Bernard Shaw từng nói: “Tự giác kỉ luật là bản năng của kẻ mạnh nhất.” Càng tự giác kỉ luật bao nhiêu, bạn càng giàu có bấy nhiêu. Vậy làm sao để trở thành một người tự giác kỉ luật?
Vì tính chất công việc và cả những lần đi học thêm ngoài giờ, vài năm gần đây, tôi được tiếp xúc với khá nhiều người ưu tú.
Thành tựu của họ đều không giống nhau:
Có người mỗi ngày đều dậy sớm học ngoại ngữ, có người mỗi ngày đều chạy bộ, mỗi năm tham gia vài vòng marathon, có người vừa làm việc vừa có được bằng nghiên cứu, có người lại giữ được vóc dáng như nam thanh nữ tú.
Ở họ có một điểm chung không cần bàn cãi, đó là sự tự giác kỉ luật cao độ.
Tôi từng cho rằng kỉ luật tự giác là chuyện vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi phải kiên trì kỉ luật ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cho tới khi tiếp xúc với 100 người bạn ưu tú, tôi mới phát hiện ra, tự giác kỉ luật thực ra cũng có bí quyết.
01 – Phát triển thói quen tự giác kỉ luật với thói quen nhỏ 10 phút mỗi ngày
Không biết bạn có từng trải qua những chuyện như này: Lên Facebook thấy một người bạn nào đó mỗi ngày đều thức dậy vào lúc 5h sáng, vô cùng ngưỡng mộ, vậy là bắt đầu làm theo.
Sau đó, đừng nói là 5h dậy, một tuần liền chỉ dậy sớm hơn mọi khi có 30 phút thôi mà đã cảm thấy rã rời, mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo, đúng kiểu “ngủ muộn hủy buổi sáng, dậy sớm hủy một ngày”.
Rồi bạn bất đắc dĩ hoài nghi bản thân, có phải mình sinh ra đã phải ngủ nhiều mới được, không có thuốc chữa!
Trước kia tôi cũng nghĩ như vậy, cho tới khi tôi xin lời khuyên từ D., một người bạn của mình.
Tôi hỏi D. làm sao để có thể tự giác thức dậy vào 5h sáng, có phải cậu ấy là kiểu “trời sinh ra đã không cần ngủ nhiều”, và rồi D. nói, “rất đơn giản, mỗi lần dậy sớm hơn lúc trước 10 phút là được.”
Thì ra, D. cũng từng giống như bao người chúng ta, mới bắt đầu cũng “dùng quá nhiều lực”, dậy sớm quá khiến tinh thần không tỉnh táo, cho tới khi đọc được cuốn sách có tựa là “Thói quen nhỏ”, D. phát hiện ra, thói quen tốt không phải vừa bắt đầu đã muốn “trông cao vọng xa”, mà phải bắt đầu từng chút từng chút một với những hành vi mà bạn có thể tiếp nhận.
Tác giả của cuốn “Thói quen nhỏ”, bắt đầu từ việc mỗi ngày một cái chống đẩy dần dần thay đổi thói quen vận động của bản thân, lâu dần, có thể đạt được 50 cái chống đẩy mỗi ngày.
D. sau khi đọc được cuốn sách đã thay đổi chiến lược của mình, bắt đầu từ việc dậy sớm hơn trước đó 10 phút, kiên trì 1 tuần, phát hiện ra tinh thần khá ổn, sau đó thay đổi sang dậy sớm hơn 20 phút, đợi cơ thể dần dần thích ứng được sẽ lại điều chỉnh, mất khoảng 1 năm, đồng hồ sinh học của D. cứ cố định 5h ngủ dậy, không tốn một chút sức nào.
Dùng thời gian dậy sớm để đọc sách, học tiếng anh, hiện tại, D. đã đọc hết 10 cuốn sách bằng tiếng anh.
Mark Zuckerburg, ông chủ của Facebook cũng là một học viên của “thói quen nhỏ”, Mark đặt ra cho mình kế hoạch chạy bộ 1 dặm mỗi ngày.
Một dặm nghe thì có vẻ ít, chúng ta đi chơi chơi thôi cũng có thể vượt qua con số này, nhưng vì 1 dặm dễ thực hiện nên Mark đã đạt được tới trình độ mà mưa nắng cũng không phải là trở ngại.
Đối với những người kỉ luật tự giác, 5km không là gì, nhưng đối với một người bình thường, 5km quả thực rất khó để kiên trì, mà chuyện khó để kiên trì thường đồng nghĩa với việc dễ dàng từ bỏ.
