nhẹ nhàng
Không bao giờ nghiêm trọng hóa vấn đề chính là đặc điểm của một doanh nhân khôn ngoan. Thậm chí, họ còn có khả năng tìm ra khía cạnh hài hước của vấn đề để cảm thấy thật vui vẻ và thoải mái trong quá trình tìm ra giải pháp. Nhờ đó mà họ dễ dàng thành công và luôn hài lòng với cuộc sống.
11. Thích mạo hiểm
Những doanh nhân khôn ngoan luôn sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ vì luôn tâm niệm rằng, dù cho kết quả không như mong đợi thì những trải nghiệm đã qua cũng sẽ hữu ích theo một cách nào đó. Trong quá trình kinh doanh, doanh nhân khôn ngoan thường chấp nhận liều lĩnh để làm những thứ mà nhiều người còn e dè. Và sự liều lĩnh đó của họ thường sẽ được đền đáp xứng đáng.
12. Tin vào bản thân

Không cần người khác phải trợ giúp trong việc ra quyết định, doanh nhân khôn ngoan luôn biết họ là ai và có niềm tin vào bản thân mình. Họ không mong muốn, không chờ đợi sự thay đổi mà hành động để tạo ra sự thay đổi.
Tự tin quyết định đến 97% thành công của bạn: Nếu chưa đủ tự tin, hãy "giả vờ" cho đến khi thành sự thật
13. Viết mục tiêu ra giấy
Viết là bước đi đầu tiên trong quá trình hiện thực hóa những mục tiêu, tầm nhìn và ước mơ của các doanh nhân khôn ngoan.
14. Có xu hướng chia sẻ
Doanh nhân khôn ngoan luôn “hào phóng” chia sẻ kiến thức, thông tin và bí quyết thành công cho người khác. Họ luôn là những nhà cố vấn nhiệt tình nhằm giúp đỡ người khác trở nên tốt hơn. Thông qua quá trình trao đổi đó, các kiến thức và kỹ năng của họ cũng không ngừng được mở rộng.
15. Luôn có ý thức tái tạo bản thân
Sự nguyên trạng hoặc trì trệ là vấn đề mà không một doanh nhân khôn ngoan nào có thể chấp nhận. Họ khao khát sự phát triển và luôn sẵn sàng thay đổi hình ảnh, thương hiệu, logo, tên công ty, định hướng hoạt động… nếu cần thiết.
Theo Doanh nhân Sài Gòn

 

SHARE