Nhiều người lầm tưởng đây là cảnh bán cá nhưng thực chất đó là khoảnh khắc đẹp ở một làng quê thuộc tỉnh Hòa Bình, người dân trong một xóm nhỏ cùng phân chia những con cá mè sau khi đánh bắt về.
Mới đây, một cư dân mạng chia sẻ hình ảnh những con cá (cá mè) được xếp ngay ngắn trên nền xi măng thành từng hàng và chia đều ra các phần khác nhau. Nhìn qua ai cũng nghĩ đó là cá đang được rao bán, nhưng thực tế đây là khoảnh khắc người dân trong một xóm nhỏ cùng phân chia những con cá mè sau khi đánh bắt về.
“Cả xóm đi bắt cá, về chia đều cho tất cả mọi người. Tình làng nghĩa xóm là đây, yêu quê hương quá”, chủ nhân của bài đăng chia sẻ trên MXH.
Hình ảnh những con cá chia đều thành từng phần được chia sẻ trên MXH.
Chắc hẳn sẽ có người nghĩ rằng đây là cảnh người dân dàn cả ra để bán
Những hình ảnh này được ghi lại ở xóm Cát, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình
Được biết, những hình ảnh này được ghi lại ở xóm Cát, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Anh Bùi Văn Hiếu – một người dân trong xóm chia sẻ: “Hàng năm cứ đến tháng 4 tháng 5, trong xóm có cái ao, cả làng cùng thả cá rồi đến năm sau cá lớn, cả làng cùng nhau đánh cá rồi chia cho cả xóm. Trong xóm có hơn 200 hộ thì sẽ được chia đều mỗi nhà 1 phần”.
Đều đặn năm nào cũng vậy, việc đánh bắt cá để phân chia cho mỗi gia đình đã trở thành một phong tục tại làng quê. Đoạn đập này là do người dân tại nơi đây góp gạo, góp tiền cùng nhau xây dựng nên. Sau khi đã đánh bắt hết cá, người dân tại xóm Cát sẽ đợi khi có mưa, nước đập dâng lên rồi mua cá giống về thả. Đợi đến năm sau, khi cá lớn, người dân tiếp tục việc đánh bắt và chia đều cho mỗi gia đình.
Cá được chia thành từng phần cho từng hộ dân ở trong xóm
Đi kèm với bài đăng là hình ảnh người dân trong làng tập trung tại một khúc sông nước cạn để tát và bắt cá. Ai nấy đều tất bật cùng chung tay “vớt cá”, người dùng vợt, người dùng rổ rá… khiến khúc sông trở nên đông đúc, tấp nập hơn bao giờ hết.
Người dân tập trung tại ao để tát cá.
Không những gắn kết người dân trong xóm nhỏ mà hành động này còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Có lẽ không chỉ làng quê này mà khắp Việt Nam dù cuộc sống hiện đại xô bồ song ai cũng trân trọng giá trị của làng xã, của tình làng nghĩa xóm trong mỗi cộng đồng. Họ tương trợ nhau khi khó khăn hoạn nạn, chia sẻ bữa ăn ngon đời thường.
“Vùng quê của mình chủ yếu là người dân tộc Mường. Tuy giản dị, đơn sơ nhưng vô cùng yêu bình, đặc biệt, tình làng nghĩa xóm gắn kết, lúc nào cũng hạnh phúc và vui vẻ”, anh Hiếu chia sẻ.
Những hình ảnh bình dị, chân chất và ấm áp này khiến nhiều người không khỏi nhớ quê hương, ai nấy đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tình làng nghĩa xóm của người dân nơi đây. Bên dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận:
“Nhìn cảnh này mình thấy xúc động quá, cuộc sống bận rộn, bao nhiêu lo toan bộn bề nhưng đâu đó vẫn còn tình làng nghĩa xóm đúng nghĩa. Quê nghèo nhưng tình cảm chưa bao giờ nghèo!”.
“Làng quê Việt Nam lúc nào cũng gợi cho mỗi người nhiều kỷ niệm, ở đó mọi người đều sống rất có tình người, luôn giúp đỡ và hòa nhã với nhau. Ở thành phố nhà nào nhà nấy đóng cửa đi từ sáng đến tối, tối lại đóng cửa ở trong nhà, ít khi giao lưu với hàng xóm. Thỉnh thoảng mình vẫn cho con về quê để chúng được bay nhảy và cảm nhận không khí ở làng quê”.
Trải qua nhiều thế hệ, câu tục ngữ “bà con xa không qua láng giềng gần” vẫn giữ nguyên giá trị. Cái tình, cái nghĩa đậm đà nơi làng quê được ông cha ta xây đắp bao đời đến hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát huy. Ngày nay, tình làng nghĩa xóm vẫn được người Việt cất giữ và thể hiện như một nét đẹp truyền thống của dân tộc không thể nhầm lẫn với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới.
Theo H.A (Người đưa tin)