Chi bằng mỗi ngày 1km trước, một năm sẽ được hơn 300km, đủ để chúng ta có thể hình thành nên thói quen vận động mỗi ngày, đây chính là điểm khởi đầu của tự giác kỉ luật.
Cái gì cũng đều cần có thời gian, không ai ăn một bữa là có thể béo lên ngay được, mỗi ngày tự giác kỉ luật hơn trước đó một chút, dần dần tích lũy lại, bạn sẽ phát hiện ra thì ra mình cũng có thể làm được điều mà trước giờ mình luôn tưởng rằng sẽ không thể làm được.
02 – Kỉ luật tự giác tới từ “ưu tiên”
Tôi từng “hứng lên” đặt ra cho mình N kế hoạch giúp nâng cao bản thân.
Sáng dậy đọc sách; chiều tối chạy bộ; 2,4,6 nghe giảng các lớp học online; 3,5,7 tập tành viết lách; chủ nhật tham gia lớp học đàn.
Tôi tin rằng, kiên trì những điều này lâu dài sẽ đem lại cho tôi sự trưởng thành, phát triển, giúp tôi sớm ngày được tự do.
Kết quả thì sao? Kiên trì được 2 tháng, thể lực bị bào mòn nghiêm trọng, mỗi cuối tuần chỉ muốn ngủ nướng hết ngày, khỏi cần tỉnh luôn cũng được, quả đúng là “hứng lên thì mạnh như hổ, kết quả mệt thành mèo.”
Từ đó về sau, tôi không còn nhắc tới “nâng cao bản thân” nữa, bởi vì theo như tôi thấy, tự giác kỉ luật cần một ý chí vô cùng mạnh mẽ, mà đây thì lại không phải là điều mà người bình thường nào cũng làm được.
Y. là một người chị có thể nói là cao thủ tự giác mà tôi quen biết được, trong vòng 3 năm thi lấy được đủ các loại bằng, đồng thời chị ấy còn là một người yêu vận động, cơ thể lúc nào cũng rất gọn gàng, săn chắc, tôi hỏi chị làm sao có thể vừa ôn thi vừa giữ được thân hình như vậy.
Cứ cho rằng chị ấy sẽ đưa ra cho tôi lời khuyên về quản lý thời gian sao cho hợp lý, nhưng không, chị cho tôi hai từ duy nhất, “ưu tiên”.
Chị ấy nói rằng, trong giai đoạn ôn thi, sẽ có một khoảng thời gian tập trung cho tìm tòi và ôn lại kiến thức, cần tới khả năng tập trung cao độ, lúc này, chị ấy sẽ tự động giảm tần suất luyện tập thể hình lại, thậm chí còn không thể quan tâm tới sự thay đổi của cơ thể, tập trung toàn bộ sức lực cho ôn thi, sau khi thi xong, sẽ bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để “phục thù” cho cơ thể.
Y. nói, thi và vận động đều cần tới một lượng lớn ý chí, mà ý chí mỗi người thì lại có hạn, dùng nhiều quá sẽ hết, phải biết cách dùng sao cho đúng nơi và đúng lúc.
Vì vậy, Y. tiến hành sắp xếp mục tiêu của mình, đưa ra thứ tự ưu tiên cho mục tiêu trước mắt, quan tâm tới việc cần làm nhất ngay lúc này, rồi sau đó tập trung toàn bộ năng lượng đi hoàn thành từng việc từng việc một.
Y. nói rằng, chỉ cần cho ý chí thời gian, mục tiêu rồi sẽ được hoàn thành.
Nghe xong chia sẻ của Y. tôi mới nhận ra rằng, “tự giác kỉ luật” trước đó của mình đều là mù quáng. Không tuân theo quy luật tự nhiên, cứ cạnh tranh với ý chí thì kết quả sẽ chẳng ra đâu vào với đâu.
Vì vậy, tiền đề của “tự giác kỉ luật” không phải là đặt trọng tâm chú ý vào mọi việc, không kể việc to việc nhỏ, mà là hiểu được nhu cầu, biết đưa ra lựa chọn ưu tiên, có như vậy mới có thể đạt được những thành tựu trông có vẻ khó đạt được một cách hợp lý và dễ dàng hơn.
