Cao Chưa Đầy 1m, Nữ giám đốc ngồi xe lăn truyền động lực thay đổi cuộc đời của 1.000 người khuyết tật

43

Từ một vùng quê nghèo của Nghệ An, cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Vân đã vượt qua muôn vàn trở ngại, để có thể ngồi trên chiếc xe lăn của mình, tới hàng chục nước trên thế giới, truyền đi khát vọng, nghị lực sống của người khuyết tật Việt Nam…

Chị Nguyễn Thị Vân. Ảnh: NVCC

15 tuổi thành “cô chủ nhỏ”

Chị Nguyễn Thị Vân (SN 1987, quê ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IMAGTOR, chuyên thiết kế đồ họa, kiêm người đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có người anh trai cũng bị khuyết tật vận động, từ nhỏ chị Vân đã phải chịu nhiều lời gièm pha từ những người xung quanh. Chị kể với chúng tôi về những trải nghiệm đầy bi kịch tuổi thơ của chính mình: “Họ coi tôi là điềm gở, ra đường gặp tôi thì sẽ bị xui xẻo cả ngày. Họ nghĩ rằng người như tôi thì cả cuộc đời này chỉ ăn bám gia đình chứ không nên đi học làm gì”.

Tất cả những lời lẽ cay nghiệt đó đã biến tuổi thơ của chị Vân thành những chuỗi ngày dài tiêu cực. Chị luôn bị xa lánh, kỳ thị dẫu đã cố gắng rất nhiều. Nhà có hai đứa con khuyết tật, đều ngồi xe lăn thì khó khăn trăm bề, những lúc thấy bố mẹ chăm sóc mình và anh trai, trong lòng chị Vân biết ơn vô cùng. Dù vậy chị vẫn hiểu rằng, một ngày nào đó, chị phải tự tìm con đường riêng của chính mình.

Học hết lớp 9, chị Vân quyết định nghỉ học. Chị chuẩn bị hành trang cho hành trình “rời tổ”. Mùa hè năm 15 tuổi có lẽ là thời điểm đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị Nguyễn Thị Vân. Từ huyện Nghi Lộc, chị sang huyện Diễn Châu lập nghiệp với khát vọng phải tự nuôi được mình. Chị nhờ bố mẹ vay mượn tiền bạc và mở một tiệm Internet. Một cô gái 15 tuổi, bị xương thủy tinh và ngồi xe lăn quyết định làm cô chủ nhỏ. Chúng tôi hỏi chị: “Điều gì khiến chị quả quyết đến vậy?”. Những cảm xúc và khát vọng sống mãnh liệt của cô gái 15 tuổi thuở nào vẫn vẹn nguyên: “Tôi muốn tự lập, muốn tự nuôi được chính mình!”.

Có lẽ, không chỉ chị Vân mà cả những người thân của chị cũng có phần bất ngờ. Chỉ sau 3 tháng vận hành, chị Vân đã trả được gần hết tiền vốn mua máy móc. Nhưng điều bất ngờ hơn với chị có lẽ là cuộc gặp thầy hiệu trưởng của trường cấp ba gần quán Internet của chị. Nhiều năm trôi qua nhưng lời đề nghị của thầy hiệu trưởng đã trở thành một phần đặc biệt trong ký ức của chị: “Em nên xem xét việc quay trở lại trường học. Thầy sẽ miễn phí tiền học cho em. Nếu em không đi được thầy sẽ bảo các bạn đến đón em”. Lời đề nghị chân thành của thấy hiệu trưởng đã khiến chị Vân thay đổi. Chị quyết định đi học lại ngay chính tại trường cấp 3 ấy.

Được sự ghi nhận và động viên của thầy giáo, chị Vân như được tiếp thêm cảm hứng. Hết lớp 12, dành dụm được một khoản tiền trong thời gian kinh doanh quán Internet, chị Vân quyết định đi “trải nghiệm cuộc đời”. Đó có lẽ là chuyện bình thường với những người khác, nhưng với một cô gái tật nguyền như chị, hành trình đó ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm.

Vậy là cô gái bé nhỏ trên chiếc xe lăn lên đường đi tìm kiếm sự đổi đời. Đặt chân đến Tiền Giang ở tuổi đôi mươi, chị Vân phải tự mình lo đủ thứ: Nhà cửa, đồ ăn, công việc… Chị ở trong một khu trọ đặc biệt với những phận đời khốn khó. Loay hoay một năm trời ở xứ lạ, chị Vân cảm thấy không phù hợp với mảnh đất này. Chị quyết định lên đường ra Hà Nội với quyết tâm “đánh cược một chuyến xem mình làm đến đâu”.

Thay đổi cuộc đời của 1.000 người khuyết tật

Chị Nguyễn Thị Vân và những học viên khuyết tật của Trung tâm Nghị lực sống.

Một điều mà chị Vân luôn giữ trong suốt các hành trình của mình là: “Không bao giờ được để bố mẹ phải phiền lòng”. Chị sợ phải nói với bố mẹ rằng, cuộc sống của chị giờ đây khổ cực như thế nào. Khi ở nhà, chị được bố mẹ chăm lo, nhưng ra ngoài mọi thứ đều phải tự lập. Năm 2003, chị Vân đặt chân đến Thủ đô, cùng 3 người bạn tật nguyền khác ở trong khu ký túc xá của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trong căn phòng ký túc xá ấy, họ bắt đầu hành trình bám trụ tại Thủ đô. Chị Vân cùng những người bạn của mình làm đủ nghề để có thể sống, từ gõ captcha, bóc băng ghi âm, đến gõ văn bản thuê… Những công việc đó cũng tạm đủ cho tiền thuê trọ của 3 người.

