Một nhà văn từng nói: “Sống ở đời, có lúc quả thực cần tới sự thông minh, nhưng cũng không thiếu được những lúc phải tỏ ra hồ đồ.” Đối nhân xử thế, biết cách giả câm giả điếc, biết cách giả ngốc đúng lúc, đó mới là kẻ khôn ngoan đích thực.
“Chu Tử Gia Huấn” có dạy rằng, phàm là chuyện gì cũng nên “tém tém” lại một chút, lúc đắc ý cũng đừng quá huênh hoang, đối nhân xử thế cũng cần có cái độ, đừng dồn ép ai vào đường cùng.
Làm người làm việc, học cách giữ lại một “khoảng trống” thích hợp, không quá “độ”, không quá giới hạn, mới có không gian cho đôi bên cảm thấy thoải mái, mới duy trì được những mối quan hệ xã giao tốt đẹp.
Cũng giống như các cụ nói: Làm người, ba phần say, bảy phần no, tám phần đối đãi, vậy là vừa đủ.
3 phần say
Có người nói, trạng thái uống rượu tuyệt vời nhất, không phải chỉ nhấm nháp một chút, cũng chẳng phải uống say mềm để quên hết sự đời, mà là vừa đủ “3 phần say”.
Trạng thái say mà không say, tỉnh nhưng cũng chẳng phải tỉnh, biến tất cả mọi thứ trở nên mơ hồ và đẹp đẽ, con người cũng trở nên nhẹ nhõm, tự tại.
Uống rượu là vậy, làm người cũng là vậy.
Trong xử thế, đừng quá tính toán so đo, làm vậy sẽ chỉ khiến đôi bên khó xử, biết giả vờ hồ đồ đúng lúc mới là trí tuệ lớn của đời người.
Tăng Quốc Phiên, một Nho gia lỗi lạc thời nhà Thanh của Trung Quốc, sở dĩ có thể thăng quan tiến chức, từ một huyện quan nhỏ nhoi lên tới chức Toàn quyền, đó là bởi ông biết “giả vờ hồ đồ đúng lúc”.
Ông dốc hết sức mình huấn luyện binh mã, chinh chiến tứ phương, nhiều lần mạo hiểm cả tính mạng, bồi dưỡng người tài cho đất nước.
Nhưng sau Thái Bình thiên quốc, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ông lại quy công lao của mình sang cho người khác, chủ động cho giải tán Tương quân (một lực lượng quân đội do ông hết lòng xây dựng).
Người đời đều nói Tăng Quốc Phiên xuẩn ngốc, nhưng chỉ có bản thân ông mới biết rằng chốn quan trường phức tạp, kị nhất là công lao hơn người, phàm là chuyện gì cũng quá ưu tú, khôn ngoan thì cũng sẽ chỉ sớm rước họa vào thân.
Rất nhiều khi, giả vờ hồ đồ, ngốc nghếch một chút, lại là phương thức tốt nhất giúp đạt được mục đích và “bảo vệ bản thân”.
Đối nhân xử thế, không nằm ở việc bạn khôn ngoan tới đâu, quan trọng hơn đó là bạn có biết “giả ngốc” đúng lúc hay không.
Thư pháp gia Vương Hi Chi của Trung Quốc khi còn nhỏ là một cậu bé rất thông minh lanh lợi, rất được lòng tướng quân Vương Đôn, thường được tướng quân cho đi bên cạnh, cùng ăn uống cùng ngủ nghỉ.
Một buổi sáng nọ, Tiền Phụng vào lều của Vương Đôn để thương thảo chuyện binh, nhưng lại hoàn toàn quên mất việc Vương Hi Chi cũng đang ngủ say trong lều.
Được nửa cuộc trò chuyện, Vương Đôn chợt nhớ ra trong lều còn có Vương Hi Chi, ông bèn nói:
“Ta quên mất, Vương Hi Chi còn ở trong lều, có nên thủ tiêu tên nhóc này không?”
Vương Đôn nhẹ nhàng bước về phía giường ngủ, nhưng lại trông thấy Vương Hi Chi đang ngủ rất say, nước dãi nhỏ khắp gối.
Thì ra, cậu bé Vương Hi Chi không chỉ nghe thấy hai người đang bàn việc quân, mà thậm chí còn nghe được việc hai người họ muốn tạo phản, biết rằng họ nhất định sẽ không tha cho mình.
Vì vậy, cậu bé nhanh trí nhổ nước bọt ra gối, rồi úp người giả vờ ngủ tiếp.
Cũng nhờ biết “giả ngốc” đúng lúc mà Vương Hi Chi đã thoát được một kiếp.
Một nhà văn từng nói:
“Sống ở đời, có lúc quả thực cần tới sự thông minh, nhưng cũng không thiếu được những lúc phải tỏ ra hồ đồ.”
Đối nhân xử thế, biết cách giả câm giả điếc, biết cách giả ngốc đúng lúc, đó mới là kẻ khôn ngoan đích thực.
Làm người, không cần quá tinh khôn, 7 phần tỉnh táo, 3 phần hồ đồ, vừa đủ!
7 phần no
Các cụ dặn rằng, ăn cơm 7 phần no, thọ tới già.
