8 chữ NHỎ làm nên thành công LỚN trong tâm thư cuối cùng Gia Cát Lượng để lại cho con trai nhỏ tuổi

19

Bức tâm thư cuối cùng của bậc hùng tài mưu lược Gia Cát Lượng để lại cho con trai mình khi mới 8 tuổi tuy không dài, nhưng từng câu, từng chữ đều hàm chứa giá trị to lớn.

Không cần quá am hiểu về lịch sử Trung Quốc, không cần phải đọc qua tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, đại đa số chúng ta vẫn biết đến cái tên Gia Cát Lượng nổi danh nhờ trí tuệ xuất chúng và bản lĩnh quân sự tài ba.

Những kế sách của ông để lại không chỉ được lưu danh sử sách, mà còn được truyền tụng truyền bá rộng rãi cho các thế hệ về sau không ngừng học hỏi và nhận được những kinh nghiệm quý giá từ trong đó.

Đặc biệt nhất chính là Kế không thành, một mình Gia Cát Lượng ngồi ghế đánh đàn đánh đuổi được mười lăm vạn hùng binh của Tư Mã Ý, trở thành một giai thoại để đời được người người kính nể.

Ngoài tài năng quân sự và bản lĩnh chính trị đại tài, Gia Cát Lượng còn xứng đáng trở thành một nhà tư tưởng, một thầy giáo đầy bản lĩnh. Cuốn sách “Giới Tử Thư” mà Gia Cát Lượng để lại trước khi lâm chung cho con trai mình đến nay vẫn được truyền lưu rộng rãi, trở thành một tài liệu kinh điển chứa đựng những triết lý sống, những đạo lý nhân sinh cuộc đời vô giá.

Trong đó, có tám chữ cực kỳ tâm đắc được ông đặc biệt nhấn mạnh với Gia Cát Chiêm, khi đó mới 8 tuổi: “Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh chí viễn”.

Có thể hiểu là: Đạm bạc để sáng tỏ chí lớn, yên tĩnh để chí hướng xa xôi.

Là một bậc thiên tài, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, văn võ song toàn tinh thông mọi thứ, chẳng lẽ Gia Cát Lượng lại dạy con mình chỉ biết đạm bạc và bình thường không hơn?

Ngoài tài năng quân sự và bản lĩnh chính trị đại tài, Gia Cát Lượng còn xứng đáng trở thành một nhà tư tưởng, một thầy giáo đầy bản lĩnh.
Thật ra, ý nghĩa của hai tiếng “đạm bạc” mà Gia Cát Lượng muốn dạy con trai không phải là tầm thường, là vô dụng mà đó là sự đạm bạc trong tâm trí, không để những tạp niệm vẩn đục và dục vọng tham lam quấy rầy.

Chỉ khi nào tâm tưởng vô dụng vô cầu thì chí hướng mới có không gian để thể hiện rõ ràng hơn, kiên định hơn. Không bị danh lợi trói buộc, không bị phồn hoa níu kéo, đôi mắt chúng ta mới tinh tường, lý tưởng chúng ta mới mạnh mẽ.

Đồng thời, sự “ninh tĩnh” trong lời Gia Cát Lượng dạy con không có nghĩa là trốn tránh, lánh đời, sống trong an nhàn và lười nhác mà là sự tĩnh lặng từ trong tâm tưởng. Có như vậy, chúng ta mới có thể duy trì một tâm thái tốt, kìm chế những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, giữ sự tỉnh táo để luôn hướng tầm mắt tới những giá trị cao và xa hơn, sâu sắc như bầu trời.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta sống mà luôn bị ảnh hưởng bởi tham vọng mục tiêu của mình, những ham muốn vật chất luôn tràn ngập trong lòng, khiến chúng ta ngày càng nóng vội, làm việc như một cái máy chỉ biết đến kiếm tiền mà thôi.

Để bản thân rơi vào trạng thái này, chúng ta đã đánh mất chính mình, bị danh tiếng và của cải tiền bạc khống chế, đánh mất cuộc sống hạnh phúc mà không biết thỏa mãn.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta sống mà luôn bị ảnh hưởng bởi tham vọng mục tiêu của mình, những ham muốn vật chất luôn tràn ngập trong lòng, khiến chúng ta ngày càng nóng vội, làm việc như một cái máy chỉ biết đến kiếm tiền mà thôi.
Mà càng nhiều điều có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và hướng đi của chúng ta, chúng ta lại càng khó có thể tiến thẳng về phía trước theo đúng mục tiêu mình đề ra ban đầu. Càng đi càng rối, càng rối càng lạc đường.

Chỉ có giải tỏa được mọi rắc rối và phiền não từ bên trong tâm trí, bình tĩnh và tỉnh táo để đối mặt với mọi khó khăn, chúng ta mới có thể thẳng tiến tới lý tưởng thật sự.

Bên cạnh đó, Gia Cát Lượng cũng cho rằng: Không yên tĩnh thì học chẳng thành (Nguyên văn: Phi ninh tĩnh vô dĩ thành học). Chỉ có môi trường xung quanh yên tĩnh và một nội tâm yên tĩnh mới có thể tập trung tinh thần sức lực dùi mài, khổ học.

Chỉ có chuyên tâm, không bị can nhiễu bởi ngoại cảnh, và những tạp niệm nội tâm thì học mới thành tài.

Đây là lý do tại sao xưa các bậc kỳ tài thường ẩn cư nơi núi sâu rừng thẳm tu luyện, học tập, để rồi trở thành bậc kỳ tài vang danh thiên cổ như Khương Tử Nha, Khổng Tử, và cả bản thân Gia Cát Lượng…

Người ta thường nói rằng: “Có chí thì nên”, cũng như “Người có chí thì việc mới thành”. Có thể nói, chí hướng lớn và mạnh mẽ của con người sẽ là động lực để chúng ta làm nên những việc phi thường, gây dựng được sự nghiệp và hoàn thành việc lớn cho bản thân.

Thế nhưng để có chí lớn, không cần quá phô trương hay thể hiện mà đôi lúc, chỉ cần sống đạm bạc cũng làm sáng tỏ được ý chí, lấy đạm bạc để nuôi chí lớn ngày một trưởng thành.

Theo Trí thức trẻ

SHARE