Việt kiều trăn trở ngày về hưu

32

Chúng ta thường cảm thấy băn khoăn mỗi khi bàn luận chuyện về hưu. Vui hay buồn, sớm hay muộn, thoải mái hay chán nản?

Ảnh minh họa google.

Một người bạn đồng nghiệp sắp về hưu tâm sự rằng: “Về hưu là quãng đời còn lại trước khi qua bên kia thế giới”. Mới nghe xong ta cảm thấy cuộc đời sao thê thảm quá. Đa số bạn bè giờ đây đang ở cái tuổi ngũ tuần, dù muốn hay không chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế để đối phó với việc trọng đại này.

Trái đất vẫn xoay chuyển quanh một quỹ đạo đã định sẵn, chuyện gì tới rồi cũng sẽ tới. Cách hay nhất là tìm tòi, dò dẫm, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để rút kinh nghiệm, hầu tìm ra một hướng đi, một dự tính và chuẩn bị một lối sống mới thích ứng với hoàn cảnh từng cá nhân.

Có nhiều trường hợp và hoàn cảnh thật khác biệt cho từng cặp vợ chồng khi đến tuổi xế chiều. Có những cặp vợ chồng khi về hưu thì con cháu đã thành tài và đang dự tính có cháu nội cháu ngoại để bồng bế. Cũng có những cặp vợ chồng về hưu nhưng con cái đang học đại học, chưa lập gia đình, gánh nặng vẫn còn đè lên hai vai. Ngoài ra cũng có những trường hợp người về hưu nhưng vẫn hiếm hoi, không có con cái để nối dõi, hoặc để phụng dưỡng lúc tuổi già.

Người ta hay nói rằng quá khứ là kỷ niệm, tương lai là phép màu đang ao ước, còn hiện tại là những món quà của cuộc sống. Trẻ con sống cho hiện tại, thanh niên sống cho tương lai trong khi người già hay “hoài cổ” tức thường trở về quá khứ, hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đẹp thuở nào. Cuộc đời mơ rồi thực, rồi nay vẫn còn mơ. Ngày nào đó còn nô đùa tinh nghịch mài đũng quần ở nhà trường, sau đó bận rộn việc thi cử để lo cho tương lai lúc vừa thành niên – mơ có một cái nghề vững chắc để bảo đảm tương lai, rồi có gia đình ấm cúng với con cháu đầy nhà. Nay qua rồi thời gian sống thực, tha hương, khi về già vẫn phải ước mơ còn được quây quần bên con cháu?

Đôi khi quá khứ vẫn là cái gì đó tiềm ẩn trong tan vỡ, nhức nhối và thật khó mà quên. Bởi có nhiều bạn già vẫn còn canh cánh bên lòng những điều chưa thực hiện được cho mình, cho đời và cho con cháu. Có những người rất thích du lịch đó đây để khám phá nhiều văn hóa mới lạ, cũng như tìm hiểu thực tế đời sống trên thế giới. Cũng có người muốn về lại quê cha đất tổ để làm cái gì đó có ích cho quê hương đất nước.

Một nữ tác giả người Mỹ Patricia Schultz có đề nghị chúng ta nên đi du lịch đây đó cho thoả mộng giang hồ trong cuốn sách của cô Xem một ngàn nơi trước khi chết (1.000 places to see before you die). Không biết ước nguyện của con người có khả năng thực hiện nổi như sự đề nghị của nữ tác giả này không. Những điều tưởng chừng bình thường với người này lại là ước mơ cao vời của người khác. Hạnh phúc lắm khi ai đó trong cuối đời có cái may mắn thực hiện được những điều mình mong muốn. Cái tuổi già đang tìm đến và chúng ta cũng nên lo chuẩn bị sắp xếp hành trang để làm một cuộc hành trình dài đến nơi miền đất mới.

Như xuân về hoa nở. Hè oi ả nóng để đón những cơn mưa bất chợt đổ xuống. Rồi cái nóng cũng dịu dần để đón gió thu sang. Cuối thu lá vàng cùng hoa thi nhau rơi rụng, lại chuẩn bị để đón một mùa đông lạnh lẽo sắp đến. Bốn mùa đất trời vẫn hằng xoay chuyển.

