Người Việt học giỏi tới mức “không thể lí giải được”: Thành tích sánh ngang các nước giàu

19

Người Việt Nam có khả năng học tập tốt hơn hẳn các quốc gia có nền kinh tế tương đương khác.

Trang Chương trình Nghiên cứu Cải thiện Hệ thống Giáo dục (RISE) tập trung vào nghiên cứu toàn cầu nhằm tìm hiểu cách hệ thống giáo dục ở các nước đang phát triển có thể vượt qua các vấn đề trong giáo dục. RISE nhận được tài trợ từ Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh (FCDO), từ Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) của Chính phủ Úc và từ Quỹ Bill & Melinda Gates của tỉ phú Mỹ Bill Gates.

Một bài viết trên trang này đã ghi nhận “điều kì lạ” trong khả năng học tập của học sinh Việt Nam, được đánh giá qua những bài kiểm tra tiêu chuẩn trên thế giới. Dưới đây là nội dung bài viết, được dựa trên dữ liệu từ năm 2012:

Thành tích giáo dục của Việt Nam

Về cơ bản, Việt Nam là quốc gia có thu nhập thấp duy nhất có kết quả kiểm tra tương đương với thành tích của các nước giàu trong các bài kiểm tra quốc tế. Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ “kì lạ”. Thành tích từ các bài kiểm tra cho thấy Việt Nam có kết quả tốt hơn rất nhiều so với kì vọng đối với một quốc gia ở mức thu nhập này.

Các quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) như Anh và Mỹ có mức điểm trung bình trong bài kiểm tra PISA thấp hơn khoảng 100 điểm so với Thượng Hải (Trung Quốc) và Phần Lan.

Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) là một nghiên cứu trên toàn thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại các quốc gia thành viên và không phải thành viên nhằm đánh giá các hệ thống giáo dục thông qua việc đánh giá kết quả học tập của học sinh 15 tuổi trong toán học, khoa học và đọc hiểu.

PISA lần đầu được tổ chức vào năm 2000 và sau đó lặp lại 3 năm 1 lần. Mục đích của nó là cung cấp dữ liệu có thể so sánh được với mục đích cho phép các quốc gia cải thiện chính sách và kết quả giáo dục. Bài kiểm tra có thể đo lường khả năng giải quyết vấn đề và nhận thức của học sinh.

Trong bài kiểm tra toán của PISA, Việt Nam có kết quả tương đương Phần Lan và Thuỵ Sĩ dù GDP thấp hơn nhiều.

Việt Nam còn có kết quả cao hơn 100 điểm so với mức trung bình của các nước có thu nhập thấp.

Hiện tượng “lạ”

Nhưng không chỉ bài kiểm tra này cho thấy kết quả đặc biệt của Việt Nam. Một nghiên cứu khác của Abhijeet Singh đã tổng kết cuộc khảo sát của Oxford Young Lives với bài kiểm tra TIMMS quốc tế, và một lần nữa phát hiện kết quả kiểm tra của Việt Nam vượt trội hơn hẳn các quốc gia có thu nhập thấp khác.

Nghiên cứu của Singh cho thấy lợi thế của học sinh Việt Nam đã bắt đầu từ sớm. Trẻ em Việt Nam có kết quả tốt hơn một chút so với trẻ em ở các nước đang phát triển khác ngay cả trước khi chúng bắt đầu đi học tiểu học, nhưng sau đó khoảng cách liên tục tăng lên sau mỗi năm.

Nghiên cứu cho thấy một năm học tiểu học ở Việt Nam ‘hiệu quả’ hơn đáng kể so với một năm học ở Peru hoặc Ấn Độ.

Kết quả bài kiểm tra TIMMS của học sinh Việt Nam cao vọt so với các quốc gia có mức thu nhập đầu người tương đương, thậm chí xấp xỉ so với các nước có thu nhập cao như Mỹ và Canada.

TIMSS (Xu hướng trong Học tập Khoa học và Toán học Quốc tế) là một phần trong chương trình nghiên cứu của IEA – Hiệp hội Đánh giá Thành tựu Giáo dục Quốc tế có trụ sở chính tại Amsterdam. Với một trung tâm nghiên cứu và xử lý dữ liệu lớn ở Hamburg, IEA đã tiến hành các nghiên cứu so sánh quốc tế về thành tích của học sinh thế giới từ năm 1959 tới nay.

Câu hỏi mà nghiên cứu này đặt ra – và kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy – là: “Tại sao ở một số quốc gia, kết quả học tập mỗi năm lại lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác? Hay nói một cách đơn giản hơn, tại sao trường học ở một số quốc gia lại tốt hơn nước khác rất nhiều?”.

Nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik cho thấy rất khó để lí giải “hiện tượng Việt Nam”.

Học sinh Việt Nam có kết quả học tập vượt trội so với các nước có mức thu nhập tương đương.

Bằng cách phân tích thống kê sử dụng các yếu tố đo lường có sẵn, nghiên cứu cho thấy rằng sự kết hợp giữa đầu tư có mục tiêu và “yếu tố văn hóa” giải thích được một phần nào đó trong khoảng cách lên tới 100 điểm giữa Việt Nam và các nước thu nhập thấp khác trong bài kiểm tra PISA.

Các yếu tố chính có thể nhắc tới bao gồm:

Chú trọng đầu tư giáo dục

– Học sinh có nhiều cơ hội được học ở trường mầm non hơn.

– Có nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt là ở các thành phố và thị trấn nhỏ.

Các yếu tố văn hóa

– Học sinh học chăm chỉ hơn – ít nghỉ học hơn, dành thời gian tương đương hoặc nhiều hơn ở trường, cộng với thời gian học thêm đáng kể sau giờ học.

– Học sinh có kỷ luật và tập trung hơn vào việc học. Hiệu trưởng và phụ huynh theo sát hoạt động giáo dục của các giáo viên.

– Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng thông qua việc tích cực tham gia vào việc học của con cái, theo sát giáo viên của các con và đóng góp của họ ở trường.

Tuy nhiên, tất cả những lí giải này mới chỉ giải thích được một phần của “hiện tượng học giỏi ở Việt Nam”. Một nửa câu trả lời còn lại vẫn là một bí ẩn và chúng tôi hy vọng nhóm nghiên cứu của RISE Việt Nam có thể giúp làm sáng tỏ, thậm chí có thể cung cấp một số bài học hữu ích cho các quốc gia có thu nhập thấp khác.

SHARE