Nhà hàng đóng cửa vô thời hạn, nông dân Mỹ sống trong ác mộng triền miên

36

Nhiều nông dân Mỹ khi đi giao hàng mới biết các nhà hàng mình thường cung cấp nguyên liệu, thực phẩm nay đã đóng cửa

Đầu tháng 7, nông dân Jeremy Storey đặt đơn hàng trứng tại cửa sau một nhà hàng và tiếp tục lái xe. Nhưng sáu tiếng sau, chủ tòa nhà gọi điện nói không có ai lấy trứng. Nhà hàng đã đột ngột đóng cửa do có nhân viên nhiễm COVID-19 và không ai nhớ hủy đơn hàng trứng.

Nông dân trên cánh đồng tại Illinois. Ảnh: AFP

Sau nửa ngày để dưới nắng, số trứng trên đã hỏng. Storey đành lái xe lại nhặt trứng và chịu thiệt hại.
Ông nói: “Nửa số nhà hàng mà chúng tôi tới giao hàng đều đã đóng cửa. Nhiều lần tôi dừng xe ở nhà hàng và đọc tấm biển ở cửa trước xem họ còn mở cửa không”.

Ông Storey giờ thừa 24.000 quả trứng và không biết khi nào mọi thứ sẽ ổn định trở lại. Tình trạng bấp bênh này là vấn đề lớn với nông trại của ông Storey ở Johns Island, Nam Carolina. Nếu ông không thể dự đoán nhu cầu trứng sẽ thế nào vào ngày mai, tháng sau, ông sẽ có nguy cơ sản xuất thừa hoặc sản xuất thiếu.

Ông Storey không phải là trường hợp duy nhất. Thách thức của ông cũng là khó khăn mà nhiều nông dân Mỹ gặp phải khi bán sản phẩm cho các nhà hàng độc lập. Họ phải tìm mọi cách để dự báo nhu cầu khách hàng trong thời điểm bất ổn.

Hồi tháng ba, khi các nhà hàng lần đầu đóng cửa và lệnh ở nhà có hiệu lực, một số nông dân không có khách hàng. Giờ đây, khi các nhà hàng bắt đầu mở lại dịch vụ, làn sóng ca nhiễm COVID-19 mới đã khiến kế hoạch mở cửa bị tạm ngừng, lại đẩy nông dân vào tình thế hoang mang, càng khó khăn hơn khi vạch kế hoạch sản xuất.

Kế hoạch sản xuất rất quan trọng với nông dân vì họ phải tính trước nhu cầu của khách hàng vài tháng hoặc đôi khi là trước vài năm để có thời gian trồng trọt, chăn nuôi.

Điều này gần như bất khả thi khi các nhà hàng cũng phải cầm cự. Từ tháng ba tới tháng 5, doanh thu của các dịch vụ ăn uống thấp hơn kỳ vọng 94 tỷ USD. Nhu cầu khó dự báo và doanh thu sụt giảm mạnh đã khiến nhiều nông dân ủng hộ Đạo luật Nhà hàng – đạo luật hỗ trợ 120 tỷ USD cho các quán bar, nhà hàng độc lập tới cuối năm 2020.

Gần đây, một số bang đã ngừng hoặc thay đổi kế hoạch mở cửa lại các nhà hàng khi đại dịch COVID-19 hoành hành cả nước, khiến nông dân Mỹ đã khó khăn lại càng khó khăn.

Cuối tháng sáu, bang New Jersey kêu gọi không mở lại nhà hàng ăn uống trong nhà, chỉ vài ngày trước khi diễn ra kế hoạch mở cửa lại. Thành phố New York hoãn mở cửa lại các nhà hàng vô thời hạn đầu tháng 7. Ngày 13/7, California hướng dẫn mọi nhà hàng đóng cửa lại lần nữa.
Khi số ca nhiễm bệnh tăng, các bang và thành phố khác có thể hành động tương tự hoặc thắt chặt hạn chế.

Ông Gary Wertish, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Minnesota, cho biết nếu tình trạng bấp bênh này còn kéo dài một hay hai năm nữa, một số nông dân và nhà hàng sẽ không thể hoạt động trong ngành.

Bà Kate McClendon, nông dân trồng rau hữu cơ tại Peoria, Arizona cho biết, tất cả 90 nhà hàng mà nông trại nhà bà phục vụ đều gặp khó khăn.

Mặt trời mọc trên cánh đồng của bà McClendon. Ảnh: CNN

Nông trại nhà bà trồng hàng chục loại rau quả từ hàng chục năm nay, nhưng bà McClendon lo lắng về tương lai.

Như ông Storey, bà McClendon cũng chỉ biết các nhà hàng đóng cửa khi đi giao hàng. Bà bắt đầu lên mạng xã hội để tìm hiểu xem nhà hàng nào còn mở cửa.

Đây là tình hình hoàn toàn mới với nông dân Mỹ – những người phụ thuộc vào một số nhà hàng nhất định để làm ăn.

Ông Matt Weik, chủ nông trại lợn ở Bắc Minnesota, chuyên bán thịt lợn hảo hạng cho các nhà hàng. Ông có mối quan hệ lâu dài với các nhà hàng độc lập. Trước đại dịch, ông biết chính xác họ cần gì nhưng giờ đây thì không.

Nông trại lợn của ông Weik. Ảnh: CNN

Nhiều nhà hàng mà ông Weik bán thịt lợn đã mở cửa lại nhưng nhu cầu của họ thế nào thì ông không thể biết. Gần đây, khi ông đang chuẩn bị đơn hàng 1.000 USD cho một nhà hàng thì hay tin nó lại đóng cửa cho tới tận tháng 8 vì có nhân viên nhiễm COVID-19. Nhà hàng vẫn trả tiền đơn hàng đã đặt nhưng phải tới khi mở cửa mới thanh toán.

Vì tình hình bấp bênh, một số nông dân phụ thuộc vào các nhà hàng độc lập đang tìm cách thử mô hình kinh doanh mới. Ví dụ, thay vì bán cho các nhà hàng, ông Steve Matthiasson ở Thung lũng Napa, bang California, bán rượu trực tiếp cho người tiêu dùng với giá rẻ hơn.

Sự chuyển đổi này giúp ông tiêu thụ được rượu và thu tiền về nhưng không có lợi nhuận. Ông Matthiasson cho biết sẽ thua lỗ trong năm nay và hy vọng sẽ lỗ vừa phải để có thể tiếp tục.

Bán trực tiếp cho người tiêu dùng cũng không ổn về lâu dài. Một khi có hợp đồng bán cho người người tiêu dùng, nông dân sẽ không thể quay về bán cho nhà hàng vì sẽ không đủ nguồn cung cho cả hai đối tượng.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo CNN)

SHARE