“Bậc thầy bán hàng” Zig Ziglar từng nói: “Hãy đi xa hết tầm mắt, bạn có thể nhìn thấy xa hơn”. Không gì mở mang trí tuệ bằng mở rộng tầm nhìn để dấn thân ra thế giới rộng lớn.
Benedict Cumberbatch – diễn viên gạo cội người Anh từng nói: “Cuộc sống thường ngày của chúng ta quá thế tục, chúng ta thường bị cuốn theo điều lập tức ngay trước mắt và thường không nhìn xa hơn thế”.
Thứ duy nhất giúp một người thoát khỏi lối mòn tầm thường và tạo nên bước đột phá trên vạn nẻo đường đời chính là nuôi dưỡng tầm nhìn của mình.
Tầm nhìn hạn hẹp đè bẹp tư duy
“Tầm nhìn là nghệ thuật thấy được những gì với người khác là vô hình”, Jonathan Swift.
Người đứng ở tầng 2 chỉ thấy lá rụng, nhưng đứng ở tầng 72 sẽ thấy cả mây xanh, thấy những cảnh sắc hùng vĩ của thành phố dưới chân. Vị trí và độ cao khác nhau, quan điểm và hành động sẽ khác nhau, thành tựu cũng vì thế thay đổi.
Ếch ở đáy giếng thấy bầu trời chỉ bằng miệng giếng, còn với đại bàng bầu trời là vũ trụ bao la. Người chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng không làm sao hiểu được thế giới ngoài kia rộng lớn và hùng vĩ thế nào.
Trong bộ phim hoạt hình Rio, chú vẹt Blu bị buôn lậu và được một cô gái tốt bụng nhận nuôi từ khi còn rất nhỏ. Tuy Blu rất thông minh, có thể hiểu tiếng người, nhưng cậu lại không biết bay. Cuộc sống được bảo bọc nhiều năm bên cạnh con người đã làm mờ đi bản năng sinh tồn căn bản của một chú vẹt xanh vốn thuộc về núi rừng Nam Mỹ.
Chỉ đến khi được đưa đến Rio de Janeiro, lúc khao khát muốn cứu nàng vẹt Jewel đang “thập tử nhất sinh” thì cậu mới tìm lại được khả năng này.
Ở một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống, ta có thể nhìn thấy chính mình trong hình ảnh chú vẹt Blu, khi mà ta bị cuốn vào những việc không tên đầy bộn bề, vụn vặt trước mắt mà quên ngẩng đầu nhìn bao quát cuộc sống xung quanh, hiện tại của mình. Để rồi lạc lối trong mớ hỗn độn, đánh mất mục tiêu ban đầu.
Tầm nhìn được ví như ngọn hải đăng, giúp cho người đi biển định hướng, không bị lạc trên biển cả mênh mông. Trong khi người có tầm nhìn xa chú tâm vào những điều cốt lõi và bỏ qua những chi tiết thừa thãi, thì người có tư duy ngắn hạn lại chỉ chú tâm vào những điều nhỏ nhặt, vụn vặt và chi li.
Người có tầm nhìn làm việc để theo đuổi đam mê, gây dựng sự nghiệp trong khi những người khác vật lộn với công việc nhàm chán, nặng nề để duy trì cuộc sống.
Vào một ngày tháng 10 năm 1883 ở vùng núi Tây Bắc nước Mỹ, có một cậu bé được sinh ra trong ngôi làng nghèo đói, thiển cận, mù chữ. Như bao trẻ em khác trong làng, cậu bé chấp nhận làm việc ở mỏ than với mức lương 1 đô la mỗi ngày.
Có lẽ cậu sẽ trở thành công nhân mỏ vô danh, chật vật với cuộc sống nơi làng quê nghèo nếu không có một người đàn ông nói với cậu rằng cậu bé là một người sáng dạ, nếu được học hành đàng hoàng thì chắc hẳn sẽ gây ảnh hưởng trên thế giới.
