Khi ngồi trên xe lăn để chồng đẩy vào lễ đường, nước mắt Thu Thúy lăn dài trên má vì hạnh phúc này với cô là “như một giấc mơ”.
Trước mặt khách khứa và bố mẹ hai bên, chàng trai Trung Quốc Châu Chấn Kiều cúi người, nắm chặt tay Lê Phạm Hoài Thu Thúy, chậm rãi đọc lời thề bằng tiếng Việt đã học thuộc lòng nhiều đêm trước: “Anh sẽ chăm sóc và yêu thương em suốt đời”.
Sau câu nói đó, cô gái Việt 25 tuổi ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông chính thức trở thành vợ chàng kỹ sư điện 32 tuổi, người tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Thu Thúy và Chấn Kiều ở cửa hàng giày dép của họ tại Đăk Nông, tháng 9/2023. Ảnh nhân vật cung cấp.
Thu Thúy kể, hạnh phúc này quá lớn với cô bởi trước đây từng nghĩ mọi cánh cửa cuộc đời đã bị khép chặt với một người liệt cả tứ chi như mình.
Cuối năm 2017, Thúy bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, cách nhà 5 km. Cô trải qua ba cuộc phẫu thuật, bốn tháng điều trị tại TP HCM, giữ được mạng sống nhưng cả hai tay và hai chân đều liệt hẳn. Giấc mơ học đại học chính thức chấm dứt với cô gái mà mọi sinh hoạt phải nhờ vào bố mẹ. Suốt một năm sau đó, Thúy rơi vào trầm cảm.
Khi sức khỏe và tinh thần ổn định lại, Thúy ngồi xe lăn ngậm bút và tập để có thể thao tác trên điện thoại, bán hàng online. Thi thoảng, trong những buổi livestream của Thúy có nhiều khách hàng Trung Quốc bình luận nên cô tò mò rồi học thử ngôn ngữ này qua các video trên YouTube.
Sau bốn tháng tự học, Thúy tải ứng dụng để tìm người Trung Quốc trò chuyện với mong muốn cải thiện khả năng tiếng Trung của mình. Châu Chấn Kiều là chàng trai đầu tiên bắt chuyện với Thúy bằng tin nhắn chào hỏi. Những cuộc nói chuyện của họ ngày một nhiều hơn, Chấn Kiều kể về cuộc sống của anh ở TP An Sơn, gửi những tấm ảnh ở siêu thị, chỗ làm và chú chó anh nuôi.
Ngược lại với sự cởi mở của Chấn Kiều, Thúy không nói nhiều về mình. “Tôi chỉ muốn tìm người trò chuyện, học ngoại ngữ chứ không nghĩ xa hơn”, cô giải thích. Trong cuộc gọi video đầu tiên, Kiều ngại không dám xoay camera về phía mình còn Thúy cũng chỉ ngồi yên.
Hai tháng sau đó họ duy trì thói quen nói chuyện với nhau hàng ngày. Chấn Kiều sửa từng lỗi phát âm, cách đọc bị ngược cho cô gái Việt Nam. Anh cũng nhiều lần bóng gió về tình cảm của mình với Thúy.
“Em làm bạn gái anh nhé?”, Chấn Kiều ngỏ lời qua tin nhắn vào tháng 6/2021. Thúy thấy lòng mình xốn xang nhưng thực tại bệnh tật khiến cô tỉnh ngộ ngay sau đó. Nhiều ngày liên, Thúy không trả lời Chấn Kiều, lảng đi mỗi khi anh hỏi lại.
Nhưng cô gái Tây Nguyên biết mình không thể im lặng mãi. Cô quyết định nói thật về mình, một người bị liệt tay lẫn chân, muốn ăn uống tắm rửa phải nhờ mẹ bồng bế như đứa trẻ. Thúy nghĩ khi biết chuyện chàng trai Trung Quốc sẽ từ bỏ ý định cưa cẩm.
Trái với tưởng tượng của Thúy, Chấn Kiều bất ngờ nhưng khẳng định chấp nhận hoàn cảnh của cô. “Trong hơn 7 tỷ người, chúng ta tìm được nhau là cái duyên. Anh không muốn bỏ lỡ em”, Kiều giải thích làm Thúy xúc động.
Đầu năm 2019, họ định gặp nhau nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát, những đường biên giới đóng cửa. Dịch bệnh làm Chấn Kiều phải ở nhà, anh chơi game thâu đêm để trôi qua những ngày buồn tẻ trong bốn bức tường. Một lần, Thúy mắc Covid-19 rất mệt nhưng gọi cho bạn trai không được, cô giận. Châu Chấn Kiều cũng dỗi ngược. Thúy nhấn nút hủy kết bạn, không nhắn tin, gọi điện trong nhiều ngày.
Chàng trai bắt đầu lo lắng và lục tung mạng xã hội, tìm được tài khoản Facebook của mẹ Thúy. Anh nhắn tin xin lỗi và mong bà kết nối Thúy giúp mình. Đó là lần duy nhất họ suýt chia tay nhau trong thời gian yêu xa.