Cũng như người xưa thường nói rằng “Sinh Lão Bệnh Tử” là một quy định không thể cãi lại được. Dù sao, trong cuộc hành trình đi đến tuổi già chúng ta nhớ lại ngày xưa cổ nhân thường nói: “Có đi thì có đến”. Nhưng ngồi ngẫm nghĩ lại thì nỗi buồn canh cánh bên lòng. Sự cô đơn lại chế ngự, nhất là sống trên đất nước người mùa đông tuyết phủ đầy sân nhà, lạnh buốt. Con cái thì mỗi đứa một nơi, có đứa ở xa, có đứa thì gần, nhưng đôi khi thấy tựa như dặm đường cách trở. Còn gì buồn tha thiết, còn chăng nước mắt âm thầm rơi, cố gắng sống hết khoảng thời gian cuối cùng đi về vắng vẻ? Có mấy ai còn đủ sức khỏe để đi làm part-time, tìm thêm chút ít lợi tức cá nhân để cuộc sống đỡ vô vị hơn chăng?

Có lần một cô bạn thời trung học tâm sự rằng “Bạch rất quý bạn bè trong tuổi xế chiều. Bạch đang hưởng trợ cấp về hưu. Mất tiền lương nghỉ hưu, Bạch không tiếc, vì mình còn có thể đi làm kiếm sống tạm được, chứ mất một người bạn xem như mình mất đi cái gì rất quý giá mà không thể nào tìm lại được”. Nghe xong những lời tâm sự này chúng ta cảm thấy bùi ngùi cho cuộc sống cô đơn và buồn tẻ lúc xế chiều rất cần bạn bè thân thuộc để trao đổi và tâm sự. Ngày nay ở xã hội mới này, người ta chạy đua với kinh tế và đồng tiền làm chi phối cuộc sống tinh thần, xem nhẹ tình bạn và tình nghĩa… Vì thế tôi cảm thấy rất thấm thía câu nói của cô bạn Bạch này quá.

Nghĩ đến lúc về hưu có những lúc đi về thui thủi một mình thì thật là buồn nản. Bạn bè cũ thì bận rộn việc làm trái với thì giờ rãnh rỗi của mình. Ở gần thì ít, ở xa thì nhiều. Bạn bè để ăn tiệc, để rủ nhau đi chơi thể thao, đi shopping và tán gẫu thì nhiều nhưng bạn thân tri kỷ để chia sẻ niềm vui buồn thì rất ít. Những ngày cuối tuần cố gắng hẹn gặp ở nhà hàng, chỉ có ăn và uống, ngồi bên nhau chừng chốc lát, “nỗi nhà thuở trước, nỗi mình ngày xưa”, hàn huyên được bao lâu. Câu chuyện cũng xoay quanh vấn đề Việt Nam hải ngoại thiếu đoàn kết, chừng nào có party, phải ăn mặc quần áo và trang điểm như thế nào cho sang trọng, chuyện du lịch, chuyện thành công của con cái. Chưa kể nhiều vị rất khoe khoang hay bàn luận vấn đề khủng hoảng kinh tế bên Mỹ, cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia để đánh đuổi Ben Ali rồi cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập lật đổ tổng thống Hosni Mubarak, vụ chống tổng thống Lybia Gadhafi, chiến tranh Iraq. Trên mạng đang có phong trào kêu gọi người dân Việt Nam ủng hộ nạn nhân động đất và sóng thần bên Nhật…

Những cặp vợ chồng có con cái trưởng thành và chuẩn bị có cháu nội cháu ngoại – gần 40 năm trời tha hương, quê hương tôi đã đổi thay biển dâu trong lòng người Việt hải ngoại. Chỉ biết rằng ở đây, trong tấm lòng người xa xứ, luôn mang sự day dứt khôn nguôi.

Những cặp vợ chồng già hạnh phúc thường ít lệ thuộc con cái. Sự lệ thuộc tài chính có lẽ là nỗi cay đắng lớn nhất ở tuổi già. Cũng may mắn ở đây người già có tiền hưu nên cũng ít lệ thuộc nhiều như ở nước ta, khi về hưu là phải nhờ con cái giúp đỡ tiền bạc để sinh sống trong những ngày cuối của cuộc đời. Cố tránh được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu để nhẹ lòng thanh thản.

