Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi các hướng dẫn chống lũ, khuyến khích giải pháp dựa trên tự nhiên.
Mùa hè này, những cơn mưa xối xả đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc, khiến hơn 100 người thiệt mạng, khiến 1,7 triệu người phải di dời và làm tổn thất trực tiếp hơn 61,8 tỷ nhân dân tệ (8,8 tỷ USD). Ở nhiều thành phố dọc theo sông Dương Tử, những ngôi nhà bị ngập nước, ô tô bị cuốn phăng và những cây cầu đã bị đổ sập.
Chống lũ lụt ở Trung Quốc vốn được xây dựng như những câu chuyện về người anh hùng chiến thắng thiên nhiên qua nhiều tác phẩm văn học và lịch sử Trung Quốc từ trước đến nay. Phản ứng truyền thống của Trung Quốc đối với lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác là, “Hãy làm cho ngọn núi cao phải cúi đầu; làm cho sông phải đổi dòng”.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát lũ lụt bằng các dự án kỹ thuật như đập và xây dựng đê. Gần 34.000 km đê đã được xây dựng dọc theo sông Dương Tử. Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 24 tỷ USD vào thời điểm đó) và được xây dựng trong 12 năm, chủ yếu để kiểm soát lũ lụt.
Dự án này đặc biệt gây tranh cãi này được hoàn thành năm 2006, di dời 1,4 triệu người. Các quan chức và chuyên gia hy vọng nó sẽ có thể ngăn được những trận lụt tồi tệ nhất.
Tuy nhiên, sự tự tin này đã giảm đi. Lưu vực sông Dương Tử vẫn phải đối mặt với thiệt hại thường xuyên và dòng sông tiếp tục là nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong cả nước.
Vì vậy, trong Chương trình biến đổi khí hậu quốc gia do Hội đồng Nhà nước công bố năm 2007, Trung Quốc thừa nhận những thách thức ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đặt ra và nói rằng nước này nên theo đuổi sự phát triển bền vững. Các phương pháp kiểm soát lũ của Trung Quốc đã chuyển sang các giải pháp dựa trên thiên nhiên hơn, như khôi phục đồng bằng lũ để giữ nước lũ.
Trung Quốc đã tăng cường giám sát thủy văn, chẳng hạn như thu thập dữ liệu dòng chảy để dự báo điều kiện dòng chảy và đánh giá nguồn nước. Những nỗ lực này đã giúp nước này ứng phó nhanh hơn với thảm họa và giảm thiểu thiệt hại.
Trung Quốc cũng đã khôi phục hàng ngàn km2 vùng đồng bằng ngập lũ và chi hàng trăm tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho việc trồng cây và tránh phá hủy nông nghiệp ở vùng núi. Năm 2015, Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến thành phố bọt biển, với mục tiêu có 80% đất đô thị có khả năng hấp thụ hoặc tái sử dụng 70% nước mưa. Các biện pháp của thành phố bọt biển bao gồm các mái nhà phủ thực vật, vùng đất ngập nước để lưu trữ nước mưa.
Liu Junyan, nhà hoạt động về khí hậu và năng lượng tại Greenpeace East Asia, cho biết mặc dù chính phủ Trung Quốc đã xác định biến đổi khí hậu là mối đe dọa và đã đưa ra các hướng dẫn chung về cách ứng phó, để biến các hướng dẫn này thành các hoạt động hàng ngày vẫn là một thách thức.
Trong những năm gần đây, lũ lụt cũng xảy ra thường xuyên hơn ở các vùng có khí hậu khô truyền thống, do đó, chính phủ đòi hỏi phải chuẩn bị không chỉ theo kinh nghiệm trong quá khứ, mà còn phải dự trù được các kiểu thời tiết trong tương lai, Liu nói thêm.