Tuổi thơ gắn với ruộng đồng nên khi theo chồng sang Mỹ, chị Kim Hiếu muốn tạo không gian đậm chất Việt Nam để thỏa nỗi nhớ và nuôi dưỡng văn hóa quê mẹ cho con.
Chị Kim Hiếu, quê Bà Rịa theo chồng sang Mỹ, sống ở bang Washington từ năm 2015. Vốn là một cô gái năng động, làm trong doanh nghiệp nước ngoài, nhưng kể từ khi lấy chồng và theo chồng sang Mỹ, chị chỉ ở nhà nội trợ, chăm con khiến nhiều lúc có cảm giác chông chênh. Chị đã tìm đến làm vườn như một cách khiến cho mình bận rộn.
Ngôi nhà này được chị Hiếu “chấm” ngay lần đầu nhìn thấy, sau khi đã đi xem cả chục căn mà không ưng. Nhà có một căn bếp rộng đẹp, đặc biệt là khoảng sân thoải mái, lại nằm dưới triền dốc nên có cảm giác riêng tư, bình yên.
“Lúc đó tôi chưa để ý đến vườn vì đang trong mùa đông lạnh lẽo. Cho tới khi dọn về ở tôi mới thấy vườn rộng đến 1.400 m2, đã có bố cục cơ bản nhưng do chủ cũ lớn tuổi không chăm sóc nên trông xơ xác”, chị Hiếu nói.
Nơi gia đình đang ở cách xa cộng đồng người Việt, trong khi bản thân chị Hiếu luôn muốn con trai hiểu về văn hoá Việt Nam. “Tôi ấp ủ ý tưởng biến sân thành một nơi để trân trọng quá khứ và quê hương, cũng như nuôi dưỡng cho con một phần văn hoá của mẹ”, chị bộc bạch.
Khi con được chừng 4-5 tháng tuổi, chị Hiếu thường tranh thủ lúc con ngủ để ra làm vườn. Xuất thân từ gia đình nông dân, công việc chân tay không làm khó được chị.
Dạo đầu chị chưa hiểu hết sự khác biệt về điều kiện thời tiết và cách chăm sóc các loại hoa nên cây thường chết hoặc sống èo uột. Nhờ ông xã chỉ dẫn và học hỏi qua mạng, dần dần chị học được cách chọn các loại hoa, các bón phân, tỉa cành ở thời điểm thích hợp để cây phát triển tốt.
Anh Ross Murray, ông xã chị Hiếu là người giản dị và gắn bó với Việt Nam nhiều năm nên ủng hộ vợ tạo ra một “Góc Việt Nam” (Vietnam Corner). Anh giúp vợ xin giấy phép cưa bớt những gốc cây cổ thụ sát nhà, để đón thêm nắng và có thể trồng được nhiều loại hoa.
Chị Hiếu tìm mua các loại chum đất nung, lu đựng nước mưa, chậu làm tiểu cảnh, những đồ gốm hình gà, vịt, thậm chí cả đôi quang gánh, chiếc gáo dừa đậm chất Nam Bộ… và gửi theo các chuyến hàng của công ty chồng từ Việt Nam sang.
Chị còn tự tay rải đá sỏi và đặt những phiến đá nhỏ làm thành đường đi. Tại các chum, chị đặt gáo dừa để múc nước rửa chân. Nơi đây cũng có một góc nhỏ trồng các loại rau Việt. Dần dần một sân sau đậm chất Việt trở thành điểm nhấn trong nhà của vợ chồng chị Hiếu.
Đến nay chị Hiếu khá hài lòng với khu vườn của mình. Mùa xuân, vườn rực rỡ với bụi hoa nhài trắng tinh khôi, thơm dịu dàng trước cửa. Bên hông nhà, những bụi đỗ quyên trắng, hồng, đỏ rực rỡ. Giàn hoa ông lão tím biếc bên khung gỗ bạc màu.
Nhưng mùa hè mới là thời điểm chị Hiếu thích nhất, bởi lúc này là mùa nở của hồng, oải hương, hoa bi, mắt huyền và đặc biệt cẩm tú cầu… Bụi cẩm tú cầu này ban đầu chỉ là 3 gốc nhỏ, sau 4 năm vươn to như hai chiếc chiếu, nở đến cả 500 bông. “Các bạn tôi mê bụi hoa lắm. Họ gọi là ‘bụi cẩm tú triệu đô'”, chị Hiếu tự hào nói.
Để được bụi hoa lớn và khỏe như vậy, chị Hiếu chỉ cắt nông, để tán có sức sống mùa sau ra nhiều nụ, tán rộng, nhiều hoa, bên cạnh kỹ thuật bón phân, đón nắng.
Mỗi lần về quê ngoại, được bà đưa võng nên bé Timothy Nguyễn Murray (con trai chị) rất thích nằm võng. Chính vì thế, tại sân sau chị cũng đặt một chiếc. Thuở con còn nhỏ, chị đưa võng cho con ngủ, còn mẹ làm vườn. Nay con lớn, ngày mát trời, hai mẹ con ra đây nằm ngắm cảnh. Nhiều bữa chị Hiếu dạy con mấy bài dân ca Nam Bộ.
Niềm vui của chị Hiếu hiện tại là chỉ mong đến mùa xuân lại được ra làm vườn. Khi hoa nở, hai mẹ con chị diện cho con áo bà ba, áo dài để chụp hình. Chị in hình ảnh của con trai thành album theo từng năm, để sau này con lớn có kỷ niệm. “Đối với tôi đây là gia tài lớn nhất có thể cho con”, chị nói.
Video khu vườn mùa xuân nhà chị Hiếu.
Phan Dương
Ảnh: Kim H. Murray Today