Năm 1969, cầu vượt hồ Pontchartrain chính thức được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận là cây cầu trên mặt nước dài nhất thế giới.
Khi New Oleans mở rộng vào những năm 1940 và 1950, đường sá tới phía bắc thành phố trở thành chuyện đau đầu của cư dân địa phương. Những người từ trung tâm đi về hướng bắc, hay đi từ phía nam về New Oleans, gặp phải trở ngại lớn nhất chính là hồ Pontchartrain.
Hồ Pontchartrain rộng khoảng 1.630 km2. Ảnh: NASA.
Nếu hướng tới phía đông hoặc tây thành phố, đường đi vòng quanh hồ mất nhiều thời gian, vì vậy giới chức địa phương lên kế hoạch xây dựng một đường thẳng xuyên qua trung tâm hồ nối từ bờ bắc đến bờ nam. Năm 1955, Công ty Cầu đường Louisiana được thành lập để thực hiện dự án này. Họ chỉ mất 14 tháng để xây dựng hai làn đầu tiên dài tổng cộng 38,4 km, thông xe vào năm 1956.
Cây cầu dài đến mức người lái môtô có thể không thấy đất liền khi đi được khoảng 12,8 km, còn vài tài xế ôtô bỗng sợ cứng người vì chứng sợ biển – đến mức cảnh sát phải hộ tống họ rời khỏi cầu. Cũng có những em bé đã ra đời trên cây cầu này vì các bà mẹ không thể đợi đến khi xe cứu thương kịp đến bệnh viện ở phía bờ bên kia hồ. Trường hợp hy hữu nhất là một chiếc phi cơ nhỏ cạn nhiên liệu đã hạ cánh an toàn trên cây cầu này.
Cầu vượt hồ Pontchartrain. Ảnh: Road Trippers.
Một thập kỷ sau khi hoàn thành cây cầu thứ nhất, lưu lượng giao thông qua lại vượt hơn 5.300 phương tiện một ngày. Giới chức lên kế hoạch xây cây cầu thứ hai song song với con đường hai làn ban đầu. Cây cầu thứ hai khánh thành vào năm 1969, cách tuyến đường thứ nhất khoảng 25 mét và chỉ dài hơn khoảng 25 m, nhưng như vậy cũng đủ để cầu Pontchartrain thu hút sự chú ý của tổ chức kỷ lục thế giới Guinness. Cầu Pontchartrain chính thức được công nhận là cây cầu trên mặt nước dài nhất thế giới – không có đối thủ – cho đến năm 2011.
Năm 2011, Guinness tuyên bố danh hiệu này thuộc về cầu vịnh Giao Châu dài 46,5 km của Trung Quốc. Và đến năm 2018, kỷ lục này một lần nữa thuộc về Trung Quốc với cầu Hong Kong – Chu Hải – Macau dài 55 km. Tuy nhiên, nhiều người chỉ ra rằng đây không phải những cây cầu hoàn toàn nằm trên mặt nước, do kết cấu có cả đường hầm dưới biển.
Cuộc tranh cãi khiến Guinness quyết định phân ra hai hạng mục rạch ròi hơn. Cầu trên hồ Pontchartrain trở thành cây cầu dài nhất trên mặt nước (tính theo độ dài liên tục), trong khi cầu vịnh Giao Châu trở thành cây cầu dài nhất trên mặt nước (tổng độ dài). Do đó, đến nay cầu trên hồ Pontchartrain vẫn giữ vững vị thế cây cầu liên tục trên mặt nước dài nhất thế giới trong hơn 60 năm, kể từ ngày hoàn thành trục đường đầu tiên.
Phí cầu đường được thu ở bờ phía bắc đối với phương tiện xuất phát từ phía nam. Phí tiêu chuẩn cho ôtô là 5 USD tiền mặt, và 3 USD với hệ thống thu phí điện tử. Ảnh: Giovanni Gagliardi.
Hồ Pontchartrain là hồ nước lớn nhất Louisiana, song thực ra nó là một cửa sông kết nối với vịnh Mexico với nhiều dòng sông và vịnh khác. Để đi hết cây cầu vượt hồ bạn phải mất khoảng 50 phút. Đến đây, khách du lịch có nhiều lựa chọn về địa chỉ ăn uống, giải trí, mua sắm và hoạt động thể thao ngoài trời như chèo thuyền, câu cá, đạp xe…
Câu cá và chèo thuyền trên hồ Pontchartrain là thú vui của du khách, người dân địa phương. Cho dù thuyền thuê hay tự bạn mang tới, một ngày trên hồ là trải nghiệm khó quên. Vào đêm thứ tư hàng tuần từ tháng 3 – 11 sẽ có cuộc đua thuyền trên mặt hồ. Du khách có thể đặt một chỗ trên mặt nước dọc theo bờ hồ để coi cuộc đua này.
Xung quanh hồ có nhiều điểm tham quan như Bảo tàng New Canal Lighthouse để tìm hiểu về lịch sử của Pontchartrain, khám phá hệ sinh thái lưu vực hồ và ven biển. Ngọn hải đăng được xây dựng vào năm 1850 và được khôi phục sau siêu bão Katrina. Ngoài ra, ven hồ có nhiều nhà hàng nổi tiếng, du khách tha hồ lựa chọn.
Bảo Ngọc (Theo Atlas Obscura)
Cây cầu trên hồ Pontchartrain nằm ở phía nam Louisiana, với điểm cực nam nằm ở vùng ngoại ô Metairie của New Orleans và điểm cực bắc ở thành phố Mandeville, trên bờ phía bắc của hồ. Tại cột mốc đánh dấu 16 dặm (hơn 25, 7 km) có một đoạn cầu có thể nâng lên cho phép các phương tiện đường thủy đi qua.