03 – “Cụ thể hóa” mục tiêu tự giác kỉ luật
Có một diễn viên trong bài phỏng vấn từng chia sẻ kinh nghiệm giảm cân cho hợp với nhân vật của mình như này: Cô ấy sẽ in bức thiết kế của bộ trang phục ra, dán lên mọi ngóc ngách trong nhà, mỗi lần nhìn đều sẽ nói với bản thân, có gầy mặc lên mới đẹp, mới vừa, cứ như vậy cô ấy có động lực ăn kiêng và chạy vài km mỗi ngày.
Chúng ta luôn ngưỡng mộ sự kỉ luật của minh tinh mà không nghĩ rằng minh tinh họ cũng là người bình thường, cũng khó khắc phục được tính lười của bản thân, họ cũng cần có động lực, cần được thúc đẩy mới có thể giữ được thói quen kỉ luật của mình.
Trước đó tôi có đọc được cuốn sách mang tên “Kira Ein Hund Namens Money” (Tạm dịch: “Kira và chú chó tên Money”), trong đó có nhắc tới một quan điểm, cũng khá tương đồng với quan điểm của nữ diễn viên trên, đó là, tạo ra “sổ tay ước mơ” cho ước mơ của bạn.
Chú chó tên Money gợi ý cô chủ Kira liệt kê ra những ước mơ của mình, rồi sau đó vẽ ra những bức tranh cụ thể cho từng ước mơ, từ đó khích lệ bản thân đi kiếm tiền, tiết kiệm tiền, lên kế hoạch tài chính, quản lý cuộc sống của mình tốt hơn.
Tôi có một người bạn thi đỗ MBA của một trường nước ngoài có tiếng, cậu ấy vừa hay cũng dùng tới phương pháp của chú chó Money.
Cậu ấy nói quá trình ôn tập quả thực rất vất vả vì ôn thi đồng nghĩa với việc phải lượm nhặt lại tất cả kiến thức từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường lại, độ khó vô cùng cao, để khích lệ bản thân, cậu ấy đã lưu tất cả những bức ảnh, video hay những câu chuyện về trường lại trong điện thoại.
Mỗi lần học không vào hay không có hứng, cậu ấy sẽ lấy chúng ra xem, tưởng tượng mình có thể tới đó học tập, sinh sống, ngay lập tức khí thế hừng hực, thậm chí có thể ngồi ở bàn học nửa ngày trời.
Thông qua vài tiếng tự giác kỉ luật mỗi ngày, cậu ấy quả thực đã đạt được mục tiêu, cậu ấy nói, mỗi một giây phút nỗ lực, mỗi giờ ngồi trong thư viện đều giúp cậu ấy tiến gần được tới mục tiêu của mình hơn, giờ nghĩ lại chuyện học hành, chẳng cảm thấy vất vả chút nào.
Nói như vậy, xem ra kỉ luật cũng không có gì vất vả cho lắm.
Cuốn “The Willpower Instinct: How Self-Control Works, Why It Matters, and What You Can Do to Get More of It” của tác giả Kelly McGonigal nói rằng ý chí giống như cơ bắp, càng chăm chỉ rèn luyện sẽ càng cường tráng.
Đối với nhiều người mà nói, thứ họ thiếu không phải là quyết tâm rèn luyện, mà là bí quyết để có thể kiên trì rèn luyện.
Chúng ta không cách nào có thể trở nên tự giác kỉ luật, có lẽ là bởi đều rơi vào “khu vực sai lầm”, hoặc là đặt ra mục tiêu quá cao, khó mà thích ứng; hoặc là hành động quá nhiều, không đủ sức lực để theo; hoặc là khích lệ bản thân chưa đủ cụ thể, quá trình tiến về phía trước luôn thấy mệt mỏi, không có động lực.
Vậy thì, bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy sửa “khu vực sai lầm” trở thành “khu vực đúng đắn” bằng cách:
1. Một lần nữa lên kế hoạch lại các mục tiêu, sắp xếp các nhiệm vụ theo mức độ quan trọng, sau đó, mỗi lần chỉ tập trung vào một việc.
2. Thiết lập các “thói quen nhỏ”.
3. Cụ thể hóa mục tiêu, dùng “sổ tay ước mơ” khích lệ, động viên bản thân.
Sử dụng các phương pháp tương đối dễ dàng này để điều chỉnh hành vi tự giác kỷ luật, chúng ta cũng có thể biến việc tự giác kỷ luật thành thói quen và đưa nó vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Tôi tin rằng tới thời điểm đó, bạn và tôi sẽ thấy rằng kỷ luật tự giác hóa ra là một điều rất tự nhiên.
Theo Báo Dân Sinh