Chính điều đó đã nâng tầm nhìn của cậu vượt ra khỏi ngôi làng hẻo lánh, đến nơi có trường học đầy đủ. Hơn thế nữa, còn gieo hạt giống niềm tin vào bản thân vào trí óc cậu, để rồi hạt giống đó nảy mầm, bám rễ theo thời gian, giúp cậu vượt qua vô vàn những chướng ngại khác.
Cậu bé đó chính là Napoleon Hill, tác giả của cuốn sách “Think and Grow Rich” (Nghĩ giàu, làm giàu) nổi tiếng mọi thời đại. Tầm nhìn đã thay đổi thành tựu cuộc đời con người như thế đấy.
Làm sao để định kỳ mở rộng tầm nhìn?
“Trên thế giới có rất nhiều người, có khi đến hàng triệu, bị khống chế và mắc kẹt trong những công việc buồn chán, tầm thường chỉ đơn giản mang lại cho họ sự tồn tại không hơn, không kém”, Napoleon Hill đã viết trong “Đường đến thành công”.
Trong cuốn sách này, Hill cho hay, mỗi khi bắt đầu một công việc, dấn thân vào một lĩnh vực kinh doanh nào đó, lúc đặt ra kế hoạch đầu tiên bạn thường không dự trù được toàn bộ những khả năng có thể diễn ra ở tương lai. Nhưng dần dà sau khi trải nghiệm một thời gian, bạn có thể mở rộng tầm nhìn của mình và có cái nhìn bao quát hơn. Đây chính là sức mạnh đưa bạn vượt ra khỏi những công việc tầm thường, tiến lên những bậc thang đến thành công.
Có nhiều cách để mở rộng và nâng cao tầm nhìn của bản thân.
Cách đơn giản và ít tốn kém nhất chính là đọc sách, trau dồi kiến thức, mở rộng hiểu biết của mình. Điều này đòi hỏi thời gian, sự kiên trì của mỗi người.
Bạn có thể kết giao với những cái đầu lớn, tầm nhìn cao hơn mình để học hỏi từ họ. Trò chuyện cùng họ khiến tâm trí bạn dễ dàng được khai mở. Đôi khi, một giờ trò chuyện cùng những người này còn hơn cả tuần đọc sách.
Zig Ziglar từng nói: “Hãy đi xa hết tầm mắt, bạn có thể nhìn thấy xa hơn”. Không gì mở mang trí tuệ bằng dấn thân ra thế giới rộng lớn. Đi, để biết thế giới vận hành ra sao. Đi, để biết ta có thể vươn xa đến thế nào. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước châ..
Theo Napoleon Hill, thất bại cũng là một cơ hội để xây dựng tầm nhìn. Thất bại buộc chúng ta phải nhìn lại bản thân, nhìn lại kế hoạch đã cũ, đồng thời trèo lên đống đổ nát đó để mở rộng tầm nhìn và xây dựng những mục tiêu mới mẻ và phù hợp hơn.
Trên tất cả, điều quan trọng nhất là phá bỏ rào cản của chính mình. “Thế giới thừa nhận con người bạn theo cách gắn với những gì bạn tự hào về mình”, Hill viết trong cuốn “Đường đến thành công”, “Bạn cần tin vào năng lực của mình để có thể thực hiện những chuyện to tát”.
Đừng để bất kỳ ai – kể cả chính bạn – nói rằng giới hạn của bạn ở đâu, hay bạn chỉ có thể trở thành ai đó nhàm chán, vô dụng.
Cuối cùng, hãy khắc ghi lời nói của Nelson Mandela: “Hành động mà không có tầm nhìn thì chỉ là qua ngày đoạn tháng, tầm nhìn không có hành động thì chỉ là mơ mộng hão huyền”.
Nếu ví thành công của một người như một ngôi nhà thì tầm nhìn chính là kết cấu, kiến trúc, còn kỹ năng, phẩm chất, kiến thức của một người chính là nội thất của căn nhà đó. Cho dù kiến trúc có đẹp, nhưng thiếu đi nội thất căn nhà chẳng thể nào hoàn chỉnh. Nên nhớ, mọi kế hoạch bạn vẽ ra sẽ mãi chỉ là giấc mơ nếu chúng không bao giờ được thực thi.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị