Chuyện chàng trai bại liệt khởi nghiệp trên xe lăn, thành giám đốc ở tuổi 38: Hoàn cảnh không tạo nên con người

15

Dù bản thân là người khuyết tật, cuộc sống vô vàn khó khăn, nhưng Nguyễn Trung Hậu (38 tuổi) vẫn quyết tâm khởi nghiệp.

Khi mới 5 tuổi, anh Nguyễn Trung Hậu (TP.HCM) không may bị sốt bại liệt. Nằm viện suốt hơn 1 tháng, về nhà, anh Hậu gần như chỉ nằm bất động trên giường. Cũng từ đó, cuộc đời của anh buộc phải gắn chặt với chiếc xe lăn.

Mãi đến năm 8 tuổi, anh mới có thể đi học. Quyết tâm học đến cùng, trong suốt 9 năm liền, anh đều là học sinh giỏi, thậm chí còn đậu trường chuyên. Thế nhưng, do sức khỏe kém, phải nghỉ học liên tục, anh dần tụt lại và phải thôi học.

8x nhớ lại: “Tôi là học sinh ngồi xe lăn duy nhất của trường lúc bấy giờ. Cơ sở vật chất của trường lúc ấy chưa thể giúp một người như tôi có thể hòa nhập”. Thời điểm đó, anh cảm thấy cuộc đời như sa lầy, tăm tối, không có lối thoát. Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi khi anh được gia đình mua cho một chiếc máy tính.

Nhờ có máy tính, anh đã có thể làm quen, kết nối với nhiều người bạn tốt. Khánh Uyên là một trong số đó. Cô bạn lúc bấy giờ là sinh viên trường ĐH Ngoại thương ở quận Bình Thạnh. Trong những lần trò chuyện, Uyên luôn khuyên Hậu học tiếng Anh để phát triển khả năng của bản thân. Nhưng anh lần lữa mãi vì không có tiền.

Để giúp bạn, chị quyết định âm thầm đăng ký khóa học tiếng Anh cho bạn. Đến ngày học, trung tâm gọi điện xác nhận với Hậu khiến anh choáng váng. Biết việc làm tử tế của Uyên, anh không khỏi xúc động. 8x bày tỏ: “Tôi không bao giờ tin có một người dám làm điều đó cho tôi. Uyên giúp tôi tin rằng xã hội này còn có nhiều điều tử tế. Sau này tôi mới biết, Uyên đã giúp người khuyết tật như tôi 1 chiếc cần câu, chứ không phải cho tôi con cá”.

Vừa học tiếng Anh, anh vừa học sửa máy tính từ bạn. Sau 4 tháng, anh đã thành thạo, mỗi ngày thu về cả triệu. Đang kiếm kha khá, anh bất ngờ được bạn rủ rê lên Đà Lạt khởi nghiệp bán cà phê. Dù mẹ can ngăn, chàng trai bại liệt vẫn đồng ý theo bạn, bởi anh khao khát được làm nhiều điều hơn thế.

2 năm ở Đà Lạt, Hậu từ một người gọi điện chăm sóc khách hàng trở thành nhân viên thử nếm cà phê. Giờ đây, anh đang lấn sân sang cả lĩnh vực quản lý nhân sự. 8x chia sẻ: “Hoàn cảnh không tạo nên con người. Mà chính từ nội hàm bên trong mỗi người sẽ tạo nên giá trị của họ. Hành trình bạn đi quan trọng nhất là thái độ bạn chọn, nó sẽ ảnh hưởng tới kết quả của bạn”.

Sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết tâm khởi nghiệp thương hiệu Ngồi Cafe của riêng mình. Anh giải thích: “Sản lượng cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, tại sao người dân phải uống cà phê trộn… Tôi muốn hướng đến sự đơn giản: ngồi để tĩnh lặng, ngồi để bắt đầu một ngày mới…Ra ngồi làm ly cà phê rồi đi cắt cỏ – tiếng gọi nhau của bạn bè rủ cha mỗi sáng khiến tôi nhớ mãi”.

Quán cà phê rộng 40m2 mở ngay trong sân nhà, tiêu tốn gần 500 triệu tiền phốn. Với công thức cà phê rang ủ lạnh cùng sữa ngon lành, anh nhanh chóng thu lời. Thế nhưng, sau đó, một thương hiệu cà phê lớn hơn nhanh chóng vượt qua anh, và rồi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Thời điểm căng thẳng nhất, trong túi chàng trai chỉ còn 7 triệu, với 7 nhân viên phải trả lương. Anh họp bàn, chia sẻ tình hình, đồng ý để họ rời đi, thậm chí sẵn sàng phụ tiền xe. Thế nhưng, tất cả đều quyết tâm ở lại.

Sau dịch, Hậu tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Vẫn là sản xuất, phân phối cà phê nguyên chất và hướng đến xây dựng chuỗi quán. Đồng thời, 8x đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, lựa chọn đội ngũ nhân sự trẻ, năng động. Gặt hái nhiều thành tích, anh được nhiều người nhờ hỗ trợ tư vấn vận hành quán. Thậm chí, câu chuyện khởi nghiệp, vượt lên nghịch cảnh của anh còn gây xúc động, thường được các trường đại học mời giao lưu với sinh viên để chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển – DRD ở TP.HCM cho biết, 13 năm trước, anh Nguyễn Trung Hậu là người được hưởng lợi từ những chương trình của trung tâm nhưng giờ quay ngược lại hỗ trợ người yếu thế. Đầu tháng 5 vừa qua, Ngồi Cafe lấy toàn bộ tiền đấu giá và toàn bộ doanh thu bán sản phẩm trong 5 ngày được gần 30 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật khó khăn tại 3 tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước. Cũng từ đây, 8x quyết định trích 5% doanh thu tất cả các sản phẩm của công ty về sau hỗ trợ người khuyết tật.

                                                                          Theo báo Thanh Niên, báo Dân Trí

SHARE