Vẫn còn có một số ít các gia đình châu Á nói chung, người Việt nói riêng, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”! Tình hình này hiện nay hình như có nhiều thay đổi. Bây giờ tốt hơn hết là con cái đặt đâu cha mẹ nên ngồi yên chỗ! Vì nếu có sự mâu thuẫn con cái sẽ tự động dọn ra ở riêng. Chỉ còn trông cậy những đứa con có hiếu nghĩa, biết ơn, biết kính trọng đấng sinh thành!

Ngày nay con cái ở xứ Tây phương này có vẻ ít quan tâm, ít gần gũi cha mẹ như ngày xưa bên xứ mình. Có thể phần lớn do cuộc sống bề bộn trong thời đại công nghiệp, ai cũng bận rộn đầu tắt mặt tối. Luôn luôn tôn trọng giờ giấc, thường xuyên di chuyển và nhất là phải bám chặt việc làm để đủ trả bills (nợ). Con người có lẽ bị lệ thuộc về vật chất quá nhiều, nhiều khi vì cần giữ ít sĩ diện cá nhân nên cứ đua đòi theo mốt mới, từ cái nhà, cái xe đến nhiều thứ vật dụng lặt vặt trong nhà đều vay nợ mua để cho hợp thời trang, để sánh bằng bạn bè trong cộng đồng.

Ngược lại con cái trưởng thành có những mối lo riêng cho gia đình, nên không còn nhiều thì giờ dành cho cha mẹ già. Do đó những bữa cơm gia đình thân mật, ấm cúng ngày nào còn bé ngày càng hiếm thấy. Tuy nhiên những mâu thuẫn tư tưởng văn hóa ngàn đời của cha ông, nếu có, cũng đành chấp nhận, bởi đây là xứ của tự do bình đẳng. Vì thế cha mẹ già sống lệ thuộc con cái mà vẫn muốn giữ nề nếp như ngày xưa thì thật sự khó khăn, sẽ dễ tủi thân, sẽ dễ khổ sở vì những sự đổi thay. Chúng ta nên tỉnh táo để nhận thức được điều này và điều chỉnh kịp thời, cha mẹ già sẽ có thể trở thành bạn của con, để biết nhu cầu, để gần gũi và giúp đỡ con – vì cha mẹ đã trải nhiều kinh nghiệm… làm con!

Người già ở chung với quan hệ tốt, gần gũi nhiều với cháu, vui đùa cùng cháu, một già đôi trẻ có nhiều thì giờ chăm chút nhau  đồng thời cũng có nhiều cơ hội để luyện tập trau dồi thêm cho các cháu ngôn ngữ của dân tộc mình. Người già cũng giúp cha mẹ dạy dỗ cháu, kể chuyện cổ tích cho cháu nghe và cảm thấy vui khi nhìn lại hình ảnh những đứa con mình sống động qua các cháu. Đôi khi cần phải hiểu và cần thêm tấm lòng rộng lượng về phần cha mẹ, cũng như cần thêm sự cảm thông, sự nhân nhượng, sự quan tâm, ân cần chăm chút của con cái trong vài sở thích của cha mẹ. Tuy nhiên ông bà cũng cần thống nhất với cha mẹ trong việc dạy dỗ các cháu. Các con của chúng ta đã ảnh hưởng rất nhiều trong nền văn hóa của nước ngoài, “thương con nhưng không quá chiều chuộng con cái như chúng ta ngày xưa, mục đích là để tập cho các cháu tinh thần tự lập là chính”. Đây cũng là một mâu thuẫn trong hai thế hệ.

Cô bạn Thanh của tôi nay đang về hưu, ở nhà giữ cháu để con mình an tâm đi làm đã nói: “Khi có cháu rồi mới biết, thương cháu lắm, đôi khi còn giận con mình vì đã quá nghiêm khắc với cháu của mình đấy”.

Theo VnExpress

SHARE