Nhật Bản chi hơn 500 triệu USD để hỗ trợ các công ty rời khỏi Trung Quốc

35

Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu hỗ trợ tiền cho các công ty trong nước chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, để trở về “quê nhà” hoặc đến Đông Nam Á.

Đây là động thái được đưa ra theo một phần của chương trình mới, nhằm bảo toàn chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Nhật Bản.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết hôm thứ Sáu, 57 công ty, bao gồm công ty tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama cho đến Sharp, sẽ nhận được tổng cộng 57,4 tỷ yen (536 triệu USD) tiền trợ cấp từ chính phủ. 30 công ty khác sẽ nhận được tiền hỗ trợ để chuyển sản xuất sang Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác, theo một thông báo khác nhưng không tiết lộ chi tiết về khoản tiền.

Theo Nikkei, chính phủ Nhật Bản sẽ chi tổng cộng 70 tỷ yen ở đợt này. Các khoản hỗ trợ nằm trong 243 tỷ yen mà chính phủ đã cam kết hồi tháng 4, nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, giúp các công ty chuyển nhà máy về Nhật Bản hoặc các quốc gia khác.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi và chiến tranh thương mại trở nên căng thẳng hơn, đã có nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ và những nơi khác về việc làm thế nào để “tách rời” các nền kinh tế và công ty khỏi Trung Quốc. Quyết định của Nhật Bản đưa ra tương tự với chính sách của Đài Loan năm 2019, nhằm mục đích đưa hoạt động đầu tư trở về từ Trung Quốc. Cho đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào ban hành chính sách cụ thể để khuyến khích sự thay đổi.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trong các hoạt động thông thường và các công ty Nhật Bản cũng có nhiều khoản đầu tư lớn vào đại lục. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch đã khiến mối quan hệ cũng như hình ảnh của Trung Quốc tại Nhật Bản xấu đi. Trong nhiều năm, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc sau cuộc biểu tình bài Nhật vào năm 2012, nhưng ảnh hưởng từ đại dịch và những tranh chấp trên biển Đông đã khiến những nỗ lực này bị suy yếu.

Lục Lam

Theo Tổ Quốc

SHARE