Covid-19 qua đi, các đường bay Trung Quốc – Việt Nam được nối lại, Châu Chấn Kiều lập tức xin visa sang thăm bạn gái. Lúc biết chuyện, bố ruột Thúy, ông Lê Văn Tỉnh (63 tuổi) nửa tin nửa ngờ. Ông không tin có chàng trai ngoại quốc dám vượt hàng nghìn km đến Tây Nguyên để gặp đứa con gái liệt của mình.
Một chiều tháng 4/2023, cả nhà Thúy vẫn quyết định đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM đón Kiều. Sân bay đông nghịt người nhưng Thúy nhanh chóng nhận ra Kiều, chàng trai cao 1m84, gương mặt hiền lành.
Suốt 12 ngày ở Việt Nam, gia đình Thúy nhiều lần muốn rủ anh đến các khu du lịch hay cảnh đẹp trong tỉnh nhưng Kiều từ chối, chỉ muốn dành trọn thời gian cho bạn gái. Kiều đẩy xe lăn đưa Thúy ra rẫy cà phê, nấu cho cô món mì xào theo kiểu Liêu Ninh hay ngồi hàng giờ trò chuyện với nhau trước hiên nhà.
Hôm về nước, Kiều bật khóc, động viên bạn gái ráng tập vật lý trị liệu và để lại lời hứa “Anh sẽ quay lại để cưới em”. Ngồi ở phòng chờ sân bay, Chấn Kiều gọi điện cho bố mẹ ở Trung Quốc để nói về dự định hôn nhân.
Bố mẹ Kiều đề nghị kết bạn qua mạng xã hội với cô gái sắp kết hôn với con trai duy nhất của họ. Sự thật thà và lễ phép của Thúy đã khiến bố mẹ Kiều quên đi khiếm khuyết cơ thể của cô. Cuối cùng, ông bà nói với con trai: “Hãy kết hôn với người mà con yêu thương thật lòng”.
Từ khi Kiều về nước, ông Tỉnh hay đi lại trong nhà. Ông giấu sự lo âu nhưng thỉnh thoảng không kìm được, hỏi con gái bạn trai có liên lạc không. Niềm tin của ông chỉ thực sự được củng cố bằng cuộc gọi video giữa hai gia đình vào tháng 8 để bàn chuyện cưới hỏi.
Theo phong tục Trung Quốc, nhà trai hỏi về phần thách cưới của nhà gái nhưng vợ chồng ông Tỉnh nói chỉ cần trầu cau, không cần tiền bạc. Cũng trong cuộc nói chuyện đó, Chấn Kiều xin phép sau khi cưới được ở rể Đăk Nông vì ở đó cuộc sống bình yên chứ không áp lực như ở thành phố quê nhà. Hai gia đình đồng ý.
Lần thứ hai sang Việt Nam, Châu Chấn Kiều đẩy xe lăn đưa bạn gái ra UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông ký giấy đăng ký kết hôn. Ngày 6/8, đôi trẻ làm lễ gia tiên. Mẹ Thúy, bà Phạm Hoàng Trang (50 tuổi) xúc động, nước mắt chảy dài, nắm tay con gái trao lại cho Kiều. Còn chàng rể người Trung Quốc quỳ lạy bố mẹ theo phong tục của người Liêu Ninh, cảm tạ ông bà đã sinh ra vợ mình.
Đám cưới của Thu Thuý và Chấn Kiều ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, tháng 8/2023. Ảnh nhân vật cung cấp.
Từ đó, 6h sáng mỗi ngày, anh đều dậy nấu ăn cho vợ, bế cô đi đánh răng, gội đầu, sấy tóc rồi đặt Thúy vào xe lăn. Họ được bố mẹ cho mượn mặt bằng để mở tiệm bán giày dép.
“Những việc ngày trước của tôi giờ con rể đã giành làm hết”, bà Trang nói. Bà biết chuyện tình của cả hai từ những ngày đầu, lúc Thúy cầm điện thoại trò chuyện với chàng trai người Trung Quốc hàng giờ liền. Bà Trang thương con ốm yếu, chân tay không cử động được, chỉ mong con có thêm niềm vui sống và không dám hy vọng nhiều. Đến khi Kiều ngỏ lời thay bà chăm sóc con gái, bà mới hoàn toàn tin tưởng.
Buổi chiều, Thu Thúy thường được chồng đẩy ra trước hiên nhà hóng gió. Nếu trời mưa làm đoạn đường đất đỏ trước nhà lầy lội, Kiều sẽ đẩy vợ vào trong, họ cùng nhau xem phim đến khi Thúy ngủ thiếp đi.
Châu Chấn Kiều định nghĩa đó là hạnh phúc. “Còn mong gì hơn khi những người yêu nhau được ở bên người mình yêu”, anh nói.