Quá Ngán Ngẩm Vì Giá Thanh Long, Nông Dân Bình Thuận Đã Bỏ 1.500ha Thanh Long Chuyển Sang Trồng Cây Khác

10

Ngày 17/3, trao đổi với báo chí về tình hình nông dân Bình Thuận bỏ thanh long chuyển sang cây trồng khác, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, đã nghe thông tin và khuyên người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi trồng loại cây khác…

Bỏ thanh long chuyển sang trồng lúa

Theo ông Phan Văn Tấn, hiện chưa biết diện tích người dân chuyển đổi diện tích thanh long sang trồng cây khác sinh trưởng sao, người dân sản xuất thanh long trong điều kiện thế nào,… nên chưa thể đánh giá được.

Do tình hình tiêu thụ chung như vậy nên không riêng gì thanh long của Bình Thuận mà nhiều nơi khác đều bị ảnh hưởng…

Một vườn thanh long bị bỏ ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận.

“Quan điểm hiện nay là Sở khuyến cáo bà con và doanh nghiệp theo dõi thị trường, chăm sóc duy trì đồng thời tổ chức lại sản xuất thanh long lại theo mô hình HTX. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, chủ động được thị trường tiêu thụ. Bây giờ không thể mạnh ai nấy làm như trước đây nữa nên phải tìm đầu ra trước khi trồng. Có trồng cây gì cũng phải phù hợp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và tuân theo quy hoạch của địa phương. Đặt biệt là thị trường tiêu thụ ở đâu; cách thức tổ chức sản xuất, liên kết theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…“, ông Phan Văn Tấn nói.

Cũng theo ông Phan Văn Tấn, dự kiến sản lượng thanh long toàn tỉnh cuối đợt chong điện trái vụ thu hoạch từ 15/3-15/4 khoảng 40.000 tấn.

Một huyện có diện tích trồng thanh long giảm khoảng 1.500 ha

Theo thống kê ban đầu của Phòng NNPTNT huyện Hàm Thuận Bắc, tính đến đầu tháng 3/2022, trên địa bàn huyện này còn khoảng 7.900 ha trồng thanh long, nếu so với đầu năm 2021 giảm khoảng 1.500 ha.

Nguyên nhân diện tích thanh long giảm do gần 2 năm qua giá bán thanh long không ổn định, có thời điểm giá thanh long vụ nghịch, chong điện nhưng chỉ từ 500 – 2.000 đồng/kg. Thanh long rớt giá thê thảm đã khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng, không còn khả năng đầu tư, chăm sóc.

Vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, địa phương có diện tích trồng thanh long giảm khoảng 1.500 ha.

Một số diện tích thanh long trồng trên chân ruộng đã bị nông dân phá bỏ, quay trở lại sản xuất lúa như trước đây. Riêng diện tích thanh long trồng trên đất màu thì nông dân bỏ c.hết trắng…

Một số xã có diện tích thanh long phá bỏ nhiều nhất là: Hàm Chính 363 ha, Hàm Đức 269 ha, Hàm Hiệp 131 ha và Hàm Thắng 114 ha; những xã, thị trấn còn lại nông dân cũng phá bỏ thanh long nhưng ở mức độ khoảng vài chục hecta.

Nông dân phá bỏ thanh long chuyển sang cây trồng khác.

Hiện tại thanh long chưa có đầu ra ổn định, giá thanh long hàng điện đang ở mức thấp chưa từng có.

Thương lái không mua theo số kilogam như trước đây mà chuyển sang mua mão. Nếu số lượng thanh long từ 3-5 tấn thì thương lái chỉ mua tầm 2 -3 triệu đồng.

Riêng tại huyện thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam cũng có những nhà vườn bỏ thanh “c.hết đứng” vì lỗ nặng.

Trao đổi với báo chí, nông dân Cao Hoàng T. có gần 700 trụ thanh long cho biết: “Thanh long giá rẻ kiểu này chúng tôi không còn mặn mà nên bỏ đại. Chúng tôi cũng không tiếp tục đầu tư chăm sóc nữa vì hết vốn,…”

Tăng cường kết nối tiêu thụ thanh long

Trước tình hình thanh long rớt giá như hiện nay, mới đây nhất ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các địa phương rà soát quy mô, tình hình sản xuất, chế biến các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh, đặt biệt là thanh long.

Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình sản lượng, giá cả các loại nông sản theo từng thời điểm để có kế hoạch hỗ trợ kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, khi tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã và đang xảy ra trong thời điểm hiện nay.

Đặc biệt, khi thị trường truyền thống của thanh long Bình Thuận sang Trung Quốc bị tắc nghẽn, một trong những giải pháp khác được nhấn mạnh đến là việc tăng cường kết nối, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ sản phẩm nông sản như: Đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, bán hàng bằng hình thức online, kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhất là thanh long.

Trong đó, ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản. Tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ bảo quản nông sản.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở Công Thương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng đường biển, giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành. Chú trọng vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước…

Bùi Phụ

SHARE