Gia đình theo đạo Thiên chúa nên kịch liệt phản đối chị Tâm đi bước nữa. Bị mẹ từ mặt, chị chỉ còn cách ôm 4 đứa con đi nhặt ve chai.
Trên con đường đất đỏ khói bụi mịt mù ở Long An, một người phụ nữ cầm theo bao tải ve chai, dắt díu theo 3 đứa trẻ nhỏ. Trên tay mỗi bé lại cầm theo mấy chai nhựa, bao ni lông rách, bé nào cũng đen nhẻm, cởi trần, có đứa chân đi đất.
Đó là hình ảnh 4 mẹ con chị Tâm (27 tuổi), hiện chị ngày ngày nhặt ve chai mưu sinh kiếm sống. 8 năm đi khắp lề đường góc chợ nhặt rác cũng là 8 năm chị bỏ nhà theo chồng.
Chị Tâm sinh ra trong một gia đình khá giả, có của ăn của để. Chị và chồng cũ có chung với nhau một bé trai 9 tuổi. Sau khi ly hôn, chị phải lòng với một người đàn ông quê Sóc Trăng có gia cảnh đối lập nhà chị.
4 mẹ con chị Tâm nhếch nhác nhặt ve chai kiếm sống
Gia đình chị Tâm kịch liệt phản đối vì nhà vốn theo đạo Thiên chúa, đàn bà ly hôn không được đi tiếp bước nữa, chỉ trừ khi chồng mất. Mẹ chị cho chị 2 con đường, hoặc bỏ hết 4 đứa con riêng với người mới, quay về nhà, còn không muốn đi đâu thì đi.
Thuyết phục không được, bị mẹ từ mặt, chị gạt nước mắt, dứt áo theo chồng mới, chấp nhận cảnh nhặt ve chai nuôi 4 đứa con. 2 bé lớn nhất sinh đôi – 5 tuổi, một bé gửi lên chùa, bé còn lại mới 2 tuổi, bám riết mẹ, lúc nào cũng đòi ôm cổ, ẵm trên tay.
“Em đi nhặt ve chai gặp người gia đình em hoài, có bữa gặp chị ruột, cậu ruột. Họ thấy mà mắc cỡ nên không dám dòm em. Có hôm em đi được mấy người thương, họ cho tiền. Có người về có còn bảo mẹ em, sao nó khổ quá, thôi cho nó về nhà đi.
Mẹ em mới kêu, sao mày có tay có chân mà đi xin tiền người ta? Mẹ em chửi… Mẹ nghĩ chồng em ăn chơi, bắt em đi nhặt ve chai vậy đó. Mà chỉ người sống quanh đây hiểu thôi“, chị Tâm nói.
Chị Tâm bị gia đình từ mặt, bà ngoại quyết không nhận cháu
Con nhỏ tuổi, lại không nỡ để ở nhà, chị Tâm cực chẳng đành phải tha lôi con đi khắp cung đường xó chợ. Trước 2 vợ chồng chị ở tạm một cái chòi gần xí nghiệp, sau người ta đuổi đi, gia đình đành thuê căn phòng trọ bé xíu, phí 800 đồng/tháng.
Ngày nào chị cũng cho các con ăn cơm no buổi sáng, đem theo bịch sữa, rồi cả 4 mẹ con đi nhặt xuyên trưa, đến tối mới về. Ngày nào có tiền thì ăn cơm với trứng, không thì ra chợ, người ta lại cho con cá, miếng thịt, về ăn qua bữa.
“Bé nhỏ mấy tháng, em gửi trong chùa trên Đức Hòa, nắng quá sợ nó bệnh. Đi mót ngày được trăm ngàn, có ngày vài chục. Ai thương cho thêm, người cho ve chai, nước ngọt, 5 nghìn, 10 nghìn vậy đó, lay lắt sống qua ngày với mua sữa cho tụi nó. 3 thằng mỗi thằng 10 bịch sữa.
