Bạn Mỹ, bạn Việt

108

Nói về tình bạn, một tác giả vô danh viết: “Đời sống giống như một khu vườn và tình bạn giống như những đóa hoa được nở ra một cách xinh đẹp nhờ ánh sáng mặt trời và làn nước tươi mát. Cũng giống như những bông hoa trong khu vườn, nếu được vun xới và chăm sóc kỹ lưỡng, tình bạn sẽ lớn dậy một cách tươi đẹp. Và nếu hạt giống của tình bạn được trồng xuống thật sâu bằng sự thành thật, và bằng sự trân trọng, lẫn sự đồng cảm, nó sẽ nở ra Đóa Hoa Tình Bạn Bất Tử.”

Giữa bao nhiêu đề tài muốn viết nhân dịp đón chào Xuân đến, tôi chọn tình bạn để xưng tụng, dựa trên những suy nghĩ và kinh nghiệm cá nhân của mình, bởi vì tôi không bao giờ tưởng tượng được một đời sống không có bạn. Thiếu bạn, bức tranh cuộc đời sẽ không toàn bích được. Và một đời sống thiếu bạn chắc hẳn phải cô đơn và rất buồn.

Bạn có đồng ý là cho dù có thật nhiều tiền hay quyền uy đi nữa, người ta cũng không thể mua được tình bạn? Người bạn thân là một phần đời sống mà chúng ta có được ngày nay, là một mẩu hình (puzzle) trong cái tấm hình lắp ráp, tạo nên cuộc đời của một người.

Tôi nhìn thấy sự cần thiết của việc trân quý tình bạn và những người bạn thân thiết mà mình đã may mắn có được trong đời sống.

Người Việt mình khi định cư ở quê hương thứ hai thường tổ chức những cuộc họp mặt, và vào dịp Tết, thì lại càng “trăm hoa đua nở.” Hết tiệc Tất Niên rồi đến Tân Niên, hết họp nhóm nhỏ, rồi đến nhóm lớn. Bởi vì bên cạnh bạn cùng lớp, cùng trường, còn có bạn đồng nghiệp, rồi bạn đồng hương và bạn đồng binh chủng nếu đi lính.

Đến Mỹ định cư và đi làm, lại còn có thêm bạn đồng nghiệp nữa.

Danh sách của bạn bè tùy môi trường sinh hoạt, có thể trở nên rất dài. Thế nhưng, trong số bao nhiêu cuộc gặp gỡ ấy, chúng ta có được mấy người bạn thâm giao? Và dĩ nhiên, việc chọn lựa này sẽ rất khác nhau tùy quan niệm của mỗi người.

Đối với riêng tôi thì càng về già, thời gian và sức khỏe khiến cho tôi ở trong số người tự thu nhỏ sự giao thiệp của mình trong vòng giữa những người bạn thân tình mà thôi.

Tôi vẫn thường nghe nhiều người Việt mình ca tụng về tình bạn của người Việt với nhau, và họ nói rằng không thể tìm thấy tình bạn này ở những người Mỹ.

Phần tôi thì may mắn là có được cả bạn Việt lẫn Mỹ, đều là những  người bạn tốt, thương mến tôi và ngược lại. Nhờ vậy, tôi thấy nếu một người không cùng chủng tộc và văn hóa, ngay cả ngôn ngữ cũng khác, nhưng dành cho mình một tình bạn bền vững với nhiều thương yêu, tha thứ, rộng lượng, hỗ trợ, thông cảm thì hãy nhận lấy, vì như vậy, mình được may mắn và trở nên giàu có hơn.

Trở lại trường hợp của tôi thì dĩ nhiên, cũng như những người Việt Nam khác, tôi có một số bạn thân từ thời học trung học. Rồi khi đi làm Đài Phát Thanh Quân Đội và Đài Sài Gòn lại có thêm một, hai người bạn thân nữa.

Chúng tôi rời Việt Nam vào các thời điểm và bằng các phương cách khác nhau: người thì ra đi rất sớm trước ngày 30 Tháng Tư, 1975; người thì được anh em bảo lãnh; người thì đi vượt biên, nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được nhau trên đất Mỹ.

Nói chung, bạn bè từ Việt Nam đến của tôi, tên nào cũng làm việc cực khổ, chứ không phải hưởng trợ cấp xã hội dài dài như một số người Việt Nam khác. Có cô làm nghề cắt tóc gần 40 năm nay nhưng vẫn chưa chịu về hưu, và là người giữ cho tôi có mái tóc hợp thời trang và gọn ghẽ. Cô khác cắp sách đi học lại rồi trở thành giáo sư đại học, cô nữa ra luật sư, cô khác thành công trong lãnh vực truyền thông.

Thế nhưng dù giàu có hay đủ sống, chúng tôi vẫn đối xử với nhau bằng tình bạn cũ của tuổi 18, 20.

