Khi qua Mỹ, ai cũng nên chuẩn bị tinh thần cho cú sốc văn hóa như con gái về nhà chồng. Tôi đã trải qua các cung bậc cảm xúc của một người gốc Á đi làm sở Mỹ với những khái niệm từ trên trời rớt xuống.
Tôi may mắn làm việc cho nhiều loại hình doanh nghiệp như tư nhân, Mỹ “thuần chủng” và công ty nước ngoài đặt tại Mỹ nên phần nào được hiểu thêm những góc khuất phía sau.
Sếp “linh hoạt” cấn trừ trả tiền lương bằng… kem
Trở lại với ông chủ Tony “béo” ở quán hotdog. Sau hai tuần đầu nhận lương đầy đủ thì đến tuần thứ 3 ông chỉ phát cho tôi… 20 USD vào ngày cuối tuần với lý do quán đang thua lỗ. Đúng là thua lỗ thật (có lẽ vì vậy nên ông mới… dám thuê tôi!) nên ông mắc nợ ngân hàng cả trăm ngàn USD tiền học phí, tiền thuế và hàng vốn kinh doanh. Do đó mỗi lần thu được bao nhiêu tiền cuối ngày là ông hối hả nộp hết vào ngân hàng để gối đầu kinh doanh tiếp.
Thế là sau đó mỗi lần xin tạm ứng ít tiền lương là tôi phải năn nỉ, viện lý do vợ đau con ốm để ông niệm tình phát cho một ít gọi là.
Mùa hè ở Texas nóng như đổ lửa nên ông quyết định “linh hoạt” cấn trừ trả tiền lương của tôi bằng… kem. Giá cho 3 cây là 5 USD nên cuối tuần thay vì được trả 50 USD, tôi được lãnh thùng kem 30 cây kem đủ loại về chất đầy tủ lạnh cho gia đình ăn dần.
Tôi cũng thông cảm thương tình bởi chẳng phải ông muốn quỵt nợ mà thực sự ông đã hết cách.
Cuối cùng dần dần tôi cũng đòi được hết lương bằng cách theo xe ông đi chợ mua đồ ăn cho gia đình. Ông thanh toán bằng thẻ ứng trước cho luôn cả phần gia đình tôi. Sau này thỉnh thoảng tôi mang bia đến nhà ông vừa uống vừa ôn lại chuyện cũ, ông cười hà hà sảng khoái như… không có chuyện gì!
|
Công ty thứ hai là Texas Tech Club thuộc tập đoàn Clubcorp kinh doanh dịch vụ ăn uống cho khách VIP nổi tiếng trên toàn nước Mỹ với những vị trí đắc địa ở các resort hoành tráng, các sân vận động bóng bầu dục của trường đại học lớn hay các sân golf đẳng cấp. Thế nên nhân viên phục vụ ở đây toàn là “trai thanh gái lịch, nhìn phát… mê ngay!”.
Dù được ba đời giám đốc ưu ái giao nhiều việc để tôi chứng tỏ khả năng và là một trong những người làm việc lâu năm ở đây nhưng vị trí của tôi vẫn cứ… tại vị bền vững. Nhìn sang thì ông bạn làm supervisor (trưởng ca) ngày xưa nhảy đi nơi khác một thời gian rồi quay về làm phó giám đốc, các supervisor khác thì nghỉ việc hết ráo trọi chỉ còn lại tôi nhưng chưa bao giờ được họ đưa vào diện “cán bộ quy hoạch”.
Có lẽ một phần do tôi là người nước ngoài duy nhất làm việc tại đó mà giữa “yêu thích” và “cân nhắc” là hai phạm trù khác nhau trong văn hoá doanh nghiệp của người Mỹ.
Hoảng hồn với thăng tiến… ngầm
Cuối cùng là Sodexo, một công ty có trụ sở chính đặt tại nước Pháp thì tôi được “thăng tiến… ngầm”. Nghĩa là phải làm việc như một supervisor nhưng được trả lương như… sinh viên quốc tế bình thường.
|
Dĩ nhiên là tôi không thể phàn nàn khi có rất nhiều người Mỹ đang thất nghiệp đứng đầy đường xin ăn trong khi mình đang chiếm một vị trí công việc của người ta. Thế nên tôi phải phụ trách những ca phải thức dậy sớm hay đi về muộn, một ngày làm liền 3 ca mà mỗi ca chỉ 1-2 tiếng.
Thú vị nhất là được sếp “ưu ái” tăng lương trong năm mới nhưng sau này mới biết là lương tối thiểu của bang cũng tăng lên gần bằng, chỉ cách tầm 10 cent (2.000 đồng) mỗi giờ, thua nhân viên Mỹ mới vào cả 1 USD mỗi giờ. Khi đó tôi mới biết vị của bồ hòn nó ngọt như thế nào!
|
Đồng nghiệp Mỹ của tôi nhiều khi cũng bực mình văng tục như Chí Phèo thời hiện đại. Họ chửi cuộc đời, chửi nhân gian thế thái và cả những đồng lương bạc bẽo mà họ nai lưng ra kiếm được.
Khi đó tôi như hiểu hơn rằng để có những giấc mơ Mỹ, họ cũng đã phải trải qua dăm ba cơn ác mộng trong cuộc đời…
( Thanh Niên )