Thói quen ăn uống như vậy vừa giúp giảm bớt gánh nặng lao động cho dạ dày, vừa giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Đời người cũng như vậy, duy trì “cảm giác đói khát” thích hợp, đối nhân làm việc biết chừa “khoảng trống”, lợi cả cho bên người, bên ta.
Chừa cho người khác một đường lui, vừa là thành toàn cho họ, cũng là đang âm thầm cứu giúp chính mình.
Thời Xuân thu của Trung Quốc, Sở Trang Vương mở tiệc thiết đãi quần thần, hai người thiếp được ông sủng ái nhất cũng được có mặt tham dự.
Trong yến tiệc, vì uống quá nhiều rượu, một người đã mất tỉnh táo, nhân lúc gió thổi tắt một vài ngọn nến đã làm chuyện thất lễ với phi tử Hứa Cơ của Sở Trang Vương, nhưng đã bị Hứa Cơ kịp thời giật lại được mũ quan của kẻ làm bậy.
Hứa Cơ thầm đem chuyện này bẩm báo lên Sở Trang Vương để tìm ra người đã thất lễ với mình.
Sở Trang Vương sau khi nghe xong, không những không truy cứu mà còn hạ lệnh cho nô tài tắt hết nến, rồi yêu cầu tất cả quần thần tham dự yến tiệc cởi mũ của mình ra.
7 năm sau, Sở Trang Vương dẹp nước Trịnh, một người đã chủ động đứng ra làm tiên phong mở đường, để rồi đánh đâu thắng đó, cuối cùng giúp Sở Trang Vương dẹp được nước Trịnh.
Sau này, khi luận công ban thưởng, Sở Trang Vương mới biết người đó tên Đường Giảo, và cũng chính là người đã làm chuyện thất lễ với phi tần Hứa Cơ năm xưa.
Hành động của ngày hôm nay cũng là để báo đáp ơn tha mạng, không truy cứu của Sở Trang Vương năm đó.
Nhất thời khoan dung độ lượng, Sở Trang Vương không ngờ lại cứu được cả cái mạng của mình.
Một nhà văn từng nói:
“Mọi chuyện trên đời, kị nhất là thập toàn thập mỹ, cứ nhìn mặt trăng mà xem, tròn vành vạnh rồi lập tức sẽ khuyết, quả trên cây cũng vậy, chín rồi sẽ rụng. Phàm là chuyện gì, cũng phải “thiếu chun chút”, mới có thể lâu dài và vĩnh viễn.”
Đối nhân xử thế, luôn sẽ có ngày cần tới sự giúp đỡ của người khác, phàm là chuyện gì cũng chừa cho người khác một đường lui, bản chất cũng là đang cho bản thân không gian để xoay chuyển tình thế.
Đừng việc gì cũng phải làm tới mức cho “ra ngô ra khoai”, ăn nói cũng phải có chừng mực, biết ý, đối đãi với người khác phải đặt hai chữ “rộng lượng” lên đầu, người khác còn đường để đi, còn thể diện để giữ.
8 phần đối đãi
Có câu: “Nhân sinh hữu chỉ, tác nhân hữu độ.”
Người với người giao tiếp với nhau, sợ nhất là không biết chừng mực.
Quá xa lạ, không đem lại cảm giác thân thuộc; quá thân thiết, đôi khi sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu, phiền phức.
Chỉ bằng cách biết “giữ lại khoảng trống” một cách thích hợp, tình cảm mới đi được lâu dài.
Trên mạng có một câu hỏi như này: “Phương thức hủy hoại tình cảm đôi bên nhanh nhất là gì?”
Có một cư dân mạng chia sẻ câu chuyện của mình rằng, anh ấy và một người bạn khác vô cùng thân thiết với nhau, cả hai coi nhau như người nhà.
Trong một lần uống rượu, anh ấy thua trò chơi và bị yêu cầu gọi điện vay tiền bạn.
Anh ấy ngay lập tức nghĩ tới cậu bạn thân, cho rằng cậu bạn nhất định sẽ cho mình vay, rất tự tin gọi điện với giọng điệu ra lệnh, nói cậu bạn chuyển khoản luôn cho mình.
Đối phương cảm thấy không thoải mái, nhưng vì giữ thể diện cho cậu bạn nên đã khéo léo từ chối.
Kể từ đó về sau, vốn dĩ hai huynh đệ tốt, tình cảm cũng dần dần phai nhạt.
Nhà văn Tam Mao từng nói: “Bạn bè với nhau, “chừng mực” là điều không thể thiếu.”
Bất kể là loại tình cảm nào, nếu không biết “chừng mực”, không biết giới hạn của mình ở đâu, sẽ chỉ khiến mọi thứ bị phản tác dụng.
Đối đãi với ai cũng hãy chỉ đối đãi tới 8 phần, 2 phần còn lại giữ lại cho mình, dành cho người khác khoảng không gian riêng tư, cũng là đang cho mình một khoảng trống để thoải mái, không phải suy nghĩ khó xử nhiều.
Tôn trọng lẫn nhau, trân trọng lẫn nhau, mới là trạng thái tốt nhất của một đoạn tình cảm.
Nguồn: Tổng hợp