Tôi có một cô bạn thân khác cùng học báo chí ở Đại Học Vạn Hạnh, vừa qua đời. Tôi tha thiết tiếc nhớ cô ấy, chỉ vì sống trong thế kỷ thứ 21, vậy mà bao giờ cô bạn tên MT, cũng gửi cho tôi những lá thư dài viết tay. Bên cạnh đó, dịp lễ lạc hay sinh nhật, tôi đều nhận những tấm thiệp đầy tràn chữ viết tay của cô với bao nhiêu lời thăm hỏi trìu mến.

Gần sáu năm trước đây, MT từ Virginia xuống thăm tôi với dự định sẽ được thư giãn và vui chơi trong kỳ nghỉ phép nhưng lại bất ngờ trở thành người an ủi, vỗ về tôi vì tôi mới trở thành góa phụ chỉ một tuần lễ trước đó.

Đối với tôi, bạn cũ là người cùng chúng ta đi qua cuốn sách của kỷ niệm. Là người nhắc chúng ta nhớ lại những mơ mộng của tuổi trẻ, là người có đôi vai cứng cỏi để chúng ta dựa vào khi cần được khóc, Là người nâng niu chúng ta, nhưng không ngần ngại nói những câu rất thật để chúng ta vỡ óc ra mà nhìn thấy mặt trái của cuộc đời. Là người luôn thấy được khả năng riêng biệt của chúng ta, bất cứ ở trong hòan cảnh nào.

Và tôi trân quý tình bạn đó biết bao.

Người Hoa Kỳ có một câu trong bài hát về tình bạn: “Hãy có bạn mới, nhưng nhớ giữ người bạn cũ bởi vì bạn cũ ví như vàng, mà bạn mới chỉ là bạc.”

Đối với tôi, vàng bạc không thể ví với tình bạn được, dù mới hay cũ.

Trong hơn 30 năm trở lại, tôi có dịp làm quen với một vài bạn mới người Việt Nam qua công việc ở Hoa Kỳ.

Đó là những phụ nữ vững mạnh về tinh thần mà tôi ngưỡng phục. Thí dụ như câu chuyện của chị LC hơn 20 năm trước. Với hai đứa con dại trong tuổi vị thành niên, dù được bảo lãnh qua Mỹ nhưng chị trở thành độc thân ngay sau khi bước chân xuống phi trường. Năm ngày sau, chị ấy đã phải đi làm thư ký cho hai, ba văn phòng người Việt khác nhau dù chỉ được trả lương có $5/giờ và bị bóc lột sức lao động đến tận cùng. Tuy nhiên ít ra cuối cùng, chị LC cũng tìm được một công việc khá hơn ở nhà băng để làm cho đến khi về hưu và hiện nay chị đang sống hạnh phúc trong những ngày tháng còn lại.

Nhớ đến khi gặp chị lần đầu tiên vào một buổi thuyết trình về Medicare. Tôi đang nhìn xuống người tham dự thì bắt gặp một gương mặt đẹp, phúc hâu lắng nghe tôi nói, miệng thì tủm tỉm cười làm tôi thấy lên tinh thần. Sau đó, tôi giúp chị về Medicare và trở thành bạn thân vì hợp nhau nhiều chuyện.

Tôi phục ý chí vượt qua trở ngại của chị, sư chu đáo, khéo léo khi nói chuyện cũng như khi làm việc. Cũng như luôn sẵn sáng đưa tai cho tôi kể lể.

Người bạn thứ hai mà tôi muốn viết về là VA. Tôi gặp cô ấy ở Sở Xã Hội khi sở làm cũ của tôi ký hợp đồng với Sở Xã Hội trong việc giới thiệu người giữ trẻ có giấy phép hành nghề cho người lãnh welfare.

Sở Xã Hội cấp cho tôi một văn phòng ngay tại địa điểm của họ và VA với tôi phải gặp nhau hằng ngày để trao đổi chuyện của khách hàng. VA mang đến cho tôi một tình bạn tươi vui vì chúng tôi đều thích cười giỡn. Hai đứa đều có con trai và gái cùng tuổi nên hay chia sẻ, than thở với nhau chuyện nuôi dạy con cái, tâm sự chuyện gia đình để hỗ trợ tinh thần nhau. Chúng tôi có thể nói chuyện trên điện thọai hàng giờ không thể dứt từ chuyện chồng con đến chuyện thời trang.

Thế rồi 15 năm trước đây, VA trải qua chứng bệnh ung thư. Khi VA mới vừa hồi phục thì người bạn đời lại bị vướng một loại ung thư, bên cạnh việc mất dần thị giác.

Cách đây vài tháng, anh ấy cũng ra đi sau sáu năm dài chống cự với căn bệnh và với bao nhiêu săn sóc, hy sinh của VA. Sư can đảm đối diện với bệnh tật và cái chết nhưng vẫn giữ được một tinh thần lạc quan cho dù tương đối, nụ cười của cô bạn tôi luôn là tấm gương khiến tôi thấy mình phải mạnh mẽ hơn mỗi khi đương đầu với những điều bất như ý trong đời sống

Nói về bạn Mỹ, khi đi làm nghề móng tay cách đây 25 năm ở San Diego, Califonia, các cô đồng nghiệp cắt tóc người Mỹ và hai bà khách hàng Mỹ đã trở thành bạn, nếu không muốn nói là ân nhân của tôi.

