Cứ ngỡ con vật có thể ở lại trả ơn ân nhân, thế nhưng những hành vi của nó sau này đã khiến chủ nhân thay đổi suy nghĩ.
Được mệnh danh là “nơi bình minh đến sớm nhất”, thảo nguyên Shangri-La ở độ cao 3200 mét so với mực nước biển, nằm tại phía Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vốn nổi tiếng với phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Tuy nhiên, địa hình nơi đây cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy với hàng trăm đầm lầy lớn nhỏ.
Năm 1972, cô gái trẻ Cách Ương làm nghề chăn thả gia súc trên thảo nguyên đã tình cờ phát hiện ra một đầm lầy ẩn sau bụi cỏ. Cảm thấy đây có thể là thể là mối nguy hiểm cho đàn cừu nên cô gái đã lùa cả đàn sang một vị trí khác.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, Cách Ương phát hiện ra một con vật khác đang vùng vẫy trong đầm lầy này. Bùn đất đã phủ kín người con vật khiến cô gái khó có thể nhận đây là con gì, song cô vẫn quyết định sẽ giải cứu sinh vật tội nghiệp.
Cách Ương không ngờ rằng con vật mình cứu khỏi đầm lầy lại là một con sói hoang (Ảnh minh họa: Sohu)
Cô xé quần áo của mình thành từng mảnh nhỏ, sau đó buộc một đầu thành nút thắt to rồi ném cho con vật cắn. Con vật thông minh ngay lập tức hiểu được ý tốt, nó cắn chặt lấy đầu dây, sau đó cô gái trẻ từ từ kéo nó lên khỏi vũng lầy. Tuy nhiên, lúc này cô gái trẻ mới sợ hãi nhận ra mình vừa cứu một con chó sói.
Con sói được cứu lên không hề tỏ ra hung dữ, toàn thân nó run rẩy vì lạnh và đau đớn. Thậm chí con vật này còn đang mang thai. Cách Ương quyết định đưa nó về nhà, dùng nước ấm để tắm rửa sạch sẽ, cho nó ăn, đồng thời chữa trị vết thương cho sinh vật tội nghiệp.
Không lâu sau, chú sói dần bình phục, cô quyết định thả chú về với tự nhiên, Tuy nhiên, dù cô có mang thả nó ở đâu, nó vẫn quay trở về nhà tìm cô. Cách Ương cho rằng, có lẽ đây là một chú sói lạc đàn đơn độc, vì vậy cô đã đồng ý cho chú sói ở lại, giúp đỡ mình trông nom đàn gia súc.
Con sói luôn bày tỏ tình cảm của mình với Cách Ương (Ảnh: Sohu)
Giống như một con cún nhỏ, con sói chưa một lần tỏ ra hung dữ, ngược lại luôn lẽo đẽo đi theo, quấn quýt Cách Ương. Dường như đây là cách nó thể hiện lòng biết ơn của mình đối với ân nhân.
Chó sói trả ơn ân nhân
Hơn 1 tháng sau khi được nhận nuôi, chú sói lại dành tặng chủ nhân một món quà đặc biệt, nó hạ sinh 5 chú sói con khỏe mạnh. Cách Ương vô cùng vui mừng đón chào những thành viên mới đáng yêu, cô chăm sóc đàn sói con vô cùng chu đáo, cũng không quên tẩm bổ cho sói mẹ.
Những chú sói con dần cứng cáp, chúng cùng với mẹ của mình trở thành một nhóm “sói chăn cừu” đặc biệt, hỗ trợ cô chủ chăm nom đàn gia súc. Từ nhỏ đã được huấn luyện như chó nhà, 5 chú sói hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của cô chủ.
Từ khi có bầy sói, cũng không có bất kỳ một con thú hoang nào dám tới quấy nhiễu đàn gia súc. Điều này khiến Cách Ương vô cùng tự hào và hạnh phúc.
Đàn chó sói giúp Cách Ương bảo vệ đàn cừu trong một thời gian. Ảnh: Sohu
Thế nhưng gần 1 năm sau, khi sói con tới độ tuổi trưởng thành, chúng bắt đầu bộc lộ bản năng hoang dã khi tấn công bầy cừu và những người chăn gia súc khác. Đứng trước áp lực phải chăm sóc bầy con, con sói mẹ mà Cách Ương từng cưu mang cũng trở nên hung hăng hơn trước, không còn nghe lời chủ dặn nữa.
Cách Ương và gia đình vô cùng bất ngờ, lo lắng trước hành vi của bầy sói. Hóa ra cô đã không thể thuần hóa hoàn toàn những con thú hoang dã này.
Cách Ương hiểu rằng nếu cố chấp giữ sói trong nhà thì một ngày nào đó bản năng của chúng bùng nổ, tai họa sẽ ập đến. Cô gái chỉ đành chấp nhận thả đàn sói về với cuộc sống tự do, rong ruổi trên thảo nguyên xanh.
Tới đây, cô cũng coi như ân nghĩa mà chó sói mẹ phải trả cho mình đã đến lúc hết!
Sau này khi đã rời khỏi mái ấm của ân nhân, những chú chó sói vẫn thỉnh thoảng trở về thăm hỏi Cách Ương. Mỗi khi gặp lại những con sói mình đã nuôi nấng, Cách Ương sẽ ôm lấy chúng và cho chúng ăn uống như ngày xưa.
Câu chuyện về Cách Ương và mẹ con chó sói đã trở thành giai thoại mà người dân trên thảo nguyên Shangri-La nhắc tới như một minh chứng cho câu nói “giúp vật, vật trả ơn”, nhưng có lẽ mối ân oán nào rồi cũng phải đến hồi kết.