Mẹ 1,18m nuôi con 1,8m, đẹp trai, học giỏi, 14 tuổi đỗ đại học, 19 tuổi lấy bằng thạc sĩ

36

Đằng sau những đứa con vượt trội luôn có những bà mẹ vĩ đại.

Con cái có lẽ là điều đáng tị nhất của mỗi người mẹ. Sinh con không dễ, nuôi dạy con càng khó khăn hơn bội phần, nhất là khi nền tảng của người mẹ hoặc người bố có phần thua thiệt.

Trong những câu chuyện rỉ rả về cách nuôi con cao lớn, thỉnh thoảng, các mẹ vẫn kể cho nhau nghe nhà chị kia, nhà anh nọ, cha mẹ thấp bé mà sinh con ra đứa nào đứa nấy nhổ giò, cao nhồng. Rồi cứ thế, mọi người lại trầm trồ với nhau về cách nuôi con của những bà mẹ, ông bố đặc biệt ấy. Mà ấy là chiều cao của cha mẹ với chiều cao của con cũng chẳng mấy cách biệt. Còn đằng này mẹ 1,18m nuôi con 1,8m, lại biết cách cư xử và học giỏi vượt cấp thì hỏi sao ai nấy không ngưỡng mộ cho được.

Trần Diệu Dung sinh năm 1971, là một bà mẹ khá nổi tiếng ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Cô không chỉ được biết đến là một phụ nữ mạnh mẽ vượt qua giới hạn của bản thân để đạt được thành tựu cá nhân mà còn là một người mẹ nuôi dạy con rất khéo.

Mặc dù chiều cao cơ thể chỉ khiêm tốn 1,18m, bị nhiều người phân biệt đối xử, châm chọc vì ngoại hình ngắn ngủn nhưng Trần Diệu Dung lại may mắn cưới được người chồng cao đến 1m78 là Chu Vân Thanh. Dù chiều cao bất tương xứng giữa hai người từng là đề tài bàn tán của số đông dư luận nhưng trải qua 28 năm thăng trầm, họ vẫn gìn giữ được mái ấm hạnh phúc đáng ngưỡng mộ.

Con trai của hai người, Chu Hồng Dương là hoa quả ngọt ngào nhất trong cuộc hôn nhân đáng ghen tị. Cậu không chỉ đạt chiều cao vượt trội mà còn là một chàng trai ưu tú trong học tập và nghiên cứu dù tuổi đời còn rất trẻ. Năm 14 tuổi Chu Hồng Dương thi đỗ Đại học Giao thông Tây An. Khi đến tuổi 19, cậu xuất sắc lấy được tấm bằng thạc sĩ.

Thành công của con trai một lần nữa chứng minh nghị lực và sức mạnh tinh thần đáng khâm phục của người mẹ có vóc dáng nhỏ bé.

Từ nhỏ, Trần Diệu Dung đã không được may mắn như bao người. Cô sinh ra trong một gia đình nghèo khó, chật vật đến cả cái ăn. Khi con bị bệnh thiếu hormone tăng trưởng, cha mẹ không tiền chạy chữa khiến bệnh dù có cơ hội điều trị cũng đành tắt ngấm hy vọng. Lớn lên trong thân hình thấp bé, nhiều lần Trần Diệu Dung phải chịu sự soi mói, kỳ thị, châm chọc của những người xung quanh. Nhưng không vì thế mà cô chịu đầu hàng số phận. Người khác bỏ sức một thì cô bỏ sức mười. Người khác cố gắng mười thì cô nỗ lực gấp trăm.

Sau bao vùng vẫy, cô cũng vươn lên và tìm được chỗ đứng cho mình với vị trí giám đốc. Định mệnh với chồng cũng là lần Trần Diệu Dung gặp gỡ đối tác trong một mối làm ăn lời lãi. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nghi ngại, đồn thổi cuộc hôn nhân của chàng trai cao 1,78m với cô gái 1,18m có dính líu đến tiền bạc.

Mặc cho những dèm pha bên ngoài, mái ấm nhỏ được Trần Diệu Dung giữ gìn và vun xới. Không lâu sau đám cưới, cô mang thai trong sự bất an của người nhà. Chính vị bác sĩ đã khám thai cho cô cũng khuyên cả hai không nên giữ cái thai lại vì căn bệnh thiếu hormone tăng trưởng của người mẹ sẽ gây cản trở cho sự phát triển của thai nhi, tăng áp lực lên tử cung và xương chậu của người. Không chỉ đe dọa đến thai kỳ là vậy, theo vị bác sĩ này, bệnh của người mẹ còn có thể di truyền sang con, khiến đứa trẻ sinh ra cũng chịu thiệt thòi như mẹ.

Những lời nói có chuyên môn của bác sĩ khiến trái tim người mẹ đang hồ hởi bỗng thành ra nguội lạnh.

Người nhà hai bên ai cũng muốn đình chỉ thai, chỉ duy mỗi Trần Diệu Dung là cứng đầu, nhất định giữ. Thấu hiểu con người quyết đoán của vợ, Chu Vân Thanh từ chỗ xuôi theo ý bác sĩ cũng đành phải “quay xe”, góp công để nuôi dưỡng đứa con trong bụng với điều kiện tốt nhất. Ông bố trẻ tranh làm hết việc nhà, nghe ai bày chỉ thức ăn đồ uống nào bổ dưỡng cũng tìm mang về cho vợ. Trần Diệu Dung an lòng, ở nhà dưỡng thai, đọc sách, học cách nuôi dưỡng một đứa trẻ.