Chị bắt đầu có thu nhập cá nhân nhưng để lo đủ cho cuộc sống của 3 người thì cần phải tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, trên mâm cơm của cả phòng chỉ có đậu phụ sốt cà chua, lạc rang muối và rau muống xào tỏi. Chị Vân tâm sự: “Rau muống xào tỏi, đậu phụ và lạc rang là những món mà đến bây giờ chúng tôi vẫn ám ảnh. Đó là những ngày tháng vô cùng khó khăn, nhưng tôi biết nếu mình không vượt qua thì sẽ không bao giờ thành công cả. Thậm chí, có lúc tôi bị ốm nặng, không dám đi khám vì sợ tốn tiền. Tới khi một người bác đến thăm, bác hứa sẽ không nói cho bố mẹ và trả tiền viện phí, tôi mới dám đi”.

Trải qua vô vàn những khó khăn nhưng chị Vân chưa bao giờ than vãn bởi chị hiểu rằng, chỉ khi mình vượt qua được chính mình thì mình mới có thể truyền đi động lực cho người khác. Vậy là khát vọng phải làm một điều gì đó cho cộng đồng những người khuyết tật như mình lại bừng lên trong chị.

Cuối năm 2007, chị Vân cùng anh trai là Nguyễn Công Hùng – người được phong danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” thành lập Trung tâm Nghị lực sống. Bằng vốn Tiếng Anh và Tin học của mình, chị quyết tâm sẽ cùng anh Hùng hỗ trợ và tìm kiếm công việc cho người khuyết tật. Những ngày đầu thành lập Trung tâm, học viên còn ít, chị Vân và anh trai đã phải xoay xở rất nhiều để có duy trì được Trung tâm. Dù có khó khăn nhưng chị nhất quyết không đi xin các quỹ từ thiện. Chị tâm sự: “Một trong những định kiến gắn liền với người khuyết tật là việc nhận từ thiện. Để phá bỏ định kiến đó, tôi và anh Hùng nhất quyết không đi xin bất cứ khoản nào từ các quỹ. Nếu có các đối tác, chúng tôi sẽ đồng ý”.

Tư tưởng đó xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Trung tâm Nghị lực sống. Người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận tri thức, tham gia vào quá trình xây dựng đất nước. Đó mới là đích đến cuối cùng của chị Vân. Chị hiểu rằng, một vẻ đẹp có ở tất cả người khuyết tật chính là khát vọng sống. Chị tâm sự: “Giúp người khuyết tật có được công ăn việc làm không phải là chuyện khó, nhưng vực dậy được con người phi thường trong họ mới là điều tôi hướng tới”. 13 năm qua, hơn 1.000 học viên khuyết tật đã đổi đời nhờ những khóa học của Trung tâm Nghị lực sống.

Ước mơ thành sự thật

Không dừng lại với những thành quả đạt được, cuối năm 2016, chị Nguyễn Thị Vân mở Công ty IMAGTOR chuyên về thiết kế đồ họa, hình ảnh, video cho các doanh nghiệp nước ngoài. Công ty có 70 nhân viên với hơn 50% là người khuyết tật. Điều đặc biệt mà chị Vân muốn thực hiện tại công ty của mình là tạo nên một môi trường để xóa bỏ mọi khoảng cách giữa người khuyết tật và người bình thường. Công ty do chị Vân lãnh đạo liên tục tăng trưởng trong thời gian qua.

Cũng vào thời điểm này, chị bén duyên với anh Neil Bowden Laurence – một kỹ sư người Úc lớn hơn chị 20 tuổi. Hai người quen nhau qua Facebook. Anh Neil ấn tượng bởi những tấm hình với nụ cười đầy tự tin của chị. Sau một thời gian đồng hành cùng nhau qua những chuyến đi công tác, chị Vân và anh Neil đã kết hôn. Chị chưa từng hỏi anh vì sao anh lại yêu thương một cô gái như chị. Anh không biết tiếng Việt nhưng nói về chị Vân với vẻ đầy tự hào: “Tôi yêu Vân vì vẻ đẹp phát ra từ trái tim của cô ấy”.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, Trung tâm Nghị lực sống cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì việc cắt giảm nguồn hỗ trợ từ các dự án của nước ngoài. Nhiều đối tác của công ty cũng bị ảnh hưởng. Chị Vân cùng các cộng sự đều đồng ý trích quỹ 800 triệu từ sự vận hành của công ty để hỗ trợ cho Nghị lực sống. Chị Vân chia sẻ: “Chúng tôi không muốn chỉ vì ảnh hưởng của đại dịch mà mọi thứ lại phải dừng lại. Dịch bệnh người bình thường đã khó khăn với người khuyết tật lại càng nhân lên gấp bội”.

Vượt qua những khó khăn, chị Nguyễn Thị Vân đã lăn bánh xe đến 13 nước trên thế giới truyền đi động lực vượt khó, nói lên tiếng nói khát vọng của người khuyết tật Việt Nam. Với chị: “Sự khuyết tật về tâm hồn còn đáng sợ hơn sự khuyết tật về thân thể!”.

SHARE