Giới chức Úc cảnh báo, người dân nên ở trong nhà vào ngày 14/1 vì đợt nắng nóng kỷ lục, đẩy nền nhiệt ở nước này lên mức cao nhất trong 62 năm qua.
Cụ thể, đợt nắng nóng gay gắt dọc theo bờ biển phía Tây Bắc Úc đã đẩy nhiệt độ tại đây tăng lên tới 50,7°C (123 độ F), mức cao nhất từng được ghi nhận trong 62 năm qua.
Các nhà hoạt động và nhà khoa học khí hậu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, sự nóng lên toàn cầu vì phát thải khí nhà kính do con người thúc đẩy, đặc biệt là từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đang dần vượt khỏi tầm kiểm soát.
Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho thấy, những năm nóng nhất được ghi nhận đều trong thập kỷ qua, với năm 2021 là năm nóng thứ sáu.
Úc là một trong những quốc gia phát thải carbon tính theo đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ nước này đã từ chối giảm dần việc phụ thuộc vào sử dụng than đá và các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch khác, cho rằng làm như vậy sẽ tốn thêm nhiều chi phí.
Nhiệt độ lên đến hơn 30°C ở Melbourne, Úc vào ngày 1/12/2021.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, nhiệt độ tăng cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và năng suất lao động ngoài trời, dẫn đến thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ USD.
Úc bị thiệt hại trung bình 10,3 tỷ AUD (7,48 tỷ USD) và 218 giờ làm việc mỗi năm trong hai thập kỷ qua vì nắng nóng, theo một nghiên cứu toàn cầu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke được công bố trong tuần này. Những thiệt hại này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong những thập kỷ tới, khi thế giới đang tiến tới tình trạng ấm lên toàn cầu cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tác giả chính Luke Parsons cho biết: “Những kết quả nghiên cứu này cho thấy, chúng ta không cần phải đợi đến 1,5°C nóng lên toàn cầu để chịu tác động của biến đổi khí hậu đối với người lao động và nền kinh tế”.
Theo VTV