Cũng có nhiều người giúp đỡ em lắm, mà người ta giúp được phần nào thôi vì giờ nuôi 4 đứa con, khổ quá. Em con nhà tiểu thư mà lỡ thương ông xã, gia đình không chấp nhận em mới bỏ đi theo. 2 vợ chồng giờ y chang mồ côi vậy đó!”, chị Tâm cười cay đắng.
3 mẹ con đi nhặt, gom lại chất thành đống, cứ 1 tuần đem đi bán
Đứa con bất hiếu, xin mẹ đường quay về
Chị Tâm kể, tuy khổ mà các bé ngoan, hiểu chuyện. Đứa bé 2 tuổi cũng phụ mẹ nhặt ve chai chăm chỉ nhất. Ai hỏi bé, đi lượm vậy có cực không, cậu bé lắc đầu, bẽn lẽn nói không mệt. Chị Tâm bảo cũng có người hỏi về bà ngoại, biết bà không ưa nên cậu con trai cũng cảm nhận được phần nào.
“Mấy đứa khôn lắm, biết né xe, có bữa em đi lượm dưới bờ ao, nó không lại đâu. Có hôm em lượm xong đi mượn xe máy người ta đi bán, thằng nhỏ ngồi đợi ở bãi chờ mẹ về. Nó biết giữ em lắm’, chị Tâm kể.
Cả 2 vợ chồng chị Tâm đều đi nhặt ve chai, chồng 1 ngả, vợ ôm con đi 1 ngả
Riêng bên gia đình nhà nội – tức nhà chồng chị Tâm hiện tại rất thương con cháu, nhưng ông bà nghèo, ở tít tận Sóc Trăng nên chẳng thể giúp gì được. Hiện 3 bé đã đến tuổi đi học nhưng chị Tâm không thể làm giấy tờ. Chị bảo, vẫn đang phân vân việc nhờ nhà chùa làm giấy tờ giùm để cho các con đến trường.
“Sư bảo bắt buộc em phải ký giấy cho hết 4 đứa nhỏ, để chùa tự làm giấy khai sinh. Em chỉ sợ cho con rồi không lấy lại được, nên em đang suy nghĩ”, chị Tâm đắn đo.
Cả gia tài của nhà chị Tâm là chồng ve chai sắt vụn chất bên đường
Các con chị rất ngoan, hàng ngày tích cực phụ mẹ đi nhặt đồ
Khu ve chai chị Tâm và chồng nhặt chất thành đống quanh con đường đất đỏ, chị bảo không sợ mất vì người ta biết chị, thương chị nên còn “cho thêm”. Sâu trong tâm khảm, chị ý thức được việc “cãi cha cãi mẹ” nên đời chị mới chịu khổ đến vậy. Người mẹ nghèo vẫn mong ông bà ngoại cho một con đường quay về, thương các cháu mà bỏ qua.
“Mẹ bắt em chọn 1 con đường về ở nhà với con, bỏ hết mấy đứa bé này. Nhưng con nào cũng là con, đẻ rồi giờ bỏ không được. Em chấp nhận bỏ cuộc sống sung sướng, đi mót ve chai nuôi 4 đứa này, chứ chúng nó vô tội.
Mẹ em bỏ em lỗi do em, em làm khổ mẹ nhiều lắm. Mong mẹ tha thứ cho em, chấp nhận cho mấy mẹ con em về với gia đình. Mẹ đẻ em ra, hai mấy năm rồi mà chưa làm gì được cho mẹ, em là đứa con bất hiếu”, chị Tâm nghẹn ngào.
Chị Tâm mong gia đình cho 1 con đường quay về
Nhìn sự hồn nhiên của các con, chị Tâm ứa nước mắt. Mong muốn lớn nhất của chị lúc này là dịch bệnh chóng qua để 2 vợ chồng có thể tiếp tục đi nhặt ve chai, cho các con đi học, ổn định cuộc sống.