Ngay tuần 37 của thai kỳ, đứa trẻ đạp bụng mẹ đòi ra ngoài. Trải qua bao lo lắng, cuối cùng, “cục bột” khôi ngô nặng 2,5kg đã chào đời. Khó có ngôn từ nào diễn tả hết được niềm hạnh phúc tột cùng trong khoảnh khắc Trần Diệu Dung ôm con vào lòng. Nhưng sau niềm vui to lớn, số phận còn bỏ ngỏ của đứa trẻ vẫn như quả bom trực nổ tung trong lòng Trần Diệu Dung.

Không lúc nào, Trần Diệu Dung thôi lo sợ con có thể sẽ là phiên bản của chính mình. Càng lo lắng, cô càng nỗ lực để chiến thắng cái gọi là số mệnh đã định của con trai mình. Mỗi ngày 3 bữa, tự tay cô chuẩn bị những món ăn dinh dưỡng cho con. Cô khuyến khích con mình tập luyện và vận động điều độ mỗi ngày ngay từ những ngày còn bé. Khi có thời gian, cô lại đưa con đi kiểm tra sức khỏe để chắc chắn đứa trẻ với gương mặt khôi ngô, khí chất sẽ không vì mẹ mà phải mang căn bệnh thiếu hormone tăng trưởng. Nhưng tìm được cho con nền tảng sức khỏe tốt vẫn chưa đủ.

Chu Hồng Dương như con mồi đầy sức hút, trở thành đối tượng bị bạn bè trêu chọc chỉ vì có người mẹ lùn. Nỗi mặc cảm, tự tin dần nhen nhóm và xâm chiếm tâm hồn, khiến đứa trẻ ghét lây luôn cả mẹ mình.

Một lần, Trần Diệu Dung nhận được cuộc hẹn họp phụ huynh của cô giáo. Con trai đã ngay lập tức yêu cầu bố đi thay mẹ. Một cơn sóng cồn nổi lên trong lòng như buốt lạnh, Diệu Dung tinh ý hiểu ngay rằng con trai cô đang phải sống trong những ngày tháng chịu đựng nỗi mặc cảm giày xéo vì ngoại hình của mẹ.

Từng tự thân đi qua những ngày khốn khổ đó, Trần Diệu Dung hiểu được nỗi lòng con. Cô gạt đi tủi buồn, ngồi xuống và mỉm cười nói với con: “Con yên tâm, mẹ tuy nhỏ bé nhưng chuyện gì cũng làm được hết.”

Vào đúng ngày họp phụ huynh, cô đã chủ động xin cô chủ nhiệm sắp xếp một buổi gặp gỡ riêng. Sự chân thành, nhiệt huyết và lời nói có sức truyền tải của cô về tình mẫu tử đã khiến những người có mặt, bao gồm các bạn học cùng lớp của con trai phải thay đổi cái nhìn về cô.

Sự can đảm từ trong trái tim là bài học đầu tiên mà người mẹ như Trần Diệu Dung truyền lại cho con mình. Cô đã bằng hành động rất khôn khéo và tự tin để dạy con phải biết sống mạnh mẽ, dám đối đầu với mọi khen chê của người đời và tin tưởng sâu sắc vào bản thân, mặc kệ những va đập bủa vây bên ngoài.

Từ một cậu bé rụt rè, mặc cảm, Chu Hồng Dương dần bước ra khỏi cái kén ủy mị của chính mình. Cậu ngày càng điềm tĩnh hơn, sống khiêm nhường, điềm nhiên và trên hết, luôn có niềm tin vào bản thân.

Nhờ tinh thần mạnh mẽ, cậu bé tìm được tâm thế vững vàng trong việc tiếp cận kiến thức. Cậu chú tâm vào việc học để khẳng định giá trị của bản thân. Năm 14 tuổi, cậu đỗ vào trường Đại học Giao Thông Tây An, trở thành niềm tự hào của cha mẹ, gia đình hai bên nội ngoại. Vinh quang chờ đợi kẻ tự thân vận động, năm 19 tuổi Chu Hồng Dương tiếp tục trúng học bổng du học Nhật Bản tại ngôi trường danh giá Đại học Waseda và bảo vệ thành công bằng Thạc sĩ.

Ngày con trai đón lấy hào quang của những năm tháng chăm chỉ rèn luyện, Trần Diệu Dung, người mẹ kiên cường và giàu lòng can đảm đã không thể cầm được nước mắt. Cô xúc động nghẹn lời trong lời phát biểu: “Con trai tôi có được chiều cao và học vấn mà cả đời tôi chưa bao giờ có thể đạt được.”

Nụ cười tươi rói như nắng trải đồng mùa gặt, hai mẹ con rảo bước khắp chốn ở Nhật Bản để mừng thành quả. Nếu ngày ấy, người mẹ không hành động, chỉ ngồi chỗ khóc than số phận, không đủ dũng khí dắt tay con băng qua giữa bão cười nhạo cách kiên cường chắc chắn sẽ không thể có được một Chu Hồng Dương tài giỏi của hôm nay.

Câu chuyện về nghị lực đáng khâm phục của người mẹ nhỏ bé và thành công rực rỡ của đứa con cao lớn là một khúc ca rộn rã ngân vang trong bản hòa âm dạt dào về tình mẫu tử dịu êm mà vĩ đại.

SHARE