Nhiều người cho rằng, trung thực là chịu thiệt, nhất là trong kinh doanh. Thế nhưng, từ xưa các cụ đã tin rằng, thành thật tưởng chịu thiệt hóa ra hưởng lợ
Có một câu chuyện rằng, ở trên phố Nam tại huyện nọ, có hai hiệu buôn gạo đối diện nhau. Một hiệu tên là Phong Dụ, hiệu kia tên là Vĩnh Xương. Ông chủ hiệu buôn gạo Phong Dụ thấy thời buổi chiến tranh loạn lạc khó làm ăn, nên mới nghĩ ra sáng kiến kiếm thêm tiền.
Một ngày nọ, ông mời về một vị bậc thầy chuyên về cân lượng tới nhà, nói rằng: “Phiền thầy chỉnh lại vạch cân sao cho 1 cân là 15 lạng rưỡi, tôi sẽ đưa ngài 1 xâu tiền”. Khi ấy, 1 cân tính là 16 lạng, còn nửa cân là 8 lạng, nên mới có câu nói “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Người làm cân kia thấy vậy liền đồng ý ngay, không ngần ngại gì nhận tiền và chỉnh cân ở trong sân.
Trên phố Nam tại huyện nọ, có hai hiệu buôn gạo đối diện nhau. Một hiệu tên là Phong Dụ, hiệu kia là Vĩnh Xương
Được biết, ông chủ hiệu buôn gạo có 4 người con trai, các con ông đều phụ giúp ông trông coi cửa hàng. Cách đó vài tháng, con trai út của ông chủ cưới vợ, cô vốn là con gái của một thầy giáo trường tư thục. Cô con dâu mới đang thuê thùa trong phòng, vô tình nghe được cha chồng nói với người làm cân.
Sau khi cha chồng ra ngoài, cô trầm ngâm suy nghĩ, đoạn tới gần bậc thầy cân lượng mà nói rằng: “Cha tôi già rồi nên có chút hồ đồ lẩm cẩm, lúc nãy nói nhầm vậy. Xin ngài hãy chỉnh 1 cân thành 16 lạng rưỡi, tôi sẽ gửi thêm cho ngài 2 xâu tiền nữa. Thế nhưng ngài đừng để cha tôi biết chuyện nhé”. Người làm cân kia thấy có thêm tiền thì chẳng dại gì mà không đồng ý, cũng giữ lời hứa không kể gì với người cha. Và thế là chiếc cân với định lượng 1 cân bằng 16 lạng rưỡi được ông chủ tiệm Phong Dụ tin tưởng đem ra cân đo đong đếm.
Bất ngờ thay, sau một thời gian việc kinh doanh của tiệm buôn gạo Phong Dụ bỗng phát đạt hẳn. Ngay cả khách quen ở bên tiệm Vĩnh Xương cũng ùn ùn kéo đến, chưa kế người ở các khu phố khác cũng kéo tới tìm tiệm mua gạo. Lúc này, tiệm bán gạo Vĩnh Xương ngay đối diện vô cùng vắng vẻ, phải nói hàng ế tồn kho nhiều không kể xiết. Đến hết năm, do làm ăn thua lỗ, chủ hiệu Vĩnh Xương đành phải đóng cửa hàng, sang nhượng lại cho ông chủ Phong Dụ.
Đêm giao thừa năm ấy, cả gia đình ông chủ Phong Dụ cùng quây quần bên nhau ăn sủi cảo. Ông chủ hiệu cao hứng đố mọi người rằng, xem ai có thể đoán đúng bí mật khiến mình phát tài. Lúc bấy giờ, người thì nói rằng ông chủ gặp may, có người nói rằng ông chủ quản lý tốt, lại có kẻ nói rằng hẳn là do ông Trời phù hộ.
Lúc bấy giờ, ông chủ mới nói rằng: “Ai cũng nói sai rồi! Tôi đã dựa vào cái cân để phát tài đấy. Cái cân đã được chỉnh là 1 cân 15 lạng rưỡi, cứ 1 cân gạo bán ra thì thiếu đi nửa lạng. Cứ thế, mỗi ngày bán vài trăm cân thì kiếm thêm vài trăm quan tiền, ngày ngày tích lũy thì hẳn nhiên sẽ phát tài rồi”. Đoạn ông kể chuyện thuê người làm cân chỉnh lại cân đong với 1 xâu tiền.
Con cháu ông chủ Phong Dụ nghe xong vô cùng ngạc nhiên, rồi ai nấy đều nói ông cao minh biết mấy. Cứ thế mà âm thầm kiếm tiền, chẳng hề lộ ra, ngay cả người nhà cũng không biết. Ông chủ nghe vậy vô cùng đắc ý, nhàn nhã vuốt râu cười. Đến lúc này, cô con dâu út mới đứng dậy và thưa rằng: “Con có chuyện muốn nói với cha, nhưng cha phải hứa sẽ tha lỗi cho con”. Sau khi được cha chồng chấp thuận, cô mới kể lại chuyện đã thêm 2 xâu tiền để sửa từ 1 cân thành 16 lạng rưỡi.
Dù mỗi cân gạo lãi ít đi một chút, nhưng tiếng lành đồn xa nên ngày càng nhiều người tới mua. Sau cùng, chúng ta đã dựa vào sự thành thật mà phát tài
Cô nói: “Cha nói đúng, chúng ta kiếm tiền từ cái cân. Nhưng cân của chúng ta nhiều hơn nửa lạng, khách hàng mua gạo về tất nhiên cũng sẽ biết. Họ nghĩ rằng tiệm buôn gạo chúng ta thật thà, ngay cả khi thời buổi khó khăn kinh doanh vẫn bán thừa gạo. Dù mỗi cân gạo lãi ít đi một chút, nhưng tiếng lành đồn xa nên ngày càng nhiều người tới mua. Sau cùng, chúng ta đã dựa vào sự thành thật mà phát tài ạ”.
Mọi người nghe xong càng kinh ngạc, không ai nói được lời nào. Ông chủ tiệm Phong Dụ nghe xong không tin vào tai mình, bèn lấy cái cân bán gạo kia ra kiểm tra – quả thực là 1 cân 16 lạng rưỡi. Ông thấy vậy liền lặng cả người, không nói một lời nào chỉ chậm rãi đi vào phòng ngủ.
Sáng hôm sau, ngay khi cả nhà dùng bữa sáng đầu năm, ông chủ tiệm buôn gạo mới tập hợp gia đình lại. Ông tháo chìa khóa cửa hàng ra khỏi dây thắt lưng, giơ lên mà nói: “Ta già rồi, lẩm cẩm vô dụng rồi. Ta đã nghĩ suốt cả đêm qua, nay quyết định giao lại chìa khóa cửa hàng cho con dâu thứ tư quản lý. Từ nay về sau mọi người nhất định phải nghe lời cô ấy đấy!”.
Thành thật là điều tốt, nhất là trong kinh doanh thì phải trung thực, đề cao chữ tín, đừng vì hám lợi mà lừa lọc khách hàng. Chịu thiệt một chút không sao, quan trọng là về lâu về dài tạo dựng lòng tin vững chãi. Vậy mới nói, thành thật là bí quyết kinh doanh đắt giá của người xưa, cứ tưởng chịu thiệt hóa ra hưởng lợi lâu dài.