Vườn sầu riêng của bầu Đức được trồng từ 3-5 năm trở lại đây, riêng tại Việt Nam là 200ha, được xem là vùng trồng sầu riêng tập trung lớn nhất nước
Sau tin vui kể từ ngày 11/7/2022 quả sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch qua tất các cửa khẩu của Trung Quốc, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai) liền trình làng “bom tấn” vườn sầu riêng “cả Đông Nam Á không ai có” với tổng diện tích lên đến 1.000ha tại Lào và Việt Nam.
Vườn sầu riêng của bầu Đức được trồng từ 3-5 năm trở lại đây, riêng tại Việt Nam là 200ha, được xem là vùng trồng sầu riêng tập trung lớn nhất nước ta. Giống sầu riêng được bầu Đức trồng tại Việt Nam là Monthong (Thái Lan), còn tại Lào là Musang-king (Malaysia).
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước đạt khoảng 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông. Theo đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm qua thị trường này đóng cửa tiểu ngạch nên xuất khẩu sầu riêng nước ta gặp nhiều khó khăn.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ kéo dài 3 năm nhưng là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài 4 năm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là tin vui đối với các nhà xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam nói chung trong đó có HAGL.
Tuy nhiên, để vào được thị trường tỷ dân này, trái sầu riêng Việt Nam bắt buộc phải đạt yêu cầu kiểm dịch thực vật sau khi Bộ NN&PTNT gửi công hàm thông tin toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc để rà soát.
Bên cạnh đó, trái sầu riêng Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ Thái Lan, quốc gia duy nhất được nhập khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc trước đây.
Sầu riêng là loại trái cây tươi nhập khẩu dẫn đầu tất cả các loại trái cây khác cả về khối lượng và giá trị của Trung Quốc. Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc đạt 822.000 tấn và 4,21 tỷ USD, tăng lần lượt là 42,7% và 82,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù bầu Đức tự tin đến mức đưa ra nhận định “bán trong nước có khi còn chưa đủ, không biết có mà bán cho Trung Quốc hay không”, nhưng người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam hẳn chưa quên bài học từ việc phát triển ồ ạt diện tích trồng mít.
Tại ĐBSCL, vùng trồng mít Thái lớn nhất cả nước, giá mít bán tại vườn chỉ có 3.000 đồng/kg, còn nếu tự thu hoạch chở đến tận nơi cho thương lái thì bán được 5.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư đã là 10.000 đồng/kg. Với mức giá này thì nông dân bị lỗ nặng bởi chi phí vật tư nông nghiệp, phân bón tăng quá cao, chưa kể các phí khác như cây giống, lên liếp, phun tưới, chăm sóc… Giá mít Thái giảm sâu do vào thời điểm chính vụ, trong khi diện tích trồng mít tại các địa phương đã tăng ồ ạt trong vài năm gần đây.
Tại Việt Nam, Tiền Giang và Đắk Lắk lần lượt là hai tỉnh dẫn đầu cả nước diện tích sầu riêng với trên 15.000 ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn/vụ.
Một thông tin đáng chú ý là Trung Quốc vừa công bố trồng thí điểm thành công sầu riêng nhiệt đới. Đó là một trang trại sầu riêng rộng 20ha ở thành phố Maoming (Mậu Danh) phía Tây Nam Quảng Đông với khoảng 200.000 cây sầu riêng được trồng từ năm 2018, những cây sớm nhất đã bắt đầu ra hoa và kết trái, dự kiến tháng 10 sẽ cho thu hoạch.
Chỉ riêng tại đảo Hải Nam, diện tích trồng sầu riêng đã lên đến khoảng 2.000ha.
Do đó, dù tự hào có vườn sầu riêng “số 1 Đông Nam Á”, nhưng con đường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc của bầu Đức cũng không hề bằng phẳng.
Sau khi chuyển nhượng CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HNG), bầu Đức chỉ còn lại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Việc tái cơ cấu HAG khiến doanh nghiệp này chỉ còn tập trung vào mảng nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nuôi heo, trồng chuối và bây giờ là trồng sầu riêng.
Do lợi nhuận sau thuế năm 2020 âm nên cổ phiếu HAG bị đưa vào diện kiểm soát từ tháng 4/2021. Trong phiên 10/08, HAG được giao dịch quanh mức giá 11.900 đồng/cp.
Báo cáo quản trị của công ty 6 tháng đầu năm cho thấy, bầu Đức đang là cổ đông lớn nhất tại HAG khi nắm giữ 34,5% vốn điều lệ. Đoàn Hoành Anh, con gái bầu Đức hiện nắm giữ 0,9% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
Hiền Anh