Bà M. và J. ban phát cho tôi một tình bạn vô điều kiện khi đã thay phiên nhau đưa đón ba đứa con tôi ở ba ngôi trường khác nhau trong suốt thời gian hai tháng tôi ở nhà dưỡng bệnh sau khi tôi bị mổ lưng do xương sống bị lệch khiến tôi đau lưng triền miên.

Cho đến nay, tôi vẫn còn giữ liên lạc với các ân nhân này qua điện thoại hay trao đổi thiệp Giáng Sinh. Một số đã ra đi về cõi khác.

Đến khi dọn về Orange County, California, để sống, số bạn Mỹ của tôi lại xuất hiện trong một một môi trường khác, phần lớn làm việc trong các cơ quan thiện nguyện, vô vụ lợi.

Đó là những người sống với lý tưởng phục vụ xã hội mà không màng danh lợi.

Hồi tôi mới vào làm trong cơ quan Council On Aging, nhân viên chỉ khoảng chừng 20 người mà có đến ba người tốt nghiệp từ trường Luật. Các nhân viên khác phần lớn đều có bằng tiến sĩ và phần lớn chuyện ngành lão khoa (gerontology).

Bà JL từng là manager của chương trình HICAP, đã và hiện tiếp tục là giáo sư ở đại học California State University Fullerton. Cô JS, một luật sư hiện làm cho một chương trình phục vụ người cao niên của trường đại hoc University of California, Los Angeles (UCLA). Bà KW là giám đốc của chương trình Ombudsman, tranh đấu và bảo vệ cho cư dân ở nhà dưỡng lão.

Vấn đề đáng nói ở đây vì họ là những người Mỹ có trình độ học vấn cao nhưng thật bình thường và giản dị.

Khi biết tôi là người tị nạn, vượt biển tìm tự do, bên cạnh câu chuyện bị giam cầm tù đày của chồng tôi trong trại tù Cộng Sản, các bà ấy nói là họ may mắn được làm việc chung và trở thành bạn với tôi nhờ đó, cái nhìn của họ rõ ràng hơn về cuộc chiến Việt Nam và sự tham dự của Mỹ, cũng như kính trọng người di dân hơn.

Từ những người bạn Mỹ này, tôi biết được sự gắn bó của tình gia đình của họ cũng không khác người Việt mình là bao nhiêu. Nhờ họ, tôi hiểu thêm được quan niệm của người Mỹ về đời sống từ văn hóa, xã hội cho đến chính trị ở Hoa Kỳ (may thay, vì cùng làm việc cho cơ quan xã hội , thế nên quan điểm chính trị và xã hội của chúng tôi giống nhau, không bao giờ cãi nhau cả!).

Bà TH làm tôi chảy nước mắt khi đọc lá thư của con trai bà gởi em gái của câu ta trong ngày đám cưới, nói về tình thương giữa hai anh em.

Bà MO cười vui với tôi khi tôi trở thành bà ngoại lần đầu tiên. Sau đó, tôi cầm tay bà khóc khi bà ấy được tin đứa cháu ngoại thứ nhất của bà mất trong bụng mẹ.

Tôi cũng còn có cơ duyên làm bạn với những người bạn trẻ, cả Việt lẫn Mỹ nhỏ hơn tôi cả 10, 15 tuổi và nhờ họ, tôi học hỏi và hiểu thêm về cách suy nghĩ, những chọn lựa, tình cảm của thế hệ sau mình và cảm thấy dễ thông cảm với con cháu của chính mình hơn.

Những người bạn Mỹ và tôi lớn lên ở cùng một thời gian nhưng ở hai quốc gia khác nhau vời hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau. Nước Mỹ thì quá văn minh và giàu có, lại được thấm nhuần tư tưởng tự do nên cái nhìn của những người bạn Mỹ rất khác người Việt. Thế nhưng, tôi tìm được ở các người bạn Mỹ sự thành thật và rộng lượng.

Với một tai ương nào đó trong đời sống, chúng ta sẽ được an ủi biết là dường nào nếu có bạn để chia sẻ, dù Mỹ hay Việt.

Sau một biến cố xảy ra và qua đi, thường chúng ta nhớ cái gì nhất? Có phải chúng ta nhớ về những người bạn đã đến bên cạnh, không phải do lời nài nỉ, mà tự họ đến với lòng yêu thương và trái tim ân cần, giản dị thế thôi của họ?

Khi một người bạn cần đến chúng ta, có phải chúng ta thường tự hỏi: “Mình làm như thế đã đủ chưa, có giúp gì được bạn mình không?” Câu trả lời của những người được bạn giúp đỡ là “Sự có mặt bên cạnh của họ thật là tuyệt vời!”

Những người bạn đã từng can qua cảnh khổ và can đảm vượt thắng được, thường biết lúc nào họ nên đưa tay ra cho người khác nắm lấy bởi vì họ có sự đồng cảm.

 

SHARE